"Thắt lưng buộc bụng" thời bão giá
Có “muôn hình vạn trạng” cách thức người tiêu dùng chủ động ứng phó với áp lực tăng giá cả trước mắt và dài hạn của hàng hóa, dịch vụ.
- 24-06-2022"Cơn bão" giá dầu và những hệ lụy đối với nền kinh tế toàn cầu
- 03-06-2022Doanh nghiệp vận tải trước bão giá xăng dầu: Hết ngưỡng chịu đựng
- 25-05-2022"Cần hành động gấp để lạm phát không tăng, tiếp tục "bão giá" người dân sẽ rất vất vả"
Áp lực giá tăng ngày càng cao
Xăng dầu tăng giá đã tác động tới hầu hết tất cả các nền kinh tế trên thế giới và Việt Nam cho dù rất nỗ lực kìm chế giá xăng nhưng nền kinh tế bắt đầu chịu áp lực khi giá nhiều mặt hàng, dịch vụ trên thị trường tăng theo giá xăng dầu .
Sức mua đã có xu hướng chững lại, thậm chí giảm ở một số mặt hàng. Điều này không chỉ diễn ra với người bán mà cả những người sản xuất, phân phối, vận chuyển đều đang phải chịu áp lực không nhỏ.
Xăng tăng kéo theo chi phí vận chuyển, giao nhận hàng tăng, buộc tiểu thương phải bán nhích lên. "Nhiều khi bán đắt khách hàng cũng rất kêu nhưng mình không tăng giá rất ảnh hưởng đến mình. Tôi chỉ nhích lên chút không tăng được nhiều", chị Hương - Tiểu thương chợ Thành Công, TP Hà Nội cho hay.
Theo ghi nhận, nhóm thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu hiện có mức tăng cao nhất.
Chị Nhi - TP Đà Nẵng cho hay: "Không chỉ giá xăng mà những cái nơi cung cấp thực phẩm cũng bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên giá rau dao động cũng cao từ 5.000 - 10.000 đồng".
Xăng dầu tăng giá đã tác động tới hầu hết tất cả các nền kinh tế trên thế giới và Việt Nam. Ảnh minh họa.
Anh Nam - một người giao hàng cho biết, trước đây mỗi ngày có hàng chục đơn online thì nay số lượng đã giảm xuống nhiều, mà càng giảm số lượng đơn trên cùng một cung đường tính ra tiền vận chuyển càng đắt. Công việc giao hàng giờ cũng khó đảm bảo cho anh đủ thu nhập cho gia đình.
"Làm công việc vất vả hơn phải kiếm thêm vài cuốc xe nữa thì mới bằng như trước kia", anh Nam chia sẻ.
Còn với doanh nghiệp, chưa kịp vui mừng khi hoạt động sản xuất đang hồi phục và đơn hàng tăng trở lại nay lại "đứng ngồi không yên", tăng giá cũng khó mà giữ giá càng khó hơn.
Ông Lê Minh Đức - Giám đốc Công ty Cổ phần JK Việt Nam cho biết: "Với JK đã nhận đơn hàng của khách hàng thì bằng mọi cách phải làm kể cả trong trường hợp lỗ vẫn phải làm nhưng sau đó có giải trình mong muốn khách hàng chấp nhận được thay đổi".
Áp lực tăng giá hiển hiện ở tất cả các khâu từ sản xuất, phân phối, tiêu dùng nên việc quan trọng nhất lúc này là nhà sản xuất và người bán đều cố gắng điều chỉnh ở mức tăng phù hợp nhất để giữ khách cho chính mình.
Thay đổi cách chi tiêu khi giá tăng
Sức mua giảm là điều dễ hiểu khi thu nhập của nhiều người tiêu dùng đã suy giảm do đại dịch COVID-19 nay giá cả tăng lại càng cần "thắt lưng buộc bụng". Tuy nhiên, để thích ứng thì sau nhiều phiên điều chỉnh giá xăng dầu, người dân cũng đã có sự chuẩn bị về tâm lý và thay đổi cách thức chi tiêu.
"Tôi có thói quen đi chợ lượn hết một vòng xem và có những thứ không cần thiết lắm nhưng vẫn mua, sau không để ý hỏng lại vứt đi. Đến giờ mới thấy cơ bản nhất là phải không lãng phí, dùng đến đâu mua đến đó", bà Trường (Hà Nội) chia sẻ.
Với đồng lương công nhân ít ỏi, nhiều người lao động cảm thấy chật vật khi hầu hết các mặt hàng đều tăng giá. Vì thế, nhiều cách thức tiết kiệm truyền thống vẫn có giá trị.
"Chúng tôi ở trọ rất chật vật nên giờ gạo rau cũng phải tăng xin ở quê gửi ra", chị Mai (Hà Nội) nói.
Trước áp lực tăng giá, người dân cũng đã có sự chuẩn bị về tâm lý và thay đổi cách thức chi tiêu. Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ.
Giảm chi nhưng vẫn phải đáp ứng đủ nhu cầu của gia đình, làm sao để đạt cả hai mục tiêu này rõ ràng không phải bài toán đơn giản. Nhưng điều này đang được các bà nội trợ xử lý bằng nhiều hình thức mới trong tiêu dùng.
Chị Phương (TP Hà Nội) cho hay: "Tôi rủ các bạn ở chung cư cùng nhóm mua chung để được giá gốc rẻ, lại tiết kiệm phí ship".
Cũng với mục tiêu ấy, việc tìm kiếm các cơ hội giảm giá khuyến mãi, hạ giá hay mua hàng theo gói cũng đang giúp người tiêu dùng vẫn được dùng hàng hóa, dịch vụ như bình thường với giá tốt hơn nhiều. Có "muôn hình vạn trạng" cách thức người tiêu dùng chủ động ứng phó với áp lực tăng giá cả trước mắt và dài hạn của hàng hóa, dịch vụ.
Giá xăng dầu tăng cao là khó khăn đối với người dân, doanh nghiệp nhưng cũng là sức ép lớn đối với điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đặc biệt là đối với chỉ số giá tiêu dùng.
Tuy nhiên, với những biện pháp đang triển khai như sử dụng linh hoạt, hợp lý những công cụ bình ổn giá suốt thời gian vừa qua thì lạm phát ở Việt Nam vẫn đang trong mức độ kiểm soát và thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới.
VTV.VN