Thanh toán điện tử "bùng nổ", thẻ ngân hàng có bị "thất sủng"?
Sử dụng các ứng dụng như ví điện tử, ngân hàng số trên điện thoại di động để thanh toán, chuyển tiền đã trở nên rất phổ biến. Liệu vai trò của thẻ ngân hàng trong thanh toán đang dần bị lu mờ, và thậm chí là bước vào thời kỳ "thất sủng"?
- 19-11-2021Vụ trưởng Vụ truyền thông NHNN: Chúng tôi luôn nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính
- 19-11-2021Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Chỉ từ tháng 3/2021 đến nay, hơn 1,8 triệu tài khoản thanh toán được mở theo phương thức eKYC
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và công cuộc chuyển đổi số của ngành ngân hàng thời gian qua đã đạt được những kết quả ấn tượng. Thanh toán trên thiết bị di động tại Việt Nam hàng năm tăng 90% về số lượng và 150% về giá trị. Nhiều ngân hàng đạt trên 90% giá trị giao dịch thực hiện trên kênh số. Đáng chú ý, chỉ từ tháng 3/2021 đến nay, có thêm hơn 1,8 triệu tài khoản thanh toán được mở theo phương thức mới eKYC trong số hơn 100 triệu tài khoản thanh toán đang hoạt động tại Việt Nam.
Cung cấp dịch vụ mà khách hàng cần chứ không phải dịch vụ mà ngân hàng đang có
Tại Hội thảo "Tiến đến quốc gia không tiền mặt" mới đây, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, mục tiêu xuyên suốt trong chuyển đổi số ngành ngân hàng, đó không phải là ứng dụng công nghệ, đó là trải nghiệm khách hàng.
"Chúng ta phải lấy người sử dụng làm trọng tâm. Thước đo duy nhất để đánh giá kế hoạch chuyển đổi số là trải nghiệm của khách hàng, là tỷ lệ giao dịch trên môi trường số tăng trưởng. Đưa công nghệ vào mà khách hàng không dùng được gì thì đó không phải là cuộc chuyển đổi số thành công", Phó Thống đốc cho biết.
Lãnh đạo NHNN cũng chia sẻ, mục tiêu của ngành ngân hàng cũng rất tham vọng và thách thức, khi đặt ra nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số đạt đến 50% năm 2025 và 70% năm 2030; hay mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điên tử, và đến năm 2030 là 80%,…
Theo Phó Thống đốc, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số, kết nối và chia sẻ dữ liệu ngân hàng với các dữ liệu ngành, lĩnh vực khác; hình thành các mô hình ngân hàng số, nâng cao công tác an ninh, an toàn bảo mật…
Ông cũng cho rằng, để thực hiện mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt cũng cần có sự kết nối và chia sẻ giữa các ngành. Bởi ngành ngân hàng không thể đi một mình, ví dụ không thể thanh toán hóa đơn cho ngành điện nếu không kết nối với ngành điện, không biết khách hàng sử dụng bao nhiêu số điện.
Đề cập đến trải nghiệm khách hàng, đại diện các ngân hàng thương mại cho rằng, ngân hàng ngày nay luôn phải đề cao việc hướng đến các nhu cầu hàng ngày của khách hàng.
Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Trung tâm CNTT VietinBank cho rằng: "Ngân hàng cần hướng đến hoạt động tiêu dùng của khách hàng hàng ngày, cung cấp những dịch vụ mà khách hàng cần chứ không phải cung cấp dịch vụ mà chúng ta có".
Người dân không phải lúc nào cũng nghĩ và vào ứng dụng ngân hàng số đầu tiên. Việc đầu tiên họ nghĩ đến là mua sắm, đi chơi,…Và vấn đề là làm sao ngân hàng lồng ghép được những dịch vụ của mình vào những nhu cầu trong đời sống đó của khách hàng.
"Ví dụ khi khách hàng mua hàng trên Shopee, chúng ta phải làm sao để khách hàng có thể thanh toán một cách đơn giản nhất trong Shopee. Hay khi dùng Grab, làm sao tích hợp thanh toán đơn giản ở trên đó", ông cho biết.
Ngoài ra, ngân hàng cũng cần hướng đến giảm phí, phát triển sản phẩm sao cho khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ tiện lợi, dễ dàng.
Phó TGĐ VietinBank cũng chia sẻ một dịch vụ mà nhà băng này mới triển khai vừa qua là đặt biệt danh cho tài khoản. Cụ thể, thay vì phải nhớ số tài khoản do NH cấp cho, khách hàng có thể tự đặt tên cho tài khoản của mình và có thể chuyển khoản thông qua tên đó, đó có thể là tên shop, tên thương hiệu của mình. Điều này không chỉ giúp người dùng dễ nhớ tài khoản, mà còn mang lại dấu ấn cá nhân cho khách hàng, giúp họ cảm thấy vui, tiện lợi khi sử dụng dịch vụ.
Thanh toán điện tử phát triển chóng mặt, thẻ ngân hàng cũng đang dần chuyển đổi
Có thể thấy trong thời gian qua, sử dụng các ứng dụng như ví điện tử, ngân hàng số trên điện thoại di động để thanh toán, chuyển tiền đã trở nên rất phổ biến. Điều này cũng đặt ra câu hỏi, liệu vai trò của thẻ ngân hàng trong thanh toán đang dần bị lu mờ, và thậm chí là bước vào thời kỳ "thất sủng"?
Chia sẻ về điều này, Phó Tổng Giám đốc Sacombank - ông Nguyễn Minh Tâm Thẻ cho rằng thẻ vẫn còn đóng vai trò quan trọng và thẻ ngân hàng cũng đang dần thay đổi tích cực để phù hợp với xu hướng, chẳng hạn thẻ từ được thay thế bởi thẻ chip, ứng dụng công nghệ contactless,....
"Chẳng hạn tại Sacombank, chúng tôi đã tiên phong trong chuyển đổi thẻ contactless, và từ năm 2017 đã dần thay thế thẻ từ, nâng cao khả năng bảo mật, an toàn thông tin. Hiện nay giao dịch không tiếp xúc, không chạm là xu hướng và đặc biệt được ưa chuộng trong thời kỳ dịch bệnh" ông cho biết.
Vị Phó TGĐ Sacombank nhận định, thẻ ngân hàng sẽ song hành cùng với các phương thức thanh toán khác để hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt.
Được biết, nhà băng này đang là ngân hàng có số lượng thẻ tín dụng nội địa lưu hành nhiều nhất trên thị trường, chiếm 35% số lượng thẻ đang lưu hành. Sacombank tập trung phát triển thẻ tín dụng nội địa nhiều nhất là khách hàng ở các tỉnh và nông thôn.
Riêng ở thành thị, Sacombank tập trung phát triển cho khách hàng là công nhân khu công nghiệp, những người có thu nhập trung bình và đã được hưởng ứng rất nhiệt tình, góp phần giảm tín dụng đen.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị
Sự kiện: TÀI CHÍNH 4.0
Xem tất cả >>- Công ty chứng khoán “lột xác” ngoạn mục sau những thương vụ đổi chủ “đình đám”
- 3 tỷ đồng dành tặng doanh nghiệp SME gửi tiền tại VietinBank
- Chuyển đổi số giúp VietinBank kinh doanh hiệu quả ra sao?
- Quý III/2022, Chứng khoán DNSE tăng doanh thu 130% so với cùng kỳ 2021
- SAMSUNG giảm đến 60%, tặng TV Frame 43’’ cho chủ thẻ VIB mùa World Cup