Thao túng giá cát ở Quảng Nam: DN phải trả tiền mặt với giá cắt cổ, không hoá đơn
Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết: Theo quy định, giá cát niêm yết tại mỏ là 150.000 đồng/m3 nhưng thực tế muốn mua được cát, DN phải trả tiền mặt với giá cắt cổ mà không có hoá đơn.
- 09-08-2022Giá cát xây dựng ở mức cao, khan hiếm
- 10-04-2021Mỏ cát có giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp trúng thầu 2.811 tỷ đồng
- 07-04-2021Giá cát xây dựng tăng cao, người tiêu dùng ĐBSCL chịu thiệt
Công tác quản lý khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn bất cập, dẫn đến việc các DN được cấp phép khai thác thao túng thị trường, đẩy giá cát liên tục tăng; khai thác vượt trữ lượng được cấp phép, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Tỉnh Quảng Nam sẽ triển khai các giải pháp cứng rắn nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác cát, sỏi như thu hồi giấy phép, thậm chí cấm khai thác khoáng sản trên địa bàn nếu DN liên tục vi phạm.
4 mỏ cát tại huyện Đại Lộc và Duy Xuyên đã hoạt động trở lại sau hơn 1 tháng đóng cửa.
Sau hơn 1 tháng đóng cửa, 4 mỏ cát tại 2 huyện Đại Lộc và Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã hoạt động trở lại. Dù không còn tấp nập như thời điểm trước Tết Nguyên Đán nhưng bãi tập kết cát dưới chân cầu Giao Thuỷ, huyện Đại Lộc có nhiều phương tiện ra vào. Trên bến, những chiếc xe múc chậm rãi chuyển cát từ ghe đưa lên vun thành đống. Mỏ cát Pha Lê, tại thôn Hội Khách, xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc của Công ty TNHH Pha Lê được cấp phép khai thác, mở cửa hoạt động trở lại sớm nhất trong số 4 mỏ cát tạm dừng hoạt động trước đó. Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát tại đây chỉ mức vừa phải, trên bến có vài xà lan và xe múc hoạt động.
Cát xây dựng trên địa bàn thành phố Tam Kỳ và huyện Núi Thành vẫn ở mức trên 450 ngàn đồng/m3.
Theo đại diện Công ty TNHH Pha Lê, hiện mỗi ngày có khoảng 20 xe tải ra vào bến vận chuyển cát với khối lượng khoảng 300m3/ngày, chủ yếu là những DN và người dân có nhu cầu xây dựng trên địa bàn các huyện phía Bắc tỉnh Quảng Nam. Đại diện Công ty TNHH Pha Lê khẳng định, sẽ thực hiện đúng quy định trong quá trình khai thác.
“Hiện nhu cầu khách hàng đăng ký mua cát rất nhiều, nếu DN nhận hết các đơn hàng sẽ không đủ công suất khai thác, không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường. DN chủ yếu bán cho khách hàng tại địa phương, việc khan hiếm cát trên thị trường hiện nay là do nguồn cát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không đủ để cung cấp cho thị trường. DN cam đoan sẽ niêm yết giá bán cát ngay tại mỏ với giá 150.000 đồng/m3”, đại diện Công ty TNHH Pha Lê khẳng định.
Hoạt động khai thác cát trên sông Vu Gia - Thu Bồn vẫn khá cầm chừng.
Từng điêu đứng vì các mỏ cát đồng loạt “án binh bất động”, những ngày qua, các DN xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã đẩy nhanh tiến độ thi công. Anh Nguyễn Tùng, ở xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc khai móng làm nhà vào đầu tháng 2 vừa qua. Thời điểm đó, giá cát tăng gần như gấp đôi so với trước Tết Nguyên Đán, nhưng vẫn không tìm được nguồn cát để mua nên sau khi sau khai móng xong, anh Tùng đành tạm dừng việc xây nhà. Anh Nguyễn Tùng vui mừng khi từ cuối tháng 2, các đại lý cát mở bán trở lại, giá cát cũng thấp hơn so với trước.
“Tôi động thổ làm nhà vào đầu tháng 2, lúc đó giá cát xây dựng giao động từ 400.000 – 450.000 đồng/m3. Đến thời điểm này các mỏ cát hoạt động lại, giá cát hiện nay chỉ còn 260.000/m3 nên gia đình tiếp tục thi công”, anh Tùng cho biết.
Một số chủ mỏ cố tình không xuất hoá đơn khi bán cát.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã triển khai quyết liệt các biện pháp thiết lập lại trật tự khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Thế nhưng, nhiều DN xây dựng vẫn hết sức khó khăn do giá cát chưa có dấu hiệu giảm, nguồn cung khan hiếm. Hiện, cát xây dựng trên địa bàn thành phố Tam Kỳ và huyện Núi Thành vẫn ở mức trên 450.000 đồng/m3.
