Thanh toán di động "bùng nổ" với giá trị 4,9 triệu tỷ đồng
Nhu cầu hạn chế tiếp xúc trực tiếp khi giao dịch cùng hàng loạt các hoạt động cải tiến ứng dụng di động mạnh mẽ của các ngân hàng đã thúc đẩy thanh toán trực tuyến 6 tháng đầu năm.
Số liệu từ Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động "bùng nổ" hơn 472 triệu giao dịch, với giá trị 4,9 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 178% và 177% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu giao dịch trực tuyến tăng do Covid-19
Chỉ trong nửa đầu năm 2020, cuộc khủng hoảng chưa từng có do Covid-19 gây ra đã làm ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống kinh tế xã hội. Nhu cầu hạn chế tiếp xúc nơi đông người khiến thói quen tiêu dùng của người Việt thay đổi rõ nét đồng thời tạo cú hích cho các kênh thanh toán trực tuyến, đặc biệt qua điện thoại di động.
Quen sử dụng tiền mặt từ mua sắm hàng ngày cho đến đi chợ, siêu thị, đặt hàng, chị Mai Hà (50 tuổi, Gò Vấp, TP HCM) xem đây là một phương thức thanh toán tiện lợi và phù hợp với mình. Tuy nhiên khi trải qua ba tuần giãn cách xã hội hồi tháng 4, chị bắt đầu tiếp cận thanh toán trực tuyến và dần hiểu được những tiện ích mà cách thức này mang lại.
"Muốn đi đóng tiền điện nước hay nạp thẻ điện thoại nhưng ngại ra đường vì dịch, tôi nhờ con thanh toán giúp qua ứng dụng ngân hàng di động MyVIB của Ngân hàng Quốc tế. Chưa tới một phút là đã giao dịch thành công mà không phải đi đâu cả", chị Mai Hà nói.
Khảo sát của Nielsen Việt Nam cho thấyhơn 50% người được khảo sát nói rằng họ đã giảm tần suất đến siêu thị, chợ truyền thống, 25% tăng mua sắm trực tuyến. Ông Mohit Agrawal - Giám đốc Bộ phận Thấu hiểu Hành vi Người tiêu dùng, Nielsen Việt Nam nhận xét, người Việt hiện nay dành nhiều thời gian hơn trên mạng và mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Trong khi đó bà Louise Hawley, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam khẳng định xu hướng ưa chuộng thương mại điện tử sẽ tiếp tục trong tương lai kể cả khi Covid-19 qua đi.
Ngân hàng đẩy mạnh cải tiến công nghệ và gia tăng trải nghiệm khách hàng trên nền tảng số
Ngoài ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19, mức tăng trưởng ấn tượng gần gấp ba lần cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch qua điện thoại di động còn đến từ sự chủ động của các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến nói chung và thanh toán qua di động nói riêng. Hầu hết các ứng dụng ví điện tử và nổi bật là các ứng dụng Ngân hàng di động hiện nay đều cung cấp gần như đầy đủ những tính năng, tiện ích giao dịch cơ bản như chuyển tiền trong và ngoài hệ thống 24/7, thanh toán hóa đơn điện, nước, Internet, bảo hiểm, nạp thẻ điện thoại hay mở tiết kiệm online. Một số ít ngân hàng và ví điện tử chú trọng phát triển nền tảng sản phẩm này còn mang đến những tiện ích "cao cấp" hơn như thanh toán qua mã QR, mua vé tàu, xe, máy bay, đặt phòng khách sạn, gửi lì xì trực tuyến, đi chợ hộ, tính năng thẻ tín dụng "ảo" cùng hàng chục đến hàng trăm tiện ích khác gắn liền với đời sống hằng ngày của người dùng.
Theo bà Phạm Thu Hà, Giám đốc Ngân hàng số Ngân hàng Quốc tế (VIB), chiến lược phát triển Ngân hàng số lúc này cần tập trung tối ưu trải nghiệm người dùng, theo hướng nhanh, tinh gọn và đơn giản. Đây cũng là định hướng của nhà băng này khi công bố ứng dụng MyVIB phiên bản mới với nhiều thay đổi giúp nâng cao trải nghiệm người dùng. Theo đó, người dùng có thể tùy biến giao diện hiển thị sao cho thuận tiện nhất khi sử dụng. Ngân hàng cũng mở rộng hơn 100 dịch vụ thanh toán đáp ứng gần như mọi nhu cầu giao dịch hàng ngày của người dùng.
