Tháo nút thắt giải ngân: Có nên tăng quyền cho cấp dưới?
Công tác giải ngân vốn đang hết sức trì trệ, đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về công tác giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2019 cho biết, tỉ lệ giải ngân thấp hơn cả cùng kỳ năm 2018. Trong khi nút thắt về vốn chưa được tháo gỡ, nhiều công trình trọng điểm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không những làm giảm hiệu quả, tăng chi phí mà còn gây ảnh hưởng tới niềm tin từ các nguồn vốn quốc tế. PV Báo Lao Động đã có buổi trao đổi với TS kinh tế Bùi Đức Thụ - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách - tài chính - tiền tệ quốc gia - về thực trạng và giải pháp “gỡ nút” trước mắt.
Ông Bùi Đức Thụ đánh giá:
Việc quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 có thể nói rất chậm, điều này thể hiện rõ trong báo cáo Chính phủ trình Quốc hội. Nguyên nhân của sự chậm trễ được xác định rất rõ do Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng và các luật liên quan tới quản lý đầu tư xây dựng mới ban hành trong thời gian gần đây, đã hình thành lên những quy trình, thủ tục quá nhiêu khê, phức tạp, vì vậy dẫn tới kéo dài thời gian thực hiện, làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, kể cả phần trung ương và địa phương.
Trong ngày họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương tháng 6.2019 vừa diễn ra, các bộ cho rằng, nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm chỉnh chế độ báo cáo. Việc này gây ảnh hưởng tới công tác tổng hợp, báo cáo từ đó thiếu thông tin về công tác giải ngân vốn. Theo ông điều này có hợp lý không?
- Việc một số bộ nói rằng các địa phương chưa báo cáo đầy đủ, tôi cho đó là một phần thôi. Hiện tại quy trình quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản là sau khi giao kế hoạch thì quá trình tạm ứng vốn, triển khai thanh toán vốn như thế nào hoàn toàn thông qua Kho bạc Nhà nước, hệ thống kho bạc của chúng ta tổ chức là theo ngành dọc và hiện tại đã hạch toán nhiều năm theo hệ thống tebmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc - PV) là có thể kiểm soát được mức độ tiền ra tiền vào trong việc quản lý sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của cả phần trung ương và phần địa phương, kể cả phần đã vào dự án công trình cũng như phần tạm ứng. Do vậy, việc báo cáo chỉ là một kênh để kiểm chứng lại thôi.
Ông đánh giá việc chậm giải ngân vốn sẽ gây những tác động tiêu cực như thế nào tới nền kinh tế của chúng ta?
- Tôi cho rằng đây là vấn đề nóng và hết sức cấp bách. Ngân sách của chúng ta đang bội chi rất lớn, trên 220 nghìn tỉ đồng phải đi vay một năm. Nếu tính cả phần vay để đảo nợ, tức là vay mới để trả nợ gốc, những khoản đến hạn phải trả thì mỗi năm lên tới hơn 450 nghìn tỉ đồng. Cái đó nhà nước phải đứng lên vay kéo theo không những gây giảm nguồn cung về vốn đối với hệ thống ngân hàng (vì nguồn lực trong nước và ngoài nước có hạn), Nhà nước vay nhiều thì kênh tín dụng thương mại kia phải tụt xuống.
Thứ hai là ngân sách nhà nước vay nhiều thì nghĩa vụ trả nợ lãi của nhà nước gia tăng. Thêm nữa tiền đã vay được nhưng không tiêu được trong điều kiện nhu cầu đầu tư của đất nước rất lớn, cơ sở hạ tầng còn hết sức thấp kém, chắp vá, cắt khúc và đã trở thành những nút thắt, rào cản cho sự phát triển kinh tế của chúng ta. Việc có tiền, có kế hoạch nhưng không làm được và làm chậm lại làm tăng thêm những nút thắt, khó khăn thêm cho nền kinh tế là việc hết sức không bình thường.
Ngoài ra, việc làm chậm quá trình giải ngân, quá trình thi công đối với các dự án đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước không những không tạo thêm công ăn việc làm mà còn khiến hệ số sử dụng lao động giảm xuống, nhà thầu không hoạt động, thuế của nhà thầu nộp cho ngân sách nhà nước cũng giảm và vốn không vào dự án công trình, không giải ngân được nó tác động đến tăng trưởng GDP của chúng ta chậm lại.
Một loạt các hệ quả xấu cùng đến trong khi nghĩa vụ, trách nhiệm của chúng ta tăng lên, nhưng tác động tốt đối với tác động kinh tế xã hội lại bị kìm hãm lại. Do vậy, việc tập trung lãnh đạo chỉ đạo để tháo gỡ những khó khăn ách tắc trong quản lý vốn đầu tư xây dựng nói riêng và ách tắc trong hoạt động kinh tế nói chung là một trong những nhiệm vụ cấp bách mà Đảng, Nhà nước chúng ta phải tập trung, phải làm, các bộ, ngành trung ương đến địa phương phải làm.
Vậy làm thế nào để có thể giải ngân vốn nhanh chóng, gỡ nút thắt cho nhiều dự án trọng điểm đang đói vốn như hiện nay, theo ông thì giải pháp nào nên ưu tiên?
- Chính phủ đã trình Quốc hội cho sửa Luật Đầu tư công, đợt tới sẽ tiếp tục trình những vấn đề khó khăn ách tắc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nhằm giải quyết những khó khăn về các luật khác như Luật Quy hoạch... Tôi cho rằng đây là việc làm cần thiết, cần phải chú trọng để đẩy nhanh. Nhưng trong điều kiện chưa giải quyết căn cơ những vấn đề pháp lý thì công tác quản lý điều hành cần phải quyết liệt hơn, có nhiều việc không do vướng mắc về thể chế pháp lý như các dự án chuyển tiếp, đã làm rồi, đã được duyệt rồi, giờ tại sao mà vốn của chúng ta đã bố trí theo kế hoạch lại không tiêu được? Ở đây ta phải xem làm rõ trách nhiệm của các ngành các cấp, phải có sự lãnh đạo phối hợp chỉ đạo của cả hệ thống chính trị nhằm tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.
Đối với một số dự án mới gặp khó khăn trong công tác thẩm định vốn, nhất là thẩm định nguồn vốn từ ngân sách trung ương mà được giao cho các địa phương quản lý thì tôi đề nghị có thể thay phương pháp từ tiền kiểm sang hậu kiểm để đẩy nhanh tiến bộ giải ngân. Để cấp dưới họ chủ động làm và không bị ách tắc về mặt thủ tục nữa. Còn cấp nào sai thì cấp đó phải chịu trách nhiệm và sẽ bị xử nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thứ hai là một số vấn đề nguồn vốn của trung ương nhưng rất nhỏ, không phải dự án nhóm A, thậm chí trọng điểm nhóm B thì có thể ủy quyền cho địa phương, ủy quyền cho cấp dưới chủ động làm. Nếu như chúng ta thực hiện các giải pháp đó thì chắc chắn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của chúng ta sẽ được giải ngân tốt hơn, tránh tình trạng đến cuối năm vẫn quyết toán vượt vốn đầu tư xây dựng cơ bản nhưng vốn giải ngân thực tế vào các dự án công trình lại chiếm tỉ lệ rất thấp và phần lớn nguồn vốn này thực hiện dưới hình thức chuyển nguồn sang năm sau. Đấy là hình thức không bình thường trong quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản những năm qua của chúng ta.
Xin cảm ơn ông!
Lao động