Thay đổi cách tính, dân lại lo "chết tiền điện"
Mùa hè đến, người dân đang lo tiền điện chi trả tăng vọt, nhất là lại có thông tin thay đổi cách tính giá điện...
- 11-04-2016EVN: Hóa đơn tiền điện tháng 4 sẽ tăng mạnh!
- 26-02-2016Hóa đơn tiền điện tháng 2 lại tăng bất thường: Ngành điện nói gì?
- 21-02-2016Choáng váng vì tiền điện tăng sốc
- 30-01-2016Điêu đứng vì hóa đơn tiền điện từ 300 ngàn thành 9 triệu
-
Giá dự kiến theo phương án một giá điện trong dự thảo cao gần bậc 5, chứ không phải trung bình bậc 3. Điều này khiến những người tiêu dùng ít điện chịu thiệt.
Ngoài điều chỉnh theo sự thay đổi của giá nhiên liệu, tỉ giá hối đoái, cơ cấu sản lượng điện phát; giảm dần tiến tới bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các miền; biểu giá bán điện tới đây sẽ được nghiên cứu thực hiện theo mùa và vùng.
Đây là nội dung đặc biệt đáng chú ý được nêu tại Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia vừa được Chính phủ phê duyệt.
Tính giá điện sát thực tế…
Ông Trần Viết Ngãi-Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nói: “Việc tính toán giá điện theo mùa: Mùa hè khác, mùa đông khác, mùa mưa khác đã được đề cập từ lâu nhưng giờ mới được đưa vào quy hoạch để nghiên cứu thực hiện. Giá điện tính khác nhau như thế nào phụ thuộc lớn vào lượng điện năng tiêu hao, đặc biệt là mật độ sử dụng điện. Ví dụ miền Nam sử dụng nhiều điện thì giá phải khác với miền Bắc dùng ít hơn. Mùa hè người dân sử dụng điện nhiều hơn mùa đông cũng phải tính giá điện khác…”.
Phó chủ tịch Hội điện lực Việt Nam, GS. Viện sĩ Trần Đình Long cũng nêu thực tế: Giá thành điện chịu ảnh hưởng lớn ở nguồn điện phát. Nguồn điện phát lại phụ thuộc nhiều vào mùa vụ. Vào mùa mưa, nhiều nước thủy điện chiếm phần lớn trong cơ cấu điện phát, giá điện có thể thấp. Mùa kiệt (mùa khô) ngành điện phải chạy điện than, khí, dầu nhiều giá thành điện sẽ cao hơn. Do vậy tính giá bán điện theo mùa vụ là tính sát với thực tế.
Tuy nhiên, có một nguyên nhân nữa để giá bán điện được tính theo mùa vụ, theo các chuyên gia trong ngành điện, đó là cơ cấu điện phát của chúng ta đang ngày một có sự thay đổi đáng lo ngại. Nguồn thủy điện giá rẻ đang chiếm ngày càng ít trong cơ cấu nguồn, thay vào đó, điện chạy than, dầu và khí tăng lên. Ngay điện mua của Trung Quốc cũng có giá khác xa và tăng dần lên theo thời gian.
Ông Trần Viết Ngãi cho biết, thực chất ngành điện chỉ đang lãi khá ở thủy điện còn điện than và khí lãi rất ít; điện dầu đang lỗ hoàn toàn. Chưa kể, các nguồn tài nguyên cho điện sẽ cạn kiệt dần, phải nhập khẩu, giá thành sẽ bị đội lên. “Điện than ta đã khai thác gần như tối đa, nhà máy lại chủ yếu sử dụng công nghệ Trung Quốc; điện khí khó khăn về nguyên liệu; điện dầu lỗ. Tất cả đang là những thực tế không hay cho ngành điện”-một chuyên gia khác trong ngành điện phân tích.