Nhà băng này cũng là một trong số ít các đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ Machine Learning và AI để thực hiện định danh điện tử (e-KYC) đối với khách hàng đã có tài khoản tại VIB đăng ký sử dụng MyVIB chỉ dưới một phút và hoàn toàn trực tuyến. Đây là một trong những bước tiến của VIB trên hành trình chuyển đổi số, tiến sát đến mục tiêu số hóa toàn diện trải nghiệm dịch vụ Tài chính - ngân hàng.
Nhờ chủ động đón đầu nhu cầu giao dịch trực tuyến trong thời dịch, nhà băng này đã ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng. Trong 7 tháng đầu năm, số lượng giao dịch qua MyVIB đã tăng 120%, lượng khách hàng sử dụng tích cực tăng 80%, số tiền huy động qua ứng dụng tăng 100%.
Trong nhiều năm, VIB luôn duy trì vị thế là một trong những Ngân hàng dẫn đầu xu hướng Phát triển các dịch vụ Ngân hàng số và đặc biệt chú trọng vào nền tảng điện thoại di động. Đây là ngân hàng đầu tiên và duy nhất hiện nay cung cấp giải pháp chuyển tiền trên các ứng dụng mạng xã hội với dịch vụ MyVIB Social keyboard, đáp ứng nhu cầu mua sắm của giới trẻ trên các nền tảng này. Nhà băng này cũng là đơn vị tiên phong tích hợp các dịch vụ tiêu dùng ngoài lĩnh vực ngân hàng, triển khai dịch vụ tra soát điện tử trực tuyến, Smart OTP, Smart Card và gần đây nhất là ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy trình phê duyệt hạn mức thẻ tín dụng chỉ trong 30 phút và thực hiện hoàn toàn online. Quy trình này hiện áp dụng với dòng thẻ hoàn tiền chuyên cho mua sắm trực tuyến Online Plus và có kế hoạch mở rộng cho tất cả dòng thẻ khác.
Đại diện nhà băng này cho rằng, bên cạnh tăng tốc ứng dụng công nghệ chuyển đổi số đáp ứng nhu cầu khách hàng, điều mà Ngân hàng cần cần chú trọng là tiếp tục nâng cấp trải nghiệm của người dùng trên các nền tảng ngân hàng số.
"Các ứng dụng ngân hàng đều gần như có những tính năng cơ bản giống nhau, nhưng điều gì sẽ giúp cho khách hàng thích ứng dụng này hơn ứng dụng kia, phụ thuộc vào trải nghiệm của họ trong từng thao tác", bà Phạm Thu Hà, Giám đốc Ngân hàng số VIB nói.
Ngoài ra, để khuyến khích khách hàng giao dịch trực tuyến trên nền tảng Ngân hàng số, VIB thực hiện chương trình khuyến mãi lớn nhất năm "Chạm là Chill". Theo đó, khách hàng lần đầu đăng ký dịch vụ và đăng nhập vào ứng dụng MyVIB trong thời gian diễn ra chương trình sẽ nhận ngay e-voucher trị giá 100.000 VND. Ngoài ra trong thời gian này, VIB cũng thực hiện miễn phí 100% giao dịch qua ứng dụng Ngân hàng di động MyVIB. Đây là một động thái của Ngân hàng nhằm hỗ trợ khách hàng có thêm kênh giao dịch an toàn và tiện lợi trong giai đoạn Covid -19.
Dù với những tính năng, tiện ích và nâng cấp như thế nào, cuộc đua giữa các ngân hàng trên hành trình chuyển đổi số cũng đang tạo ra những thay đổi tích cực đối với thanh toán trực tuyến tại Việt Nam. Các chuyên gia nhận định, khi Covid-19 qua đi, thói quen, hành vi mua sắm trực tuyến và thanh toán điện tử vẫn sẽ tiếp tục được ưa chuộng, nhờ sự tiện lợi, an toàn và bảo mật mà những phương thức này mang lại cho người dùng.