Thất thu hàng triệu USD với tour Trung Quốc “0 đồng”
Dù du khách Trung Quốc đến ngày càng tăng nhưng ngành du lịch Đà Nẵng hầu như không được hưởng lợi, bởi toàn bộ dịch vụ phục vụ số khách này đều do doanh nghiệp Trung Quốc “bao thầu”.
Các du khách này nghỉ ở đâu, ăn chỗ nào, tham quan điểm gì, mua sắm thế nào... đều phụ thuộc vào những trưởng đoàn người Trung Quốc (TQ) “cắm chốt” ở Đà Nẵng lo liệu và những dịch vụ du lịch đều do người TQ cung cấp.
Thất thu với tour khép kín
Chỉ tay vào những đoàn du khách TQ rời sân bay, ông Lê Tấn Thanh Tùng - phó tổng giám đốc Công ty CP Du lịch VN (Vitours) - cho biết phần lớn khách TQ đều mua tour giá rẻ do chính các doanh nghiệp TQ tổ chức.
Do đó, khách được đi tham quan rất ít mà chủ yếu bị đưa vào những điểm mua sắm, hàng lưu niệm, ăn uống... Đặc biệt, những điểm này đều do người TQ kiểm soát bán với giá cao ngất ngưởng và thanh toán bằng tiền mặt nên Nhà nước không thu thuế được.
Một hướng dẫn viên cho biết tiền tour do công ty bên TQ thu trước nên mọi chi phí đều do người TQ tại Đà Nẵng chi trả. Thuê ôtô, đặt chỗ nghỉ, ăn uống, vé tham quan... đều được thanh toán bằng tiền mặt và những cơ sở đó đứng sau là người TQ nên sẽ không phát sinh doanh thu ở đây, không thu được thuế.
Du khách TQ còn được đồng hương làm tour ở Đà Nẵng “vẽ” mua thêm tour, hàng lưu niệm, trầm hương, matxa - spa với giá trên trời... đều ở những cơ sở người TQ làm chủ.
Theo một số công ty du lịch, những người TQ tại VN thường tự tổ chức tour, làm hướng dẫn viên và bao trọn các dịch vụ du lịch.
Do đó, những người này nắm được nguồn khách, chủ động khi đàm phán khách sạn, nhà hàng hoặc tự đầu tư hệ thống phục vụ khách của mình để đem lại lợi nhuận cao nhất và trốn được thuế.
“Họ giao dịch khép kín với nhau bằng tiền mặt, không lấy hóa đơn nên không phát sinh thu chi trên sổ sách. Dòng tiền đó mình không kiểm soát được, Nhà nước thất thu thuế ở chỗ đó” - ông Tùng nói.
Ông Cao Trí Dũng - phó chủ tịch Hội Lữ hành VN, chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng - cũng cho rằng với những tour khách Trung Quốc “0 đồng” này, chính các doanh nghiệp TQ hưởng trọn do hoạt động khép kín từ TQ cho tới các điểm đến tại Đà Nẵng, từ tổ chức tour đến các dịch vụ du lịch, giao dịch với nhau bằng tiền mặt nên địa phương hầu như không thu được thuế.
“Không chỉ du khách TQ bị ảnh hưởng quyền lợi do không được tham quan những địa điểm đẹp, sử dụng các dịch vụ tốt, mà còn bị chính đồng hương “chặt chém” khi đi mua sắm, và Đà Nẵng cũng thất thu hàng triệu đôla mỗi năm, chưa kể hình ảnh Đà Nẵng trong mắt du khách cũng bị ảnh hưởng” - ông Dũng nói.
Khó kiểm tra doanh thu
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nhựt - đội trưởng đội kiểm tra thuế Chi cục Thuế quận Ngũ Hành Sơn, nơi tập trung nhiều cơ sở của người TQ và du khách TQ - cho biết qua đợt kiểm tra chống thất thu thuế ở khách sạn, nhà hàng tại khu vực này cho thấy việc chống thất thu thuế lĩnh vực phục vụ du lịch này chưa triệt để.
“Nếu kiểm tra liên tục, có sự phối hợp các cơ quan chức năng, khả năng thu thuế sẽ đạt 70-80% so mức thực tế” - ông Nhựt nói.
Tương tự, việc xác định doanh thu để tính thuế của các khách sạn, nhà hàng, cửa hàng bán trầm hương người TQ tổ chức ở khu vực ven biển cũng rất khó khăn.
Theo ông Kiều Thế Phong - phó cục trưởng Cục Thuế TP Đà Nẵng, việc chống thất thu thuế khối khách sạn, nhà hàng còn nhiều tồn tại như khai doanh thu, số thuế nộp còn thấp, có những trường hợp doanh thu tăng đột biến nhưng không phát sinh số thuế phải nộp, nộp tỉ lệ thấp.
Việc bán hàng, cung ứng dịch vụ không xuất hóa đơn vẫn còn phổ biến nên doanh thu kê khai chưa sát thực tế, tình trạng thất thu thuế vẫn còn cao.
“Chúng tôi khảo sát tại 62 nhà hàng và kiểm tra 24 khách sạn cho thấy doanh thu các nhà hàng cao gấp nhiều lần doanh thu kê khai thuế. Công suất buồng phòng doanh nghiệp kê khai trong năm rất thấp, không phù hợp với thực tế kinh doanh” - ông Phong cho biết.
Theo ông Cao Trí Dũng, hoạt động du lịch của người TQ sở dĩ có thể tổ chức khép kín tại Đà Nẵng là do có sự tiếp tay của doanh nghiệp VN, vì thế phải loại bỏ những đơn vị lữ hành làm ăn lôm côm.
“Giải pháp chống thất thu thuế là phải bắt buộc mua bán hàng hóa có hóa đơn, sau đó ra sân bay về nước sẽ được hoàn lại thuế và thành lập cảnh sát du lịch để có mặt mọi lúc mọi nơi kiểm soát hoạt động của dòng khách này” - ông Tùng kiến nghị.
Ông Ngô Quang Vinh, giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết đã yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành đón khách TQ và hướng dẫn viên “nói không” với các hoạt động “tiếp tay” cho du khách TQ làm những điều vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, cơ quan này sẽ cùng các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra tình trạng người nước ngoài lưu trú với visa du lịch, thương nhân nhưng hoạt động du lịch trái phép.
“Chúng tôi sẽ kiểm tra các đơn vị, cá nhân người TQ nghi vấn hoạt động lữ hành, hướng dẫn trái phép và xử lý nghiêm nếu phát hiện doanh nghiệp và hướng dẫn viên Việt tiếp tay người nước ngoài hoạt động lữ hành trái phép” - ông Vinh cho biết.
Theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, trong sáu tháng đầu năm nay Đà Nẵng đón hơn 211.000 du khách TQ, tăng 83% so với cùng kỳ 2015.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan này xử phạt hành chính sáu người TQ vi phạm các quy định về nhập cảnh, hành nghề và có hoạt động khác tại VN với mức 120 triệu đồng, tước giấy phép hành nghề lữ hành quốc tế 24 tháng và phạt Công ty TNHH MTV TM và DL Landscape 20 triệu đồng do các hành vi vi phạm liên quan đến khách TQ. Ngoài ra, bốn hướng dẫn viên VN vi phạm trong hành nghề cũng bị phạt số tiền 20 triệu đồng.
Tuổi trẻ