Thất thu thuế: Lộ cái bắt tay ma mãnh giữa cán bộ và doanh nghiệp
Trao đổi với Tiền Phong, ông Huỳnh Thế Du - giảng viên chính sách công, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, một trong những nguyên nhân gây ra việc thất thoát thuế ở Việt Nam hiện nay do cán bộ thuế và doanh nghiệp “bắt tay” nhau.
Ví dụ, doanh nghiệp phải nộp 100 đồng tiền thuế, nhưng cán bộ thuế thỏa thuận với đại diện doanh nghiệp chỉ nộp 40 đồng. Số thuế còn lại chia đều cho hai bên, lúc này nhà nước bị thất thoát tới 60 đồng tiền thuế.
Ðể giảm thiểu tình trạng trên, giải pháp hiệu quả nhất là công khai minh bạch. Các loại thuế cá nhân vì lí do bảo mật có thể không công khai. Riêng các loại thuế của doanh nghiệp phải được công khai lên hệ thống công nghệ thông tin, để mọi người có thể dễ dàng truy cập nhằm có sự giám sát của cộng đồng.
Bởi mỗi ngành nghề thường có nhiều doanh nghiệp cùng sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh nhau trên thị trường. Các doanh nghiệp sẽ giám sát chéo lẫn nhau. Cùng một ngành nghề sản xuất, kinh doanh nhưng khi phát hiện số thuế chênh lệch nhau, doanh nghiệp có thể gửi kiến nghị đến cơ quan chức năng.
Với các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá tại Việt Nam như báo lỗ vẫn mở rộng sản xuất, cơ quan thuế cũng cần giám sát chặt chẽ nhằm hạn chế tối đa tình trạng chuyển giá. Ðể chứng minh doanh nghiệp chuyển giá rất khó, nhưng không vì khó mà cơ quan thuế bỏ qua.
Ðặc biệt, quy định pháp luật về thuế phải ngày càng hoàn thiện để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, đầy đủ nhằm hỗ trợ việc kiểm tra thuế thuận lợi. Nếu pháp luật thuế thiếu rõ ràng, có thể xảy ra tình trạng cơ sở xác định sai phạm thuế không vững chắc, thậm chí gây ra tranh luận về mức độ đúng sai trong hành vi của doanh nghiệp, của đối tượng nộp thuế và cơ quan thuế. Quy trình kiểm tra thuế cũng cần minh bạch, bao quát các bước khi thanh, kiểm tra thuế để mọi hoạt động được giám sát từ cơ quan chức năng và chính doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cũng cần minh bạch chi tiêu ngân sách, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Cơ quan chức năng phải quyết liệt tinh giản bộ máy, giảm công chức ăn lương nhà nước nhưng làm việc kém hiệu quả. Ngoài việc tìm mọi cách giảm thiểu thất thoát trong thu thuế, chúng ta phải chi tiêu hiệu quả để người dân yên tâm.
Tập trung các mặt hàng nhạy cảm
Theo Tổng cục phó Tổng cục Thuế Ðặng Ngọc Minh, nửa cuối năm 2018, toàn ngành Thuế sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý chặt chẽ giá tính thuế, chống chuyển giá nhằm phấn đấu tăng thu ngân sách 5% so với dự toán Quốc hội giao.
Tổng cục Thuế cũng sẽ theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, kiến nghị với UBND chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách.
Ðối với công tác thanh tra, kiểm tra, ngành Thuế cũng sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm và các mặt hàng nhạy cảm, tập trung vào các lĩnh vực còn thất thu như: thanh tra hoạt động chuyển nhượng vốn, giao dịch liên kết, thương mại điện tử, khai thác khoáng sản...
Tăng thu bằng cách chống thất thoát
Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nói, số tiền nợ đọng thuế hiện nay còn rất lớn. Trước mắt cơ quan chức năng cần giải quyết tốt việc nợ đọng thuế, hơn là đánh các loại thuế mới khi chưa đủ điều kiện chín muồi.
Theo ông Long, thực trạng ngân sách mất cân đối, chi lớn hơn thu đòi hỏi phải tái cơ cấu ngân sách, bao gồm cả hai nhiệm vụ tăng thu và giảm chi. Với vai trò thừa hành, Bộ Tài chính phải cơ cấu lại nguồn thu.
“Giải pháp ngắn hạn là tăng thu bằng cách chống thất thu từ trốn thuế, chuyển giá... Về dài hạn, kinh nghiệm của thế giới là phải biết nuôi dưỡng nguồn thu. Nếu chỉ tận thu thì không bao giờ có nguồn thu bền vững. Tăng thu bằng cách tăng thuế không thể tạo được sự đồng thuận”, ông Long nói.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, vì cạn kiệt nguồn thu do thuế nhập khẩu giảm, lúng túng trong chống chuyển giá nên có tình trạng cơ quan chức năng làm theo cách “dễ làm, khó bỏ”. Việc tăng các loại thuế mới sẽ dễ hơn tìm cách ngăn chặn nạn chuyển giá, trốn thuế.
“Hiện nay, nợ đọng thuế lên đến 70.000 tỷ đồng, chưa tính trường hợp chuyển giá. Hãy tăng hiệu quả của ngành thuế, đặt mục tiêu chống thất thu hơn mục tiêu tăng thu; đừng để thu 10 đồng chi cho ngành 7 đồng, chưa kể bất cập sẽ tạo ra hiệu quả không cao”, ông Phong nói.
Tiền phong