Thất nghiệp hơn nửa năm, cô gái chỉ tiêu 5 triệu đồng/tháng
Cô gái đã rơi vào tình cảnh thất nghiệp từ trước Tết âm lịch năm nay.
- 09-09-2023Sau 50 tuổi, đàn ông có 3 bộ phận này càng "sạch" thì càng sống thọ, chứng tỏ thể lực tốt
- 07-09-2023Cải tạo nhà cũ, người đàn ông sửng sốt khi phát hiện bí mật được cất giữ sau vết nứt trần nhà
- 02-09-2023Bỏ cuộc sống ở thành phố, cô gái dùng tiền tiết kiệm 10 năm xây nhà gần 15 tỷ đồng báo hiếu bố mẹ
Thất nghiệp hơn nửa năm, áp lực khi đi chơi họ hàng dịp Tết
Khánh Linh (24 tuổi, quê Thanh Hoá) đã thất nghiệp được hơn nửa năm. Trước đó, cô nàng làm nhân viên phòng Lab cho một doanh nghiệp Dược phẩm. Cuối năm ngoái, Khánh Linh rơi vào tình cảnh thất nghiệp do ảnh hưởng của “bão sa thải". Từ đó đến nay, dù Khánh Linh đã rải CV nhiều nơi nhưng không thể tìm được công việc phù hợp.
Khánh Linh chia sẻ: “Mình nghĩ do kinh tế khó khăn và bão sa thải khiến tìm kiếm việc làm khó khăn đến vậy. Từ thời điểm bị công ty cắt giảm nhân sự vào cuối năm ngoái, mình đã đi phỏng vấn khá nhiều công ty và chỉ ký hợp đồng thử việc tại một doanh nghiệp dược phẩm vào tháng 11.
Mình đi làm khoảng 1 tháng thử việc tại công ty dược phẩm đó rồi cũng chủ động nộp đơn xin nghỉ. Bởi sau khi mình vào, có 2 nhân sự của công ty nghỉ việc tạm thời vì chế độ thai sản. Do đó, mọi công việc đều dồn hết vào mình.
Bấy giờ, mình không gặp khó khăn để làm quen công việc, nhưng khối lượng việc cần làm quá nhiều vì phòng thiếu người đã tạo căng thẳng. Việc mình phải làm đến 7-8h tối mỗi ngày là chuyện bình thường. Mình có đề xuất cấp trên tuyển thực tập sinh hoặc nhân viên mới nhưng không được duyệt. Đó cũng là lý do mình quyết định nghỉ việc".
Thời gian Khánh Linh nghỉ việc công ty gần nhất trùng vào giai đoạn Tết Âm lịch đã khiến cô gặp ít nhiều áp lực chi tiêu.
“Hai năm gần nhất, mình thường đưa bố mẹ 10-15 triệu đồng tiêu Tết. Tuy nhiên, do không có công việc nên mình chỉ có thể đưa 5 triệu đồng vào Tết âm năm nay. Khi đi chơi họ hàng vào ngày Tết, mình cũng khá ngại khi mọi người hỏi tình hình công việc, lương tháng 13. Chi tiêu trong Tết cũng phải cắt giảm đi vì mình không thể xin bố mẹ quá nhiều tiền", Khánh Linh kể lại.
Với mức lương trên dưới 10 triệu đồng/tháng sau hai năm đi làm, Khánh Linh không để dành được nhiều tiền tiết kiệm. Cô chỉ ý thức được khoản tiền dự phòng rất quan trọng sau khi rơi vào tình cảnh thất nghiệp kéo dài quá lâu.
“Trước đó, mình có thể kiếm được bao nhiêu thì sẽ tiêu hết. Nếu thời gian sau, tìm được công việc phù hợp, mình nhất định cố gắng tích lũy nhiều hơn. Đợt sa thải này, mình chỉ có 38 triệu đồng tiền tiết kiệm trong tài khoản. Một con số quá ít để có thể mình có thể sống tốt trong thời gian dài không có thu nhập".
Sau khi nghỉ việc ở công ty dược phẩm, Khánh Linh ở nhà đến tháng 5 năm nay. Một phần vì cô bạn muốn có thời gian nghỉ ngơi, phần khác để chờ đợi các cơ hội tìm việc làm ở quê nhà.
“Đợt đó mình được người quen cho thông tin, cũng như giới thiệu làm việc tại một số công ty ở quê. Mình tính nếu thành công tìm việc làm, mình sẽ làm ở quê khoảng 2 năm rồi quay lại Hà Nội. Tuy nhiên, thời gian lên thành phố của mình sớm hơn. Bởi công ty ở quê có chế độ đãi ngộ không cao, môi trường làm việc không phù hợp tính cách cá nhân", Khánh Linh chia sẻ.
Chỉ tiêu 5 triệu/tháng sau khi thất nghiệp
Những tháng ở quê, Linh chỉ tiêu 2 triệu đồng/tháng. Số tiền này khá ít bởi cô nàng không cần đưa tiền sinh hoạt phí cho bố mẹ hay mua bán thực phẩm. Sau khi lên Hà Nội, chi phí sinh hoạt đã tăng lên 4-5 triệu đồng/tháng.
“Mình đóng 2.5 triệu đồng tiền thuê nhà. Còn lại là cho nhu cầu ăn uống, đi lại và mua sắm đồ đạc. Trong thời gian thất nghiệp, mình cũng phải cắt giảm chi tiêu nhiều hơn, chẳng hạn giảm mua đồ mỹ phẩm, không còn mua đồ linh tinh như trước", Linh nói.
Linh cho biết thêm, hiện tại chi tiêu của cô nàng đã quay về với mức “tiêu tiền như thời sinh viên", do đó chất lượng sống đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, với Linh việc cắt giảm chi tiêu là cần thiết trong thời điểm khó xin việc làm.
Nói về bí quyết tiết kiệm tiền, Linh cho hay: “Cách tiết kiệm của mình giống nhiều người thất nghiệp khác. Mình cố gắng nhờ bố mẹ gửi thức ăn từ quê lên, chăm chỉ nấu ăn ở nhà và hạn chế tiệc tùng cùng bạn bè.
Mình luôn đóng 2.5 triệu đồng tiền thuê nhà đầu tiên, sau đó còn bao nhiêu sẽ mua sắm chỉ đủ trong số tiền đó. Cụ thể hơn, mỗi lần đi chợ, mình sẽ trữ đồ ăn cho cả tuần với mức 200 ngàn đồng/lần. Chi phí xăng xe tương đương. Khoản chi cho sản phẩm thiết yếu là 250 ngàn đồng. Sản phẩm chăm sóc da là 1 triệu đồng. Còn lại là tiền cho các cuộc hẹn, hoặc đi đám cưới. Nếu hôm nào, tuần nào dùng hơn thì sẽ cắt bớt. Như có lần mình từng nhờ bạn trả hộ tiền thuê nhà tháng này, tháng sau phải cắt bỏ hẳn khoản tiền mua mỹ phẩm để bù vào tiền nợ”.
Sau cùng, Linh cho rằng điều khó khăn nhất trong thời gian thất nghiệp không phải vì chi tiêu ít đi mà là áp lực đồng trang lứa, hay lời hỏi thăm từ bố mẹ.
“24 tuổi, nhiều người bạn của mình đã lên làm leader, kiếm được chục triệu đồng/tháng. Mình học từ trường dược ra, không đi làm từ những năm sinh viên nên chặng đường thăng tiến chậm hơn. Nhìn thấy bạn bè liên tục đạt thành tựu, trong khi mình đứng im là điều khó khăn. Ngoài ra, mình cũng muốn nhanh chóng tìm được việc làm để có thể gửi thêm tiền phụ bố mẹ vài ba triệu đồng cách 2-3 tháng như trước”, Linh tâm sự.
Đến thời điểm hiện tại, Khánh Linh vẫn đang ở trong tình trạng thất nghiệp. Tuy nhiên, tâm lý của cô bạn đã ổn hơn rất nhiều do đã làm quen được với mức sống bị sụt giảm.
Sau quãng thời gian dài thất nghiệp, Khánh Linh rút ra, dù có kiếm được nhiều tiền hay không, bạn cũng nên chuẩn bị sẵn một khoản tiết kiệm để dự phòng bất trắc. “Không chỉ khi thất nghiệp, tài khoản có số dư lớn cũng khiến bản thân an tâm hơn. Khi có khoản lớn, nếu có cơ hội đầu tư hay khởi nghiệp thì có thể nhanh chóng nắm bắt mà không bị vấn đề tài chính cản trở”, Linh cho hay.
Phụ nữ Việt Nam