Tại khu vực các huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My và Tiên Phước giá cát cũng ở mức 350.000 đồng/m3… Nhiều DN nêu thực trạng, vật liệu cát, sỏi, đất, đá… được bán với giá cao gấp nhiều lần so với dự toán nhà nước, nhưng các chủ mỏ vẫn từ chối xuất hoá đơn.
Một DN xây dựng tại huyện Bắc Trà My rất bức xúc trước việc thao túng, “làm giá” của các chủ mỏ. “Hồi trước Tết các chủ mỏ có xuất hoá đơn nhưng sau Tết họ không chịu xuất hoá đơn. DN thấy hầu hết các mỏ cát, mỏ đá được khai thác và bán ngoài trữ lượng được cấp phép. Ví dụ như trong dự toán công trình, chỉ có 200.000 đồng/m3 cát, tuy nhiên DN phải mua với giá cao hơn nhiều, nhưng lại không có hoá đơn để đảm bảo chứng từ thanh toán sau này theo quy định pháp luật. Dù biết là sai nhưng DN không còn cách nào khác”, đại diện DN nói.
Nhiều doanh nghiệp bắt tay nhau găm hàng, thao túng làm lũng đoạn thị trường.
Tại các buổi làm việc bàn giải pháp siết chặt hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi, đất đá... các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đã chỉ rõ những tồn tại, bất cập. Đó là tình trạng một số DN khai thác vượt công suất, ngoài diện tích giấy phép, chậm thực hiện hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác. Một số DN có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động bán hàng không xuất hóa đơn, xuất hóa đơn với giá trị ghi thấp hơn thực tế thanh toán… Đáng lưu ý, nhiều DN có biểu hiện bắt tay nhau găm hàng, thao túng giá.
Đại tá Nguyễn Hà Lai, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, qua điều tra, thu thập tài liệu, dữ liệu khai thác cát của một số DN được cấp phép trên địa bàn 2 huyện Đại Lộc và Duy Xuyên, Công an tỉnh đã phát hiện nhiều vấn đề nổi cộm.
“Công tác quản lý khai thác cát, sỏi của các địa phương và cơ quan chức năng vô cùng lỏng lẻo, gây thất thoát khoáng sản rất lớn. Chính quyền có cả bộ máy và hệ thống giám sát nhưng thực tế gần như không giám sát được. Theo quy định, giá cát niêm yết tại mỏ là 150.000 đồng/ m3 nhưng thực tế muốn mua được cát, DN phải trả tiền mặt với giá cắt cổ mà không có hoá đơn”, Đại tá Nguyễn Hà Lai cho biết.
Tỉnh Quảng Nam sẽ có nhiều biện pháp cứng rắn như rút giấy phép, cấm khai thác khoáng sản đối với các DN liên tục vi phạm.
Theo ông Nguyễn Văn Tiếp, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, việc quản lý, giám sát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế hiện rất thiếu chặt chẽ. Tại tất cả các mỏ cát, bến bãi tập kết cát đều có lắp đặt hệ thống camera giám sát, nhưng thẻ nhớ các camera chỉ lưu trữ tối đa 20 ngày… Nếu quá thời gian này hình ảnh sẽ lưu đè lên nhau, làm mất dữ liệu hình ảnh trước đó.
“Hình ảnh ghi lại qua camera không chứng minh được trữ lượng khai thác thực tế tại các mỏ, nếu người ta muốn gian dối cũng có rất nhiều cách để qua mặt cơ quan chức năng. Cần có giải pháp công nghệ chuyên nghiệp và thực tế hơn, giao việc giám sát này cho các huyện quản lý sẽ chặt chẽ hơn”, ông Nguyễn Văn Tiếp nói.
Ngày 3/3 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp về tình hình quản lý, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. UBND tỉnh này yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai thủ tục đấu giá các mỏ khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường. Đối với các mỏ đã tổ chức đấu giá phải nhanh chóng thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác.
Đại tá Nguyễn Hà Lai, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam.
UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Công an tỉnh phối hợp theo dõi, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản. Cục Thuế tỉnh cùng với Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong kê khai nộp thuế, xuất hóa đơn bán hàng. Đơn vị nào trung bình 2 năm kê khai thấp hơn 60% công suất nêu trong giấy phép hoặc kinh doanh thua lỗ 2 năm liên tiếp thì thuộc đối tượng ưu tiên kiểm tra, thanh tra trước.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, trong giấy phép khai thác nêu rất rõ có bao nhiêu xe ở đó, loại xe gì, khai thác vào khung giờ nào, khai thác bao nhiêu? Phải quản lý chặt chẽ những nội dung này. Trách nhiệm của cơ quan thuế đến đâu, các địa phương đến đâu? “Cần nghiên cứu biện pháp quản lý hiệu quả hơn, không được mang tính hình thức. Xử lý nghiêm nếu các DN được cấp phép khai thác khoáng sản cố tình vi phạm, nhất là đối với các DN vi phạm nhiều lần đề nghị thu hồi giấy phép, thậm chí xem xét cấm DN đó hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam luôn”, ông Thanh cương quyết./.
VOV