MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thay đổi cách cung cấp dịch vụ công trực tuyến

06-08-2023 - 11:20 AM | Kinh tế số

Để thay đổi cách cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã đưa ra Bộ tiêu chí xếp hạng chất lượng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của các Bộ, ngành, tỉnh. Thông qua đó, các Bộ, ngành, địa phương có cơ sở nâng cao chất lượng, thay đổi cách cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Kinh nghiệm từ địa phương

Theo ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, tỷ lệ DVCTT trung bình của Hải Phòng đã tăng từ 18% năm 2021 lên 62,2% năm 2022. Trong những tháng đầu năm 2023 tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt trên 94%. Thành công này do Hải Phòng đã giao chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công toàn trình tới 35 sở, ban, ngành, quận huyện và 217 xã, phường trên toàn thành phố.

Việc giao chỉ tiêu này căn cứ trên cơ sở tính toán thực trạng số lượng hồ sơ trực tuyến tại các Sở, ngành, địa phương, từ đó giao tỷ lệ phù hợp làm động lực để các đơn vị, địa phương thực hiện hoàn thành chỉ tiêu giao. Một kinh nghiệm hay khác của Hải Phòng là thường xuyên tổ chức các đoàn công tác liên ngành xuống tận cơ sở hỗ trợ cán bộ cơ sở, “cầm tay chỉ việc”, kịp thời chỉ ra những hạn chế và hướng dẫn cán bộ, công chức trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Sau khi đã hỗ trợ, hướng dẫn, các đoàn công tác sẽ kiểm tra công tác cải cách hành chính tại các đơn vị này.

Thay đổi cách cung cấp dịch vụ công trực tuyến - Ảnh 1.

Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Nam Định.

Để đo lường hoạt động của các sở, ngành, quận, huyện trong việc cung cấp DVCTT, Hải Phòng đã xây dựng bảng theo dõi tỷ lệ này theo từng tháng để kịp thời biểu dương các đơn vị đạt thành tích tốt và nhắc nhở những đơn vị còn yếu kém.

Trong khi đó, theo ông Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở TTTT Nam Định, tỉ lệ người dân sử dụng DVCTT tăng mạnh nên số người dân đến các Trung tâm dịch vụ hành chính công đã giảm. Nếu như trước đây một ngày các Trung tâm này phục vụ 400-500 người dân, nay giảm chỉ còn khoảng 200 người/ngày. Dự kiến trong thời gian tới các Trung tâm hành chính công sẽ tiếp tục được thu gọn. Kết quả này đạt được là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh.

Ông Vũ Trọng Quế chia sẻ thêm, về phía Sở TTTT Nam Định sẵn sàng phục vụ 24/7, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật liên quan đến DVCTT. Làm được như vậy cũng phải kể đến vai trò rất lớn của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ trên địa bàn tỉnh.

Trong khi đó, Tây Ninh đã lựa chọn mạng xã hội Zalo để đưa DVCTT đến với nhiều người dân hơn. App Tây Ninh Smart là ứng dụng duy nhất dùng chung cho toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, khoảng 140 nghìn người đăng ký tài khoản trên Android và iOS, hơn 30.000 người sử dụng thường xuyên hàng tháng. Thay vì phải tự xây dựng app, tự vận hành, quản trị kỹ thuật, Tây Ninh chọn phát triển Phiên bản ứng dụng Tây Ninh Smart chạy trực tiếp trên nền tảng mini app của Zalo.

Với mini app Tây Ninh Smart, người dùng không cần phải tải về cài đặt, đăng ký tài khoản ứng dụng như thông thường. Thay vào đó, người dùng chỉ cần quét mã QR hoặc tìm kiếm tên ứng dụng trên Zalo là có thể sử dụng các tiện ích được cung cấp.

Bên cạnh đó, các tỉnh Bình Phước Quảng Ninh, Yên Bái… tổ chức các Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) đi từng nhà, hướng dẫn từng người sử dụng DVCTT. Tổ CNSCĐ đang phát huy vai trò khi phổ biến cho người dân cách dùng DVCTT.

