Thấy gì từ làn sóng phẫn nộ dữ dội sau câu hỏi: "Em đang nhập viện à, có đem laptop không chị nhờ tí"?
Từ câu chuyện được nhiều người dùng chia sẻ, với một vài công ty, hoá ra nhân sự nghỉ ốm là một chuyện khá... khó chấp nhận?
- 23-06-2024Người đàn ông bị đột quỵ phải nhập viện, nguyên nhân do thói quen bật điều hòa ngày hè nhiều người vẫn làm
- 21-06-2024Hà Nội: Người đàn ông nhập viện trong tình trạng suy thận cấp vì 1 sai lầm khi uống nước
- 21-06-2024Ngôi sao tuyển Pháp lộ diện với chiếc mặt nạ chuẩn "Ninja Rùa" sau khi nhập viện vì gãy mũi, liệu rằng có đá trận với Hà Lan?
Bức xúc với cảnh: Nhận lời thì khổ vào thân, từ chối thì bị xem là "không cống hiến"
Mới đây, trên Threads xuất hiện một bài đăng thu hút sự chú ý khủng, với nửa triệu lượt xem, 20k lượt tim và hơn 1k thảo luận. Nội dung ngắn gọn nhưng gây bức xúc: Một nhân sự chia sẻ tin nhắn được đồng nghiệp "nhờ tí", hỏi xem bạn có đem laptop không khi đang…nhập viện.
Những lời nhờ vả hoặc yêu cầu hỗ trợ trong công việc đâu còn xa lạ gì. Song, nguyên nhân gây phẫn nộ với cộng đồng mạng chính là bối cảnh và cách nói. Dù nhân sự đang gặp vấn đề hệ trọng về sức khoẻ, nhưng đồng nghiệp không một lời hỏi thăm, kiệm lời trong chính lời nhờ giúp đỡ của mình.
Sau câu "Em đang nhập viện phải không?" tưởng sẽ là câu "Em có sao không?" như lẽ thường, nhưng ngay sau đó là câu hỏi có mang theo laptop hay không, như thể vật dụng đó rất cần thiết đối với một người đang nhập viện.
Làn sóng phản đối dâng cao dưới phần bình luận và chia sẻ. Đa phần ý kiến cho rằng người đồng nghiệp vô cùng thiếu tinh tế, và đều đồng tình đưa ra hướng giải quyết cho nhân vật: Nhất định phải từ chối! Từ chối vì không việc gì phải ưu tiên công việc lên trên sức khỏe bản thân (mà cụ thể ở đây, còn chưa rõ là nhờ trong công việc chung, hay là công việc cá nhân mà người kia không làm được), đặc biệt là khi thể chất đang trong tình trạng cần chạy chữa tại bệnh viện.
Cũng tại đó, rất nhiều trường hợp chia sẻ tương tự như chủ bài đăng:
- "Tôi: Anh ơi em xin nghỉ đến hết tuần vì đang phải nhập viện….Họ: Em nghỉ thì vẫn làm online nhé, anh không muốn nhân viên bỏ bê công việc giữa chừng."
- "Đau bao tử quằn quại không ngồi nổi mà chị trưởng nhóm cũ kêu ráng làm đi em…"
- "Ôi hồi xưa bị bệnh dậy không nổi, xin nghỉ sáng mà chiều lên công ty còn đi kêu là nếu em dậy nổi thì em nên đi."
- "Mình mổ ruột thừa, mới mổ hôm trước, hôm sau sếp đã gọi hỏi thăm. Xong hỏi dc 3 câu thì bảo em giờ có tiện không thì mở laptop gửi cho chị hồ sơ các thứ nhé."
Không chỉ với trường hợp bệnh tật, có những tình huống khác cần bỏ bớt công việc qua một bên, như chuyện gia đình (đám tang, cưới hỏi) hay là quá tải đầu việc, vậy mà vẫn có nhiều pha xử lý không hề mang tính thông cảm và tương trợ từ những người đồng nghiệp.
"Plot twist" nằm ở chỗ sẽ có những lời điều tiếng ra vào với nhân sự nếu họ không chịu nhận các công việc phát sinh như thế này. Đồng nghiệp nghi ngờ viện cớ mỗi khi lười làm, không chịu đóng góp cho công ty, và cho rằng trách nhiệm của ai thì người đó phải hoàn thành dù có chuyện gì xảy ra, kể cả là tranh thủ từng giờ nghỉ trưa, giờ tan làm…và đương nhiên là không trả lương tăng ca. Chính cảm nhận về trách nhiệm làm việc, và cả nỗi lo gây ấn tượng xấu với cấp trên và đồng nghiệp, có thể đẩy một số bạn vào tình thế gắng gượng để hoàn thành tốt, gây ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân.
Đây là trải nghiệm chung được chia sẻ bởi những người dùng Threads mà kết cục là họ đều "thương lượng" không thành công. Cuối cùng, họ vẫn bị yêu cầu hỗ trợ, bất đắc dĩ phải nhận việc từ những người trưởng nhóm, quản lý không biết thế nào là giới hạn. Hoặc là gắng gượng làm cho xong, và đó cũng chính là dịp để nhân sự chào tạm biệt công ty.