Báo cáo của EVN cũng cho biết, tập đoàn này đã phải liên tục điều chỉnh cơ cấu sản lượng các loại nguồn điện, trong đó điện giá rẻ chiếm tỷ lệ ít dần đi. Cụ thể nhất, mùa khô năm 2016, thủy điện được EVN dự kiến chỉ còn chiếm tỷ lệ 29,14% cơ cấu nguồn toàn hệ thống (trước khoảng trên dưới 40%). Nhiệt điện than chiếm 40,84% cơ cấu nguồn toàn hệ thống. Nhiệt điện khí chiếm 27,71% cơ cấu nguồn toàn hệ thống; còn lại là mua điện từ Trung Quốc và từ các nguồn khác. Từ cuối năm ngoái, EVN đã phải tính và thực hiện phương án chạy dầu khi sản lượng điện tiêu thụ tăng cao.
Các chuyên gia cho rằng, nếu không tính đến phương án giá bán điện theo mùa vụ, vùng miền, EVN với bộ máy hoạt động được cho còn cồng kềnh và chưa hiệu quả sẽ chỉ có “lỗ” và “thiệt”, trong khi không thể cứ tăng giá điện một năm mấy lần với lý do bù đắp các chi phí.
“Đừng trăm dâu đổ đầu dân”
Cho đến nay, chưa có phương án biểu giá bán điện mới nào được công bố áp dụng. Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN trước đó khẳng định: 6 tháng đầu năm 2016, EVN sẽ không kiến nghị tăng giá điện nhưng ông cũng lưu ý, tăng trưởng tiêu thụ điện đang ở mức 12 - 13%/năm nên áp lực đầu tư cho ngành điện rất lớn và sẽ tạo sức ép tăng giá điện cũng rất lớn.
Nguyên tắc là biểu giá điện sẽ được kiểm toán hàng năm, nếu lỗ do EVN mua điện giá cao, chi phí sản xuất điện tăng cao mà tài chính không cân đối được thì EVN mới báo cáo điều chỉnh giá điện. 4 yếu tố tác động đến giá điện gồm cơ cấu nguồn điện huy động, giá nhiên liệu, chi phí mua điện, tỉ giá. Nếu tất cả bốn yếu tố này tăng trên 7% thì mới xem xét tăng giá điện và thời gian xem xét là 6 tháng.
Dù vậy, với động thái giá điện có thể tính theo mùa vụ, người dân bắt đầu lo ngại, cứ mùa hè họ phải sử dụng rất nhiều điện. Giá điện mùa hè áp cao hơn giá điện mùa đông thì các hóa đơn điện sẽ còn tăng khủng tới mức nào?! Với lý do điều tiết giá điện hợp lý theo nguồn phát, yếu tố tiêu thụ, “nhà đèn” sẽ dùng giá điện cao để không chế bớt nhu cầu tiêu dùng của dân một cách hợp lý nhất cho mình.
GS Trần Đình Long đồng tình, lo ngại của người dân là có cơ sở. Ông cho rằng, phải cân nhắc để có giá điện, nếu có tính theo mùa vụ cũng hợp lý, cân bằng lợi ích giữa EVN và người dân chứ không thể “trăm dâu đổ đầu dân”. EVN cần có lãi chấp nhận được và người dân cũng có “đủ sức” chi trả tiền điện. “Tôi biết cân bằng lợi ích giá điện cho các bên là rất khó. Nó phụ thuộc vào chính sách quản lý vĩ mô của Chính phủ và các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ. Giá điện phát chiếm tới 60-70% giá thành điện người tiêu dùng phải chi trả, điện phát lại phụ thuộc thời vụ, thời điểm tiêu dùng trong năm, do đó, tính giá để dân “chịu được” là việc hoàn toàn có thể làm được”-ông Long nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Tính qua tính lại thì cuối cùng dường như cũng chỉ đảm bảo nguồn thu của EVN, phương án giá bán điện nào nào thì người có lợi vẫn là EVN-không lỗ. Nếu đưa các phương án biểu giá điện ra cho mọi người xây dựng mà kết quả cuối cùng chỉ có lợi nhiều cho EVN thì không sòng phẳng. Tôi cho rằng, khi quyết để ban hành biểu giá điện cuối cùng, Chính phủ và bộ ngành chức năng sẽ quyết theo hướng tránh tác động lớn đến nền kinh tế và tâm lý xã hội, giảm bớt thua thiệt cho người dân sử dụng điện.
Dân Việt