MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thất bại đã dạy tôi bài học sâu cay: Khi giàu có, ta không dám cho ai vay tiền nhưng lúc nghèo khó, cũng chẳng biết tìm ai để xin giúp đỡ

09-01-2019 - 23:00 PM | Sống

Chính những lúc nghèo khó nhất, ta mới biết điều gì đáng trân trọng.

Cuộc sống quá bon chen và vất vả ngày nay đã khiến chúng ta không còn dùng một trái tim chứa đầy lòng chân thành để đối xử với người khác nữa. Chỉ đến khi chính bản thân mình rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất, chúng ta mới nhận ra: Ai là bạn, ai là thù.

Thất bại đã dạy tôi bài học sâu cay: Khi giàu có, ta không dám cho ai vay tiền nhưng lúc nghèo khó, cũng chẳng biết tìm ai để xin giúp đỡ - Ảnh 1.

Khi ta giàu, ta có cả thế giới là bạn. Đến khi ta khó, liệu có mấy người chịu đau khổ bước đến bên ta?

Lúc khó khăn mới biết ai là bạn, khi hoạn nạn mới hiểu bạn là ai… Trời mưa rồi, mới biết ai sẽ là người đưa dù cho bạn. Gặp chuyện rồi, mới biết ai sẽ là người đối đãi với bạn thật lòng. Có những người chỉ biết thêu hoa trên gấm, chứ không biết đưa than sưởi ấm trong những ngày đông. Lại có những người chỉ biết thêm dầu vào lửa, chứ không biết đối đãi chân thành. Thế giới này không chỉ có mỗi người tốt mà chẳng thiếu những kẻ "miệng nam mô bụng một bồ dao găm". Họ không ngại dùng thất bại của ta làm "hòn đá kê chân" để đạt được mục đích. Họ cũng không ngại đóng thẳng cánh cửa quan hệ khi ta đã không còn giá trị để tiếp cận. Được mấy ai trong số "bạn bè" ấy có thể chìa tay giúp đỡ ta lúc nghèo khó nhất?

Chính vì vậy, đừng bao giờ quên trân trọng những người đến bên ta trong lúc cơ khổ nhất. Họ không quan tâm gốc gác mà chỉ nhìn vào con người ta. Họ chẳng để ý danh tính mà chỉ nhìn vào sự trung thực. Họ cũng không đòi hỏi vật chất tiền tài mà chỉ trân trọng mối quan hệ của nhau. Nghèo khó và thất bại chính là ống kính để ta nhìn thấu sự chân thành của bạn bè xung quanh, để ta gặp được những người trân quý như thế đấy.

Giống như cây có lúc hạn hán cần một cơn mưa tưới tắm kịp thời, trong đời ai cũng có lúc nghèo khó cần một bàn tay sẵn lòng giúp đỡ tận tâm. Những lúc ấy, chỉ cần có một người đứng ra hỗ trợ thì ta sẽ vô cùng ấm lòng, dù họ chỉ đóng góp một phần rất nhỏ nhoi. Ta học cách trân trọng và biết ơn dù chỉ nhận được một giọt nước.

Khi khó khăn, người thực sự giúp bạn, hỏi có được mấy ai?

Lòng người có lẽ chính là vực thẳm sâu nhất, cái gì cũng có đáy nhưng lòng người thì không, bởi vậy không ai có thể biết nó sâu thế nào và hiểm ác ra sao. Mình sống chân thành và yêu thương hết lòng nhưng đổi lại được những gì? Đôi khi bản thân ta tự hỏi tại sao đều là con người với nhau lại không đối đãi với nhau cho thật tử tế, cuộc đời ngắn ngủi sống được bao nhiêu năm mà lại phải giả tạo, nhưng có lẽ đó là một câu hỏi mà không bao giờ có câu trả lời.

Đời người đều phải trải qua rất nhiều câu chuyện, rất nhiều khó khăn mới học được cách nhìn thấy tấm lòng và bản chất của người bên cạnh. Một viên kim cương càng được mài giũa thì lại càng sáng bóng và đắt tiền. Cũng giống như vậy, càng trải qua nhiều va đập hay trắc trở, chúng ta mới có được cái nhìn sâu sắc hơn trước cách đối nhân xử thế. Mỗi ngày chúng ta đều quen biết thêm rất nhiều người, nhưng có mấy ai trong số đó là bạn bè thật sự thì ta phải dùng trái tim để nhận ra. Khi sóng gió qua đi, vàng bạc sẽ ở lại. Hãy để thời gian trôi đi và biết ai là bạn bè còn bên cạnh ta.

Thất bại đã dạy tôi bài học sâu cay: Khi giàu có, ta không dám cho ai vay tiền nhưng lúc nghèo khó, cũng chẳng biết tìm ai để xin giúp đỡ - Ảnh 2.

Bạn bè chỉ cần chất lượng, không cần số lượng, khoai tây chất đầy cỗ xe chẳng bằng một viên minh châu phát sáng.

Tôi có một quả táo, chia cho bạn một nửa, là tình bạn

Tôi cắn một miếng, phần còn lại cho bạn, là tình yêu

Tôi không cắn miếng nào, đưa hết cho bạn, là tình thân

Tôi giấu đi, nói rằng tôi cũng đói, là thực tế xã hội.

Khi ta nhìn thấu sự thật, ta sẽ biết xã hội luôn tàn khốc với những kẻ thất bại ra sao. Nhưng thất bại hôm nay không có nghĩa ngày mai ta vẫn gục ngã. Khi bản lĩnh chứng minh tất cả và tấm lòng chân thành không bị lãng quên, ta biết được đó là bài học sâu cay nhất mà Nghèo khó đã dạy cho mình.

Dương Mộc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên