Tháo gỡ vướng mắc cho vay của các Quỹ tín dụng nhân dân
Đây là nội dung đề xuất đáng chú ý tại văn bản Ủy ban Kiểm tra Liên minh Hợp tác xã Việt Nam góp ý về nội dung Dự thảo “Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều về cấp Giấy phép, tổ chức, hoạt động và các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng là Hợp tác xã” của Ngân hàng Nhà nước.
- 04-07-2019Chi trả cho gần 1.000 khách hàng gửi tiền tại các quỹ tín dụng nhân dân
- 22-06-2019eLoan.vn hợp tác Quỹ tín dụng nhân dân Đông Sài Gòn
- 24-03-2019Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Các bộ, ngành, địa phương hợp lực giám sát Quỹ tín dụng nhân dân
Theo đó, sau khi nhận được nhiều ý kiến phản hồi bằng văn bản và các ý kiến tham gia trực tiếp tại tọa đàm của Liên minh Hợp tác xã (HTX) các tỉnh, thành phố và đại diện các Quỹ tín dụng nhân dân (TDND), đơn vị này tổng hợp các ý kiến cho rằng còn nhiều bất cập trong dự thảo thông tư cần được sửa đổi.
Cụ thể, tại Điều 4 của Dự thảo Thông tư quy định tổng mức dư nợ cho vay đối với một thành viên là pháp nhân không được vượt quá tổng số vốn góp và số dư tiền gửi của pháp nhân đó tại Quỹ TDND tại mọi thời điểm.
Quỹ tín dụng nhân dân là một trung gian tài chính, hoạt động dưới hình thức hợp tác xã.
Thời hạn cho vay đối với thành viên là pháp nhân không được vượt quá thời hạn còn lại của sổ tiền gửi và khoản vay phải được đảm bảo bằng chính sổtiền gửi tại Quỹ TDND của pháp nhân. Tổng mức dư nợ cho vay đối với khách hàng là pháp nhân, cá nhân không phải là thành viên không được vượt quá số dư của sổ tiền gửi tại thời điểm quyết định cho vay và thời hạn cho vay không được vượt quá thời hạn còn lại của sổ tiền gửi...
Cũng liên quan đến vấn đề cho vay, tại Khoản 5 Điều 37 bản Dự thảo Thông tư quy định: “Quỹ TDND cho vay hợp vốn cùng ngân hàng HTX khoản cho vay từ 500 triệu đồng trở lên”.
Các ý kiến cho rằng quy định này trái với quy định tại Luật số 47/2010/QH12 Luật các tổ chức tín dụng và Thông tư 39/2016/TT-NHNN.
Hơn nữa, thực tế số khoản vay 500 triệu đồng tại các Quỹ TDND hiện nay không ít, trong khi đó Ngân hàng HTX chưa có đủ số chi nhánh tại 57 tỉnh, thành phố có Quỹ TDND, hiện nay chỉ có 32 chi nhánh tại 31 tỉnh, thành phố.
Ngay cả những tỉnh, thành phố có Ngân hàng HTX, địa bàn hoạt động của các Quỹ TDND cũng rất xa Ngân hàng HTX. Việc cho vay hợp vốn sẽ gây phiên hà cho thành viên và không đáp ứng kịp thời. Việc quản lý tài sản đảm bảo thiếu tính an toàn.
Điều này gây khó khăn cho các Quỹ TDND thực hiện cho vay hợp vốn với tất cả các khoản vay có giá trị từ 500 triệu đồng. Vì vậy, kiến nghị bỏ quy định “Quỹ TDND cho vay hợp vốn cùng ngân hàng HTX Việt Nam khoản cho vay từ 500 triệu đồng trở lên” hoặc chỉ nên quy định khi có nhu cầu các Quỹ TDND thành viên thực hiện cho vay hợp vốn với Ngân hàng HTX theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động cấp tín dụng.
Một vấn đề khác, đó là tại Khoản 2 Điều 36 bản Dự thảo Thông tư quy định: “Tổng mức nhận tiền gửi từ thành viên của Quỹ TDND tối thiểu bằng 50% tổng mức nhận tiền gửi của Quỹ TDND. Quỹ TDND hoạt động trên địa bàn liên xã phải đảm bảo tỷ lệ tổng mức nhận tiền gửi từ thành viên tối thiểu bằng 60% tổng mức nhận tiền gửi của Quỹ TDND”.
Có ý kiến như sau: Quy định này làm hạn chế khả năng huy động mọi nguồn lực của người dân trên địa bàn hoạt động gửi tiền vào Quỹ TDND, từ đó làm giảm uy tín của Quỹ TDND đối với thành viên và nhân dân. Hơn nữa quy định này không phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
Vì vậy, kiến nghị NHNN bỏ quy định: “Tổng mức nhận tiền gửi từ thành viên của Quỹ TDND tối thiểu bằng 50% tổng mức nhận tiền gửi của Quỹ TDND. Quỹ TDND hoạt động trên địa bàn liên xã phải đảm bảo tỷ lệ tổng mức nhận tiền gửi từ thành viên tối thiểu bằng 60% tổng mức nhận tiền gửi của Quỹ TNDN”.
Công an nhân dân