- "Công ty cũ của tớ, cụ thể sếp kêu tớ gọi điện, sắp xếp lịch họp trao đổi với đối tác mới (mà chưa hề liên hệ lần nào). Tớ bảo đang trong lịch đi gặp khách hàng này và hôm nay còn nhiều đầu việc lắm nên có thể dời việc khác để ưu tiên cái này không? Anh ấy bảo tớ tranh thủ giờ nghỉ trưa hay buổi tối mà làm."
- "Mình xin nghỉ phép 3 ngày vì bố mình bị đột quỵ nằm viện, công ty gọi mình bảo "Em làm xong dữ liệu này nha, chứ không ai muốn nhận lại công việc của em."
- "Sếp: em đang nằm viện hay xạo nằm nhà vậy / Tôi: Gửi hình đang chuẩn bị vào phòng chụp MRI / Sếp: Mai đi làm đi em chứ thiếu người / Tôi: Dạ em bị bệnh nan y luôn rồi đó, sếp không cho em nghỉ đi chăng nữa thì bệnh viện cũng không cho em về / Sếp: Ráng đi em tại cửa hàng thiếu người, về 1 lúc hết ca rồi vào viện lại."
Cùng trong luồng ý kiến đó, là những yêu cầu vô lý đến mức vô tâm từ nhân sự: Tổ chức đám cưới vào thứ 7, Chủ Nhật đi em, sao tổ chức vào giữa tuần để ảnh hưởng công việc?; Bị bệnh đột ngột nhưng nhất định phải xin trước 2-3 ngày thì chị mới kịp xoay xở nhân sự thay thế chứ!
Nhìn vào thực tế, nào có phải nhân sự ngày nay lười làm. Có rất nhiều ví dụ cho thấy nhân sự đang ngày càng để công việc xâm lấn vào không gian riêng tư, vì mong muốn đóng góp đến hiệu quả chung của công ty. Tiếng thông báo từ các app công việc "ting ting" lúc 9-10 giờ đêm vẫn kiểm tra và phản hồi, mang laptop cả vào chuyến đi nghỉ dù đã xin nghỉ phép và được xét duyệt.
Song, "yêu công ty" nhưng ai cũng có giới hạn cho mình, đặc biệt là khi nhân sự đã gặp vấn đề về những giá trị gắn bó với họ cả đời như sức khỏe hay gia đình. "Cố đấm ăn xôi" để nhờ vả, thậm chí là nghi ngờ và khuyến khích nhân sự cố gắng làm việc một cách cực đoan thực sự rất đáng bị lên án, đặc biệt nếu nó xuất phát từ các cấp quản lý, những người có trách nhiệm điều phối và sử dụng nguồn lực một cách chính xác.
Trách nhiệm thực sự nằm ở người "nắm đằng chuôi"
…mà cụ thể ở đây chính là những người điều phối, phân chia công việc - những người hoàn toàn có thể chủ động sắp xếp nguồn lực.
Trong trường hợp trên, rõ ràng nên từ chối, vì ưu tiên hàng đầu hiện tại chính là tập trung chữa bệnh và hồi phục. Song, như đã đề cập, việc từ chối đôi khi không dễ dàng, sẽ gặp phải sự kì kèo, đôi co qua lại gây mất lòng hai bên. Dưới bài đăng, có rất ít nhân sự chia sẻ trường hợp bản thân nhận được sự tương trợ từ công ty, dù rằng đó là điều hiển nhiên khi làm việc trong một tập thể.
Trên thực tế, trường hợp nhờ vả này không bao giờ nên xảy ra, nếu những người có chức năng quản lý nhân sự biết làm tốt trọng trách của mình. Nhân viên vốn chỉ là người bị động trong tình huống nêu trên.
Xuất phát từ việc tổ chức vị trí trong các phòng ban, ngay khi nhân sự nghỉ, cần phải chia nhỏ đầu việc cho những người cùng đội nhóm hoặc cùng dự án có cùng kinh nghiệm, kỹ năng. Linh động và phản ứng nhanh, điều chỉnh kế hoạch hoặc nguồn lực ngay khi có thể, là cách đảm bảo không làm gián đoạn dự án. Sắp xếp thứ tự ưu tiên của các công việc và có phúc lợi xứng đáng với những nhân sự đảm nhận thêm phần việc là cách để khích lệ tinh thần tương trợ của đội nhóm.
Câu hỏi còn lại là làm sao để biết và theo dõi công việc của nhân sự cần phải vắng mặt đang được xử lý đến đâu để những người khác tiếp quản? Lời đáp đơn giản là phải sử dụng bộ dữ liệu chung, liên lạc thường xuyên thông qua các nền tảng quản lý công việc để đảm bảo không bỏ sót thông tin.
Cho phép nhân sự nghỉ ngơi, là cho phép họ được phục hồi năng lượng và tập trung cho công việc sau khi vắng mặt. Khi họ quay trở lại, chức năng của người quản lý là dẫn dắt và cập nhật cho họ dần dần về tiến độ công việc để họ có thể nắm bắt hiệu quả những thứ đã diễn ra tại công ty trong quãng thời gian nghỉ phép.
Suy cho cùng, có những công việc khiến nhân sự khốn khổ vì không có ngày nghỉ, nhưng chuyện này hoàn toàn tránh được, nếu những người nằm ở vị trí quản lý, phân chia công việc có kế hoạch rõ ràng hơn.
Phụ nữ số