MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thất nghiệp tăng vọt cuối năm

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tình hình lao động thất nghiệp trong 6 tháng cuối năm sẽ còn diễn biến phức tạp, bởi lúc đó các doanh nghiệp xuất khẩu mới thực sự bắt đầu ngấm hậu quả của dịch COVID. Dự báo, dễ bị mất việc làm nhất là những lao động có tay nghề thấp, dễ tuyển, dễ đào tạo.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, 6 tháng đầu năm nay, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 54,2 triệu người, giảm gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến tháng 6, Việt Nam có 30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19, trong đó, số người bị giảm thu nhập chiếm tới 57,3%. Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II giảm còn 5,2 triệu đồng (giảm 525.000 đồng so với quý I và giảm 279.000 đồng so với cùng kỳ năm 2019). Trong số lao động bị ảnh hưởng có 897.500 người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động. Sáu tháng đầu năm 2020, số người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 569.929, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó ban Chính sách, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết, 6 tháng vừa qua chưa phải là đỉnh điểm của mất việc do doanh nghiệp vẫn đang duy trì các đơn hàng đã ký từ trước. Tuy nhiên, đơn hàng của doanh nghiệp sẽ hết dần trong những tháng tới đây, trong khi thị trường vẫn chưa nối lại được. “Tháng 7, 8, 9 và các tháng cuối năm có thể sẽ là đỉnh điểm người lao động mất việc”, ông Quang nhận định.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân nói rằng, nhiều doanh nghiệp bắt đầu không còn đơn hàng dẫn tới có thể sa thải hàng loạt lao động, điển hình là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực da giày, dệt may… Theo ông, thời gian tới, nhóm lao động dễ bị mất việc làm nhất là những lao động có tay nghề thấp, dễ tuyển, dễ đào tạo. Để giải quyết tình trạng này, 6 tháng cuối năm, Bộ sẽ tập trung sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động, đồng thời xây dựng các kế hoạch đẩy mạnh đào tạo và đào tạo lại cho người lao động.

“Vừa rồi, Bộ đã đề xuất gói 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động đảm bảo mức sống tối thiểu. Nhưng thời gian tới, chúng ta chấp nhận sử dụng số tiền lớn từ Qũy bảo hiểm thất nghiệp. Nhiều năm vừa qua, kinh tế tăng trưởng tốt, Quỹ đã tích lũy lên đến 90.000 tỷ đồng. Đây là thời điểm chúng ta cần dùng đến. Nếu chủ động, giai đoạn sau sẽ có được một lực lượng lao động chất lượng hơn”, ông Quân nói.

Theo Dương Hưng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên