Thất thoát tiền tỷ phí đỗ xe: Tiền vào túi ai?
Chỉ sau 2 tháng thực hiện thu phí đỗ xe ô tô dưới lòng đường bằng công nghệ mới, số tiền thất thoát lên đến hàng tỷ đồng trong khi việc xử lý của các cơ quan chức năng như “bắt cóc bỏ dĩa”.
- 01-08-2018Ngày đầu tăng phí đỗ xe lòng đường TPHCM: Lộ nhiều bất cập
- 01-08-2018TPHCM: Tài xế bối rối trong ngày đầu tăng phí đỗ xe lòng đường
- 01-08-2018TPHCM: Chính thức tăng phí đỗ xe ôtô dưới lòng đường từ 4-8 lần
Thất thoát lớn
Trong báo cáo sơ kết 2 tháng thực hiện việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ ôtô trên địa bàn thành phố gửi Thường trực UBND TPHCM, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM thừa nhận có sự thất thoát lên đến hàng tỷ đồng.
Theo Sở GTVT, dù thực hiện thu phí đỗ xe dưới lòng đường theo công nghệ mới (My Parking) nhưng các địa phương vẫn phải cắt cử nhân viên túc trực tại các tuyến đường này. Theo đó 58 người có mặt thu phí trên 23 tuyến đường. Trong đó, 13 tuyến đường thu phí, tại Quận 1 phải cắt cử 40 người, Quận 5 cử 6 người cho 4 tuyến đường và Quận 10 cử 12 người cho 6 tuyến đường. Các nhân viên này có trách nhiệm hướng dẫn tài xế cho xe vào bãi đỗ, đăng ký và thanh toán tiền phí qua mạng internet… Thế nhưng, số tiền thất thoát từ việc thu phí không những không giảm mà còn tăng.
Báo cáo của Sở GTVT cho thấy, số tiền thu về trung bình mỗi tháng chỉ đạt khoảng 220 triệu đồng, thấp hơn 6 lần so với số liệu giám sát từ camera khoảng hơn 1,3 tỷ đồng. Trong đó, tháng 8/2018 số tiền thực tế thu về chỉ được hơn 316 triệu và giảm còn hơn 122 triệu trong tháng 9. Trong khi đó, theo số liệu thống kê từ hệ thống camera giám sát trên các tuyến đường này thì số tiền thu về đáng ra phải là hơn 1,8 tỷ đồng trong tháng 8 và tháng 9 hơn 1 tỷ đồng. Như vậy, số thất thoát vào tháng 8 là 85% và tháng 9 lên đến 91%.
Trước đó, khi đưa đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ôtô bằng công nghệ thông minh và mức giá mới này, Sở GTVT TPHCM dự tính trên địa bàn 3 quận (Quận 1, 5, 10) mỗi ngày sẽ thu được hơn 400 triệu đồng. Thế nhưng, thực tế 2 tháng qua, trung bình mỗi ngày số tiền thu về chỉ 7,2 triệu đồng (đạt 1,7%).
Nói về số tiền thu được quá thấp so với dự tính ban đầu, lãnh đạo Sở GTVT TPHCM cho rằng, mức phí đỗ xe tăng cao đột biến khiến người dân e ngại. Theo đó, trước đây, mức phí cho một lần đỗ xe chỉ mất 5000 đồng, người dân có thể đỗ xe cả ngày, trong khi hiện nay tính theo giờ lũy tiến dẫn đến người dân ngại. Bên cạnh đó, việc triển khai hướng dẫn đến các lực lượng ở quận chưa được nhuần nhuyễn, chưa bố trí đủ lực lượng và chủ yếu làm việc giờ hành chính. Ngoài ra, công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Hiện nay chỉ có Viettel và Vietnammobile triển khai.
Tiền vào túi ai?
Việc số tiền thu về chỉ đạt từ 8 - 15% so với con số thực tế mà camera giám sát ghi nhận được cho thấy số tiền thất thoát là quá lớn dù áp dụng công nghệ mới. Dư luận đặt câu hỏi số tiền thất thoát lên đến hàng tỷ đồng đã lọt vào túi ai?
Trong báo cáo gửi UBND TPHCM, lãnh đạo Sở GTVT thừa nhận nhân viên tại các quận thu sai mức phí, đăng ký không đủ thời gian, không nộp tiền vào hệ thống. Các nhân viên thuộc quản lý của địa phương không làm việc đủ thời gian, nhiều bãi đỗ không bố trí nhân viên thu phí thường xuyên.
Như vậy, chỉ trên những tuyến đường này mỗi tháng TPHCM thất thoát từ 800 triệu đến hơn 1,5 tỷ đồng. Số tiền này không ai khác mà chính các nhân viên trật tự đô thị tại đây đã chiếm giữ bằng cách thu phí của tài xế nhưng không nộp vào hệ thống, đăng ký không đủ thời gian… Các cơ quan báo chí đã nhiều lần phản ánh tình trạng nhân viên không hướng dẫn tài xế đăng ký My Parking mà thu tiền trực tiếp rồi chiếm giữ, một số địa điểm thì nhân viên làm việc qua loa.
Ngoài ra, Sở GTVT TPHCM cũng cho rằng, việc phối hợp thực hiện ngoài hiện trường thiếu đồng bộ, thiếu chặt chẽ gây thất thoát. Qua camera giám sát được gắn trên 23 tuyến đường này, có tình trạng phương tiện đỗ kín gần hết các bãi đỗ nhưng trên hệ thống My Parking lại không ghi nhận trường hợp nào đăng ký thanh toán phí. Tuy nhiên, lực lượng tại hiện trường không có giải pháp xử lý, không nhiệt tình trong việc hướng dẫn tài xế vào bãi đỗ, đăng ký nộp phí. Việc lập biên bản xử lý vi phạm hành chính của lực lượng chức năng cũng chưa tích cực.
Lãnh đạo Sở GTVT cho rằng, để giải quyết những tồn tại, hạn chế thất thoát, Sở GTVT kiến nghị UBND TPHCM giao Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên Xung phong chủ trì bố trí lực lượng tại hiện trường thực hiện công tác thu phí; phối hợp với Viettel để hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc khác. Đối với các hành vi vi phạm hành chính trên 23 tuyến đường, Sở GTVT đề nghị giao UBND các quận chủ trì cùng Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên Xung phong thực hiện kiểm tra, xử lý.
Tiền Phong