Nâng cao chất lượng

Ông Đỗ Lập Hiển, Giám đốc Trung tâm Công nghệ số quốc gia (Cục Chuyển đổi số Quốc gia - Bộ TTTT) cho biết, Bộ đã xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá, phương pháp đánh giá, kết quả đánh giá chất lượng DVCTT của các Bộ, ngành, tỉnh. Bộ tiêu chí đánh giá được xây dựng trên cơ sở tham chiếu, cập nhật, đồng bộ với hành lang pháp lý mới nhất gồm 3 trụ cột: Đánh giá chức năng: Phản ánh mức độ đầy đủ các chức năng của Cổng dịch vụ công theo quy định pháp luật để phục vụ người sử dụng; Đánh giá hiệu năng: Phản ánh thời gian đáp ứng khi người sử dụng truy cập vào giao diện trang chủ của Cổng dịch vụ công và giao diện điền thông tin hồ sơ (eForm) của một thủ tục hành chính; Đánh giá khả năng truy cập thuận tiện.

Kết quả khảo sát, đo lường chất lượng cung cấp DVCTT lần thứ nhất vừa mới công bố đầu tháng 8 cho thấy, trong khối bộ, ngành: Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xếp hạng 1/20 đơn vị, thấp nhất là Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Trong khối các tỉnh thành, đứng đầu là Cần Thơ, Bình Dương; đứng cuối bảng là Bạc Liêu.

Thay đổi cách cung cấp dịch vụ công trực tuyến - Ảnh 2.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại quầy thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương. Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN

Sau khi xếp hạng theo khảo sát, Bộ TTTT cũng đã có hướng dẫn cụ thể những nội dung cần thực hiện với mốc thời gian cụ thể như: Trong tháng 8, các bộ ngành, địa phương thực hiện rà soát, cập nhật, bổ sung hoặc ban hành kế hoạch hành động năm 2023 để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó giao rõ nhiệm vụ, đầu mối chủ trì, nguồn lực và thời hạn hoàn thành cụ thể; Ban hành văn bản giao chỉ tiêu tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tới người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị thuộc bộ, tỉnh năm 2023; Xem xét, có chính sách giảm phí, lệ phí để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Ban hành chính sách giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với Hệ thống thông tin của Kho bạc Nhà nước, Thuế để thực hiện thanh toán trực tuyến dịch vụ công theo quy định.

Trong tháng 9, các bộ ngành, địa phương rà soát lại các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, ưu tiên 25 dịch vụ công thiết yếu, có nhiều người sử dụng để thực hiện đơn giản hóa, tái cấu trúc lại quy trình thực hiện, lược bỏ các bước trung gian không cần thiết, lược bỏ các thành phần hồ sơ đã có trong cơ sở dữ liệu để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân khi tiếp cận, thực hiện.

Đến tháng 12/2023, các bộ ngành, địa phương triển khai Kho dữ liệu điện tử của cá nhân, tổ chức trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để lưu giữ dữ liệu giải quyết dịch vụ công, phục vụ chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu trong thực hiện dịch vụ công.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đã đến lúc thay đổi căn bản cách cung cấp DVCTT, thay đổi căn bản nhận thức, cách tiếp cận và cách làm. Hai vấn đề căn bản nhất là trực tuyến toàn trình và chất lượng dịch vụ trực tuyến. Trực tuyến toàn trình là người dân tự làm từ nhà, không đến cơ quan nhà nước. Chất lượng DVCTT là sự đơn giản, thuận tiện và nhanh. Hai vấn đề này này phải dẫn đến kết quả cuối cùng là đại đa số người dân sử dụng DVCTT.

“Với bối cảnh trên, chúng ta phải quyết tâm thay đổi căn bản việc cung cấp DVCTT. Kết thúc giai đoạn chính phủ điện tử vào năm 2025, và bắt đầu giai đoạn chính phủ số. Giai đoạn 2023-2025 là lai ghép chính phủ điện tử và chính phủ số. Thay đổi căn bản DVCTT Việt Nam là nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương”, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

“Các doanh nghiệp công nghệ số hãy cung cấp giải pháp DVCTT dưới dạng nền tảng số dùng chung, triển khai nhanh, nâng cấp nhanh, giá rẻ và chất lượng cao. Với tinh thần Make In Vietnam, Bộ TTTT là đầu mối nhà nước để giúp các doanh nghiệp công nghệ số nước nhà phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Theo XM

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên