MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thay đổi chính sách visa để du lịch Việt Nam cất cánh

Chiều 27/5, thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các đại biểu Quốc hội cho rằng, tháo gỡ thủ tục visa chính là chìa khóa để Việt Nam phục hồi tốt hơn, du lịch Việt Nam “cất cánh".

Nâng thời hạn thị thực và thời gian tạm trú

Dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi đã bổ sung nhiều quy định để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam.

Cụ thể, bổ sung quy định để nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; sửa đổi, bổ sung quy định mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định.

Cùng với đó, Chính phủ đề xuất nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật.

Thay đổi chính sách visa để du lịch Việt Nam cất cánh - Ảnh 1.

Khách du lịch tại Hội An. Ảnh: TTXVN

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng việc thay đổi chính sách với visa bây giờ mới làm là muộn. Dẫn con số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 3 tháng đầu năm nay chỉ đạt 3,7 triệu khách, theo ông Hùng, mục tiêu 8 triệu khách quốc tế năm nay là thách thức.

“Xét về điều kiện tự nhiên, thiên nhiên không kém gì các nước láng giềng, tại sao du lịch Việt Nam có khoảng cách xa như vậy với các nước xung quanh?", ông Hùng đặt câu hỏi và nhấn mạnh: Tháo gỡ thủ tục visa chính là chìa khóa để Việt Nam phục hồi tốt hơn, du lịch Việt Nam “cất cánh".

Làm rõ ai đang ở nhà xã hội

Thảo luận dự kiến chương trình giám sát năm 2024, các đại biểu bày tỏ sự đồng tình với việc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan. Đại biểu đề nghị nội dung giám sát cần tập trung làm rõ ai đang sinh sống trong nhà ở xã hội; tổ chức nào cung cấp; thực trạng sử dụng nhà ở xã hội; mục tiêu, ý nghĩa của chương trình giám sát thông qua kết quả đạt được…


Đại biểu Hà Phước Thắng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TPHCM, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đánh giá việc nâng thời hạn tạm trú (tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực) từ 15 ngày lên 45 ngày mới ở mức trung bình của khu vực, như báo cáo thẩm tra đã chỉ ra.

“Chúng ta nên đánh giá lại, vì sao đang tạo điều kiện thu hút đầu tư, hợp tác, du lịch nhưng không nâng lên 60 hay 90 ngày mà lại lấy 45 ngày”, ông Thắng nêu.

Đề xuất 6 vị trí có trần cấp Tướng Công an

Cùng ngày, các đại biểu cũng đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND). Tại tờ trình, Chính phủ đề xuất bổ sung 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong CAND.

Về hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan CAND, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, được sửa đổi theo hướng bổ sung quy định và tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an (nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi); tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan. Riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 3 tuổi; nữ sĩ quan cấp Tướng giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành…

Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội cho rằng, việc tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an tạo được sự đồng bộ, tương tích với Bộ luật Lao động và tăng dày thêm các quỹ bảo hiểm xã hội. Số sĩ quan, nhất là sĩ quan cấp cao (từ Thượng tá trở lên) khi được kéo dài tuổi sẽ giúp thừa hưởng kinh nghiệm của họ, từ đó, tạo điều kiện tốt cho công việc, lực lượng.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP. Cần Thơ cho rằng, quy định tăng hạn tuổi phục vụ của công an là phù hợp, nhằm thống nhất lộ trình tăng tuổi lao động được quy định của Bộ luật Lao động. “Tăng hạn tuổi phục vụ của công an, giúp cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, đồng thời để cán bộ trong ngành Công an được mức lương hưu cao nhất theo quy định hiện hành”, ông Thuận nói.

Tại tổ TPHCM, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, đề xuất sĩ quan công an là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp được kéo dài thời hạn phục vụ từ 60 lên 62 tuổi với nam; 55 lên 60 tuổi với nữ là thống nhất với các ngành khác. Theo bà Lan, những người có học hàm, học vị cao luôn được khuyến khích làm việc tiếp, nhưng cần quy định rõ những người này chỉ làm chuyên môn chứ không được làm quản lý.

Vì vậy, dự thảo cần nêu rõ điều này, thay vì ghi là kéo dài tuổi phục vụ, sẽ chưa rõ ràng. Nữ đại biểu đoàn TPHCM cho rằng, kéo dài tuổi hưu, nhìn mặt tích cực là sẽ tận dụng được kinh nghiệm, chất xám trong khi đất nước còn thiếu người có trình độ cao. Nhưng nếu kéo dài tuổi hưu ở vị trí quản lý sẽ cản bước lớp trẻ phát triển.

Theo Văn Kiên – Luân Dũng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên