MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh tra doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, bán lẻ xăng dầu toàn quốc

Thanh tra doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, bán lẻ xăng dầu toàn quốc

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu lập đoàn thanh tra để tổng kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu toàn quốc.

Trước hiện tượng nhiều cửa hàng xăng dầu treo biển "Hết hàng" vì lý do thiếu nguồn cung, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo lập đoàn thanh tra để tổng kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu xăng dầu, các doanh nghiệp phân phối, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu toàn quốc.

Vụ Thị trường trong nước đánh giá việc tạm ngừng bán hàng tại một số cửa hàng là tình trạng "diễn ra cục bộ tại một số địa phương phía Nam như Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Long An, Cà Mau, Đồng Nai và một số doanh nghiệp có hiện tượng hạn chế bán hàng để chờ tăng giá, việc này đã được cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm".

Thanh tra doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, bán lẻ xăng dầu toàn quốc - Ảnh 1.

Một cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở Sóc Trăng đóng cửa tạm ngừng bán. (Ảnh: PLO)

Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định kiên quyết thu hồi giấy phép nếu phát hiện vi phạm, kể cả giấy phép của cửa hàng bán lẻ hay doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, không dừng lại ở việc xử phạt hành chính. Nếu các cục quản lý thị trường địa phương, các sở công thương "làm ngơ", hoặc làm không hết trách nhiệm cũng sẽ xử lý nghiêm, thậm chí tạm đình chỉ công tác.

Bộ trưởng cho rằng, tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa sẽ trở nên phổ biến nếu không có quyết liệt loại bỏ. "Không được chủ quan, dù đây mới chỉ là hiện tượng. Nếu không tập trung xử lý nghiêm, dứt điểm, đúng luật thì rất có thể sẽ là phổ biến và khó khăn cho điều hành cung ứng xăng dầu và tổn hại nặng nề cho chương trình phục hồi kinh tế", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành công thương yêu cầu Cục Công Thương địa phương, Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết chấp hành nghiêm: niêm yết, bán đúng giá; công khai nguồn cung.

Với các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, Bộ trưởng yêu cầu phải lên kế hoạch nhập khẩu bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống để "dứt khoát không để thiếu xăng dầu".

Cục Công Thương địa phương chủ trì, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường các tỉnh tổng kiểm tra rà soát các doanh nghiệp, cơ sở bán lẻ trên địa bàn và yêu cầu cam kết chấp hành nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng; lên kế hoạch nhập hàng để bảo đảm không thiếu nguồn; niêm yết giá bán, công khai nguồn cung, sản lượng dự trữ.

Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với sở công thương và các cơ quan chức năng kiểm tra thường xuyên, đột xuất với tần suất dày 1 - 2 ngày/lần để kịp thời phát hiện xử lý sai phạm; kiên quyết xử lý theo đúng quy định, phạt kịch khung theo Nghị định 95; phối hợp với cơ quan chức năng như sở công thương, Vụ Thị trường trong nước, UBND các tỉnh thành phố, đề nghị lãnh đạo Bộ Công Thương rút giấy phép kinh doanh hoặc có những điều chỉnh kịp thời, hợp lý.

Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước, Thanh tra Bộ Công Thương tham mưu thành lập đoàn thanh tra tổng kiểm tra rà soát các doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu xăng dầu, yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động đúng với nội dung trên giấy phép và phải góp phần tích cực đảm bảo nguồn cung xăng dầu (tính cả nguồn trong nước và nhập khẩu), đáp ứng nhu cầu nền kinh tế. Trong quá trình kiểm tra, đoàn sẽ vừa thanh tra theo kế hoạch và có những cuộc thanh tra đột xuất trên phạm vi cả nước.

Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu nắm chắc diễn biến thị trường xăng dầu thế giới để tham mưu trong công tác điều hành giá xăng dầu trong nước tiệm cận với biến động giá xăng dầu thế giới.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tăng năng lực sản xuất để cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; tiếp tục đàm phán các bên liên quan để sớm phục hồi hoạt động có hiệu quả của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ cho phép Bộ Công Thương, Bộ Tài chính được linh hoạt điều hành giá xăng dầu trong nước để tiệm cận giá thế giới; trong điều kiện nguồn cung ở thời điểm nào đó gặp khó khăn cho phép được sử dụng Quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia khi cần thiết; về lâu dài, kiến nghị xem xét nâng mức dự trữ xăng dầu bằng hiện vật.

Cơ quan này cũng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo PVN đàm phán với các bên liên quan trong liên doanh Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn để đảm bảo nguồn cung như đã cam kết. Trường hợp không đảm bảo được thì phải chịu trách nhiệm, không làm thiệt hại cho các đối tác, không gây xáo trộn thị trường xăng dầu trong nước.


Theo PV

VTV.VN

Trở lên trên