MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thất tịch trong văn hóa Việt: Chuyện vợ chồng Ngâu và lý do người trẻ thường ăn đậu đỏ cầu nhân duyên trong ngày 7/7 Âm lịch

10-08-2024 - 10:09 AM | Sống

Nhiều người tin rằng, tháng 7 Âm lịch không chỉ là mùa Vu lan báo hiếu mà còn kiêng cả chuyện cưới hỏi do sự tích vợ chồng Ngâu.

Thất tịch, diễn ra vào ngày 7/7 Âm lịch, từ lâu đã trở thành dịp lễ thu hút sự quan tâm của đông đảo người Việt. Nhiều quan điểm cho rằng những phong tục liên quan đến Thất tịch ở Việt Nam chịu sự ảnh hưởng nặng nề từ văn hóa Trung Hoa. Tuy nhiên, nếu nhìn lại quá khứ, cả trong những thời kỳ sơ khai nhất, dân ta cũng đã có truyền thống riêng biệt để chào đón Thất tịch. Dẫu vậy, qua bao thế hệ, sức sống của lễ Thất tịch có phần mai một, và ngày nay nó cũng không giữ vị trí của một ngày lễ truyền thống nổi bật trong tâm thức của người Việt. Thế nhưng ý nghĩa tốt đẹp mà ngày Thất tịch truyền tải vẫn được nhiều người trẻ gửi gắm niềm tin.

Chuyện vợ chồng Ngâu trong văn hóa Việt: Tháng 7 Âm lịch mưa ngâu và chuyện kiêng cưới hỏi

Với người phương Đông, chẳng hạn như Trung Quốc, câu chuyện Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau một lần mỗi năm vào ngày 7/7 Âm lịch trên cầu Ô Thước đã quá nổi tiếng. Thế nhưng, đối với người dân Việt Nam, người ta lại quen thuộc với cái tên ông Ngâu, bà Ngâu nhiều hơn. Tại sao lại gọi là Ngâu, điều này cũng có ít nhiều liên hệ với thời tiết trong tháng 7 Âm lịch, thời gian diễn ra Thất tịch.

Chuyện vợ chồng Ngâu

Cách đây 88 năm, trên báo Khoa học, số 135 (ngày 11/9/1936), tựa đề bài viết "Tại sao tháng 7 mưa ngâu?" cũng đã nhắc đến sự tích về vợ chồng Ngâu.

Thất tịch trong văn hóa Việt: Chuyện vợ chồng Ngâu và lý do người trẻ thường ăn đậu đỏ cầu nhân duyên trong ngày 7/7 Âm lịch- Ảnh 1.

Nguồn: Thư viện Quốc gia.

Chuyện xưa kể rằng, anh chàng Ngâu, là con một nhà làm ruộng. Chàng làm lụng rất siêng năng, chăn trâu rất chăm chỉ cho bố mẹ. Thế nên, ông Giời động lòng thương mà gả một người con gái của mình trên thiên cung cho chàng Ngâu làm vợ.

Khi họ đã thành vợ thành chồng, ăn ở chung chạ với nhau, vợ chồng Ngâu đâm ra quyến luyến quá không muốn rời xa nhau dù chỉ một lúc. Đến mức chểnh mảng cả công việc làm ăn của mình, bất quá Giời nổi giận, bắt hai vợ chồng phải phân ra mỗi người ở một nơi, mà mỗi năm họ chỉ được gặp nhau có một lần, tức là vào kỳ tháng Bảy.

Bởi vậy mỗi năm, đến tháng Bảy vợ chồng chàng Ngâu không biết hối hận hay gặp nhau mừng quá hóa khóc, đó là do tình riêng của hai vợ chồng. Họ khóc lướt mướt, nước mắt nước mũi ràn rụa. Những hạt lệ gớm ghê của hai vợ chồng Ngâu kia thành ra những trận mưa thu rớt xuống dai dẳng mà tục ta gọi là mưa Ngâu.

Cũng vì sự "xúi quẩy" của vợ chồng Ngâu mà người ta không dám lấy vợ lấy chồng về tháng Bảy. Cũng vì nước mưa tháng Bảy là nước mắt của vợ chồng Ngâu mà các bà nội trợ ta xưa kiêng không làm tương vào cái tháng "vô duyên" này, vì tránh lấy phải nước mưa tháng 7 sẽ khiến tương thối.

Qua sự tích xưa, những câu thơ ai oán của Phạm Nam Kiều đăng trên Hà Thành ngọ báo, số 112 (14/9/1927) như "Duyên lành đưa lại vợ chồng Ngâu/Canh chày đêm vắng sao thưa nhạt/Người sẵn thương tâm cảnh cũng rầu!" hay trong bài thơ Vợ chồng Ngâu của Trần Tế Xương có câu rằng: "Tục truyền tháng bảy mưa Ngâu/Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền" càng khiến người ta buồn thay cho những cặp đôi yêu nhau lại bị chia lìa.

Những câu thơ ấy cũng chính là nỗi niềm khiến nhiều người tin rằng việc dựng vợ gả chồng trong tháng 7 Âm lịch này sẽ giống như vợ chồng Ngâu, gần nhau thì ít, chia xa thì nhiều.

Thất tịch trong văn hóa Việt: Chuyện vợ chồng Ngâu và lý do người trẻ thường ăn đậu đỏ cầu nhân duyên trong ngày 7/7 Âm lịch- Ảnh 2.

Tranh dân gian Hàng Trống: Vợ chồng Ngâu.

Lễ Thất tịch trong quá khứ

Vì không phải một ngày lễ lớn và quan trọng đối với người Việt nên cũng không có nhiều tài liệu ghi lại những nét đẹp của ngày Thất tịch. Tuy nhiên, khoảng năm 1860 trở về trước, Thất tịch còn gọi là Tết Tiểu Xảo hoặc lễ Thù Du.

Một trong những tài liệu nhìn nhận rõ nhất về Thất tịch ở nước ta xuất hiện trong sách thơ chữ Hán "Giá Viên thi tập" của Phạm Phú Thứ (thời nhà Nguyễn). Ngày này xuất hiện trong dân gian lẫn cung đình. Ở ngoài dân gian, Tết Tiểu Xảo này chính là những việc nữ công gia chánh của phái nữ. Đêm Thất tịch sẽ bày bánh trái trước trăng sáng, bởi người ta cho rằng chòm sao Chức Nữ vào ngày này vô cùng sáng, họ sẽ cầu cho con gái đủ công dung ngôn hạnh, nữ công gia chánh vẹn tròn và có một nhân duyên tốt đẹp.

Trong cung, vua sẽ làm lễ yến Thù Du (thù du chỉ cây thù du) ban bánh trái cho các quan viên và hậu cung. Mãi cho đến sau này, Trung Quốc tổ chức lớn đêm Thất tịch và coi đó là ngày lễ quan trọng nên nhiều người nhận thức rằng, Ngưu Lang Chức Nữ hay chuyện ông bà Ngâu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Với người xưa, câu chuyện hôn nhân là do "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy", cũng không được tự do đi cầu nên việc hẹn hò, lứa đôi hay cưới xin vào tháng 7 cũng không được coi trọng.

Ăn đậu đỏ trong ngày Thất tịch: Một hiểu lầm nhưng ý nghĩa đáng yêu

Nhiều năm trở lại đây, giới trẻ Việt Nam rộ lên phong trào ăn chè đậu đỏ vào lễ Thất tịch để "thoát ế" và mong muốn tình cảm được bền lâu, viên mãn.

Nhưng sự thật vào ngày lễ Thất tịch ăn đậu đỏ có giúp nhanh chóng có người yêu hay không?

Sự việc này bắt nguồn từ việc một công ty có tên "Hồng Đậu" dựa vào bài thơ Tương Tư của Vương Duy thời Đường tổ chức một sự kiện nhân ngày 7/7. Sự kiện có tên là "Thất Tịch - Hồng Đậu Tương Tư Tiết". Trong văn hóa Trung Quốc, loại hồng đậu này mang nghĩa đậu tương tư. Hồng đậu có màu đỏ tươi, vỏ ngoài cứng, hình dáng giống hình trái tim. Hồng đậu cất giữ trong thời gian dài mà không bị phai màu hoặc mối mọt.

Thất tịch trong văn hóa Việt: Chuyện vợ chồng Ngâu và lý do người trẻ thường ăn đậu đỏ cầu nhân duyên trong ngày 7/7 Âm lịch- Ảnh 3.
Thất tịch trong văn hóa Việt: Chuyện vợ chồng Ngâu và lý do người trẻ thường ăn đậu đỏ cầu nhân duyên trong ngày 7/7 Âm lịch- Ảnh 4.

Cho nên, hồng đậu được dùng tượng trưng cho tình yêu và sự chung thủy. Đồng thời, tặng nhau hồng đậu cũng là một cách giãi bày tình cảm và gửi gắm nỗi niềm của những người yêu nhau. Bởi vậy, các cặp đôi cũng thường tặng nhau vòng tay có hạt hồng đậu để làm quà hoặc tín vật tình yêu. Số hạt hồng đậu sẽ thay cho lời muốn nói, chẳng hạn một hạt mang nghĩa trong lòng chỉ yêu một người, hai hạt tượng trưng cho đôi lứa,...

Với ý nghĩa như vậy, người ta thường chọn hồng đậu làm biểu tượng cho ngày lễ Thất tịch. Nhưng rồi việc du nhập văn hóa không thể tránh khỏi việc "tam sao thất bản", có thể trong quá trình ấy hạt "đậu màu đỏ" thành "đậu đỏ" nên nhiều người đã hiểu sai ý nghĩa. Thêm vào đó, "hồng đậu" khi dịch ra nhiều người cũng hiểu thành hạt đậu đỏ thường thấy.

Thất tịch trong văn hóa Việt: Chuyện vợ chồng Ngâu và lý do người trẻ thường ăn đậu đỏ cầu nhân duyên trong ngày 7/7 Âm lịch- Ảnh 5.

Cũng chính vì hạt đậu đỏ có màu đỏ, mang hỷ khí nên nhiều người cho rằng, ăn hạt đậu màu đỏ sẽ mang lại may mắn. Ở nước ta, ngày lễ Thất tịch mọi người thường ưu ái chọn ăn chè đậu đỏ hơn là tặng nhau vòng tay hồng đậu. Nhưng điều này không có nghĩa là cứ ăn đậu đỏ thì sẽ có người yêu. Khi hiểu sâu xa về nguồn gốc phong tục này, hẳn là nhiều người cho đây giống một cú lừa để nhiều tiệm chè đắt hàng hơn.

Có lẽ đậu đỏ tượng trưng cho may mắn, nên nhiều bạn trẻ ăn đậu đỏ để mong con đường tình duyên của mình sẽ thuận buồm xuôi gió hơn. Người đang độc thân sẽ nhanh chóng có người thương, còn các cặp đôi tình cảm sẽ mặn nồng, thắm thiết hơn.

Nên làm gì, kiêng gì trong ngày Thất tịch?

Vào ngày này trời thường mưa, người ta gọi là mưa Ngâu, giống như nước mắt hạnh phúc của vợ chồng Ngâu trong ngày gặp gỡ. Nhưng cũng có ngày Thất tịch không mưa, nhiều cặp đôi sẽ cùng ngắm sao. Vào ngày ấy, sao Chức Nữ rất sáng. Người ta cho rằng, cùng người thương ngắm sao sáng trong ngày Thất tịch thì sẽ ở bên nhau lâu dài.

Thất tịch trong văn hóa Việt: Chuyện vợ chồng Ngâu và lý do người trẻ thường ăn đậu đỏ cầu nhân duyên trong ngày 7/7 Âm lịch- Ảnh 6.

Trong ngày Thất tịch, nhiều người Việt cũng đi chùa cầu duyên, không cứ ngày 14/2 Valentine. Họ mong cầu những điều tốt đẹp, may mắn về tình yêu đôi lứa. Tuy nhiên, tháng 7 cũng gọi là tháng cô hồn - tháng Vu lan báo hiếu, nên người ta thường đi chùa để cầu bình an cho gia đình và những linh hồn không nơi nương tựa được siêu thoát nhiều hơn.

Ngoài ra, nhiều người trẻ cũng truyền tai nhau rằng ăn chè đậu đỏ sẽ mang lại may mắn trong tình yêu. Thực tế, người độc thân ăn chè đậu đỏ trong ngày này sẽ "thoát ế" hay không thì chưa biết nhưng tốt cho sức khỏe là điều rõ ràng.

Thất tịch trong văn hóa Việt: Chuyện vợ chồng Ngâu và lý do người trẻ thường ăn đậu đỏ cầu nhân duyên trong ngày 7/7 Âm lịch- Ảnh 7.

Một số kiêng cữ ngày Thất tịch

Kiêng kỵ cưới hỏi

Trong cuốn Lễ tục trong gia đình người Việt xưa và nay của Bùi Xuân Mỹ, nguyên nhân chính khiến người ta kiêng cưới hỏi trong tháng Ngâu chủ yếu từ sự tích vợ chồng Ngâu. Người ta sợ chuyện tình Ngâu sẽ vận vào đôi vợ chồng trẻ, khiến cuộc sống hôn nhân của họ gặp phải sự chia lìa. nguồn gốc của tục kiêng kỵ tổ chức hôn lễ trong tháng Ngâu nằm sâu trong sự tích vợ chồng Ngâu.

Theo đó, người ta e ngại rằng nỗi bi thương và sự chia cắt của cặp đôi này sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc của những đôi uyên ương mới, đem lại điềm gở cho cuộc sống hôn nhân sau này. Hơn nữa, bầu trời u ám, thời tiết không ổn định trong tháng 7 Âm lịch cũng làm cho việc tổ chức hỷ sự kém thuận lợi hơn.

Thất tịch trong văn hóa Việt: Chuyện vợ chồng Ngâu và lý do người trẻ thường ăn đậu đỏ cầu nhân duyên trong ngày 7/7 Âm lịch- Ảnh 8.

Kiêng khởi công xây dựng nhà cửa

Đối với việc kiêng khởi công xây dựng, người xưa cũng có những quan niệm rất riêng. Tháng 7 Âm lịch, dưới cái nhìn sâu sắc của họ, không chỉ là tháng mưa ngâu mà còn là khoảng thời gian thiêng liêng khi vợ chồng Ngâu được hội ngộ, dù chỉ trong một ngày. Sự kiêng kỵ này xuất phát từ lo lắng rằng, nếu khởi công xây dựng nhà cửa vào Thất tịch, tình trạng ly tán có thể đeo bám lấy gia chủ. Thêm vào đó, thời tiết mưa gió cũng gây khó khăn cho việc đào móng và xây dựng, ảnh hưởng đến chất lượng công trình cũng như tiến độ hoàn thành.

Theo Diệp Anh

Thanh niên Việt

Trở lên trên