MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thấy gì từ mô hình liên kết – tiêu thụ khoai tây của Syngenta và PepsiCo?

18-03-2023 - 10:00 AM | Doanh nghiệp giới thiệu

Thấy gì từ mô hình liên kết – tiêu thụ khoai tây của Syngenta và PepsiCo?

Theo Tổ chức Nông lương quốc tế (FAO), khoai tây là cây lương thực quan trọng thứ ba trên thế giới và được hàng tỷ người thường xuyên tiêu thụ.

Tại Việt Nam, do nhiều nguyên nhân khác nhau, năng suất, diện tích cũng như thu nhập của người trồng khoai tây ngày càng suy giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ của các doanh nghiệp chế biến trong nước rất lớn.

Tuy nhiên, những thách thức này đang dần được khắc phục nhờ mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ khoai tây bền vững do Syngenta, PepsiCo, cùng các đối tác Yara, USAIDS và Resonance phối hợp đẩy mạnh triển khai tại một số tỉnh Tây Nguyên.

"Bỏ túi" hàng trăm triệu đồng nhờ trồng khoai tây

Gần đây, nhiều bà con nông dân tham gia mô hình liên kết – tiêu thụ khoai tây bền vững với Syngenta và PepsiCo ở tỉnh Gia Lai đều trong tâm trạng vui mừng phấn khởi. Bởi lẽ, họ vừa có một vụ mùa khoai tây bội thu, được giá bán và không phải lo tìm đầu ra như nhiều loại cây trồng khác.

Theo ông Dương Ngọc Hùng (Thôn Ia Ring – Xã Ia Tiêm – Huyện Chư Sê – Gia Lai), sau khi tham gia mô hình liên kết – tiêu thụ khoai tây bền vững, gia đình ông được hỗ trợ toàn bộ từ khâu làm đất, chọn giống, kỹ thuật chăm sóc cho đến khi thu hoạch và ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản lượng. Quan trọng hơn, không phải "đau đầu" khi lo tìm đầu ra hay bị thương lái ép giá.

Với mức giá khoai tây thu mua tại ruộng dao động từ 8.000-10.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí, thu nhập của người trồng khoai tây có thể trên 100 triệu đồng/ha.

Không chỉ giúp người nông dân có mức thu nhập ổn định, các doanh nghiệp chế biến trong nước cũng chủ động được nguồn nguyên liệu cho sản xuất.

Theo ông Nguyễn Kim Hành, Giám đốc Nông học, Công ty PepsiCo Việt Nam, nếu như trước đây, công ty phải nhập khẩu nhiều khoai tây nguyên liệu từ Đức và Mỹ để phục vụ nhu cầu trong nước, thì nay tỷ lệ sử dụng khoai tây nội địa của công ty đã tăng lên đáng kể và hướng tới nội địa hóa đạt 100% trong vòng 2 năm tới.

Trong năm 2022, PepsiCo cũng đã xuất khẩu thành công lô khoai tây đầu tiên sang thị trường Thái Lan và được đối tác đánh giá cao về chất lượng sản phẩm. Sự khởi đầu này là cơ sở để công ty đặt mục tiêu xa hơn trong việc xây dựng Việt Nam trở thành nước xuất khẩu khoai tây chính cho các nước Đông Nam Á.

Mở rộng mô hình để ngành khoai tây phát triển đồng bộ

Thực tế cho thấy, mô hình liên kết – tiêu thụ khoai tây bền vững do Syngenta, PepsiCo đồng trưởng Nhóm công tác Rau quả thuộc Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) triển khai từ năm 2019 đang trở thành mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp của cả nước.

Người nông dân trồng khoai tây được tập huấn, hiểu rõ về kỹ thuật trồng trọt, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả và có trách nhiệm; đồng thời chia sẻ, áp dụng các công nghệ, giải pháp bảo vệ thực vật mới… "Các bộ giải pháp tiên tiến do Syngenta nghiên cứu sẽ khắc phục điểm yếu về năng suất, chất lượng thương phẩm. Qua đó, giúp người nông dân có mức thu nhập ổn định, yên tâm gắn bó hơn với ngành khoai tây", ông Phạm Huy Thắng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Nông dược, Công ty Syngenta Việt Nam cho biết.

Thấy gì từ mô hình liên kết – tiêu thụ khoai tây của Syngenta và PepsiCo? - Ảnh 1.

Trong mô hình liên kết, người nông dân được hỗ trợ từ khâu chọn giống, chăm sóc… cho đến lúc thu hoạch và bao tiêu toàn bộ sản lượng

Thông qua các giải pháp công nghệ thông minh, những điểm yếu về năng suất, chất lượng khoai tây thương phẩm dần được khắc phục và có sự cải thiện đáng kể. Vụ mùa thu hoạch đầu năm 2023 ghi nhận năng suất khoai tây đạt 32 tấn/ha ( trước đây trung bình 23,5 tấn/ha). Khoai tây thương phẩm có chất lượng tốt, đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ chuẩn xuất khẩu.

Thấy gì từ mô hình liên kết – tiêu thụ khoai tây của Syngenta và PepsiCo? - Ảnh 2.

Nhờ năng suất, chất lượng ổn định, khoai tây Việt Nam được kỳ vọng sẽ "vươn xa" hơn trong thời gian tới

Việc cải thiện năng suất, chất lượng khoai tây đã tháo gỡ các rào cản ngành hàng khoai tây đang gặp phải. Bởi trước đây, khoai tây tại Việt Nam có diện tích lớn lên đến 100.000 ha, nay chỉ còn 20%. Trong đó, mỗi năm ước tính có khoảng 20-30% sản lượng khoai tây tại Việt Nam bị hư hỏng hoặc không đạt chất lượng do tác động của sâu bệnh hại và các yếu tố khác.

Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các đối tác trong chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ khoai tây bền vững đang đẩy mạnh thực hiện việc tận dụng nguồn nguyên liệu khoai tây trong nước để tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp chế biến. Ở giai đoạn 2022 - 2025, dự án đặt mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất đạt trên 2.000 ha với hơn 1.000 nông dân tham gia.

Ánh Dương

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên