MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thay đổi cách quản lý UPCoM

Trước đây, UPCoM đơn thuần là nơi để doanh nghiệp (DN) không muốn niêm yết hoặc không đủ chuẩn niêm yết, bị “hạ cấp” từ 2 sàn HOSE, HNX nhằm thực hiện nghĩa vụ với cổ đông, NĐT để đảm bảo tính thanh khoản. Tuy nhiên, thời gian gần đây UPCoM liên tục bùng nổ về thanh khoản, số lượng CP đưa lên giao dịch vượt ngưỡng 300 mã chỉ trong thời gian ngắn. Điều này chỉ ra rằng, UPCoM là nơi có thể tạo ra lợi nhuận rất lớn, nhưng lợi nhuận sẽ đi kèm với rủi ro và tiềm ẩn những nguy cơ trục lợi.

3 vấn đề cần làm rõ

Vụ việc CTCP Mỏ và XNK Khoáng sản Miền Trung (MTM) đưa CP lên giao dịch, khớp lệnh hàng triệu CP, nhưng sau 2 tháng lại ngưng hoạt động, cho thấy trách nhiệm cũng như thách thức của HNX, đơn vị quản lý UPCoM rất lớn. Rõ ràng công tác quản lý, giám sát có vấn đề. Trong trường hợp của MTM, cần làm rõ 3 vấn đề.

Chính thức vận hành vào ngày 24-6-2009, tính đến nay UPCoM đã có 7 năm hoạt động, nhưng sự bùng nổ của sàn này chỉ mới được khoảng 2 năm gần đây. Diễn biến theo kiểu “no dồn, đói góp” của UPCoM đã dẫn đến những thách thức về mặt quản lý.

Thứ nhất, những quy định về chất lượng hàng hóa tại UPCoM như thế nào? Nếu việc đưa CP giao dịch tại UPCoM đơn thuần chỉ để phục vụ mục tiêu giao dịch, còn các yếu tố khác như sự trung thực, minh bạch trong công bố thông tin không cao, có thể nói đến thời điểm này đã tạo thành một kẽ hở rõ ràng. Rất khó để đòi hỏi tính tự giác, trung thực khi nhiều “cạm bẫy” cũng như “cơ hội” đang xuất hiện nhiều hơn trên UPCoM. Đặt trong bối cảnh UPCoM èo uột, chuyện giao dịch CP đơn thuần chỉ diễn ra giữa các cổ đông, hoặc trong phạm vi hẹp các NĐT, vai trò giám sát quản lý sẽ khác hẳn so với UPCoM như bây giờ là một sàn thu hút rất nhiều NĐT. Bởi lẽ, để dòng tiền được luân chuyển một cách thông suốt, rủi ro cần phải được giảm thiểu, những rủi ro kiểu như MTM sẽ khiến dòng tiền bị rúng động và e ngại có thể ảnh hưởng đến toàn bộ sàn này.

Thứ hai, HNX nói riêng hay các cơ quan quản lý nói chung có đủ nguồn lực để giám sát, thẩm định chất lượng hàng hóa hay không? Nếu các quy chuẩn về hàng hóa tại UPCoM đã có, lúc này cần tăng cường giám sát, như vậy đòi hỏi phải có sự đầu tư về nhân lực, nghiệp vụ rất lớn. Về mặt này dường như cơ quan quản lý đã có sự coi thường nhất định trong thời gian qua và vụ MTM có thể là lời cảnh báo nghiêm túc.

Thứ ba, thách thức ở đây là nếu quá “siết” UPCoM, việc khuyến khích DN đưa CP lên sàn này có thể chịu nhiều áp lực, nhưng để lỏng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trường hợp nếu không có nhiều quy định siết chất lượng CP giống như niêm yết, cơ quan quản lý cần công khai cũng như cảnh báo trên toàn thị trường. Chẳng hạn, NĐT có thể nắm tương đối chính xác các quy định về vốn, hiệu quả kinh doanh của DN niêm yết tại HOSE, HNX, nhưng với UPCoM thì chưa. Tuy nhiên, vấn đề này cũng có cách nhìn nhận của NĐT quá sa đà theo các yếu tố đầu cơ, làm giá tại UPCoM. Bởi NĐT cần biết với những tiêu chuẩn thế nào, hàng hóatrên UPCoM sẽ ra sao, cơ hội và rủi ro gì sẽ gặp phải khi đầu tư.

Nâng chuẩn để đáp ứng

Thời gian qua chúng ta đã chứng kiến không ít cổ phiếu tăng nóng, khớp lệnh khủng tại UPCoM và đương nhiên có nghi ngờ về việc đầu cơ làm giá. Trong một chừng mực nào đó, đây là điều không thể thiếu trên TTCK, nhưng điều này cũng đòi hỏi cơ chế quản lý khác nhằm đảm bảo lợi ích cho NĐT. Mục tiêu của UPCoM là khuyến khích các DN đưa CP lên giao dịch, nhưng muốn có giao dịch, ngoài hàng hóa (từ phía DN) có cả người mua, với quyền lợi cũng phải được đảm bảo.

Giữa việc có nên nâng chuẩn giao dịch trên UPCoM hay không, vì như phân tích ở trên nếu nâng lên có khả năng tác động đến việc thúc đẩy DN giao dịch, còn không nâng tạo ra những rủi ro cho NĐT. Do vậy cơ quan quản lý nên tiến hành nâng cao chất lượng giao dịch và cần phải làm ngay lập tức. Bởi lẽ, nếu lại xuất hiện thêm một vụ tương tự như MTM niềm tin của NĐT đối với UPCoM sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lúc này, số lượng DN lên UPCoM có nhiều cách mấy chăng nữa mà không có dòng tiền (vốn phụ thuộc rất lớn vào niềm tin, sự kỳ vọng) UPCoM sẽ lại rơi vào cảnh chợ chiều. Đó là chưa kể, một vụ MTM xảy ra có thể là khởi điểm cho những “ý tưởng” lập công ty ma rồi đưa lên sàn UPCoM, nên cần phải ngăn chặn ngay lập tức. Sự tự giác cần phải có thêm cả yếu tố giám sát.

Cũng phải nói rõ là chúng ta không nên quá e ngại về việc nâng chuẩn sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút DN lên UPCoM. Hiện nay, đã có rất nhiều quy định buộc DN phải đưa CP lên giao dịch tại UPCoM, nên dù muốn hay không DN cũng phải thực thi. Mặt khác, có nhiều DN lên UPCoM thành công đã tạo ra một tiền lệ tích cực và những DN khác cũng buộc phải làm theo, có thể dưới sức ép của các cổ đông. Thời gian qua, HNX đã tiến hành chia bảng UPCoM Premium và cảnh báo những CP tại sàn này là một giải pháp tốt. Nhưng theo tôi, cần thực hiện một cách chi tiết hơn, sâu hơn nữa trong việc phân loại hàng hoá, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để NĐT hiểu rõ.

Rủi ro là không tránh khỏi trong đầu tư kinh doanh, nhưng rủi ro cần phải được minh định rõ ràng. Lúc đó NĐT sẽ biết mình phải làm gì, chấp nhận hay không chấp nhận.

Theo LS. TRẦN MINH HẢI, Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico

Sài Gòn Đầu tư

Trở lên trên