Thấy gì từ sự "độc bá" lĩnh vực sản xuất chip của TSMC?
Sản xuất chip gần như là lĩnh vực công nghệ cao duy nhất mà Mỹ và Trung Quốc bị phụ thuộc lớn đến vậy vào các nhà cung cấp bên ngoài.
- 27-04-2021169 ngành công nghiệp lao đao vì thiếu chip, vẫn có người "cười thầm" hưởng lợi
- 12-04-2021Châu Á đã vươn lên đứng đầu ngành sản xuất chip toàn cầu như thế nào?
- 19-03-2021Chưa bao giờ thế giới 'đói' chip đến thế
Sản xuất chip là một quá trình kỳ diệu. Các nhà sản xuất sử dụng ánh sáng để dập các hoa văn phức tạp trên một đĩa silicon tinh thể tạo thành các mảng mạch điện. Sau khi được đóng dấu và cắt ra khỏi đĩa, mỗi mảng được gọi là một con chip. Công việc của các con chip là vận chuyển các electron trong một phép toán phức tạp bằng ánh sáng, được quy định bởi mật mã máy tính. Các phép toán này điều hành thế giới số, từ Twitter, TikTok đến các đồ chơi hay xe tăng. Không có chúng, gần như toàn bộ các ngành công nghiệp hiện nay đều sẽ đình trệ. Các nhà sản xuất ô tô hiểu rõ nhất điều này khi một số đã buộc phải dừng dây chuyền sản xuất vì thiếu chip.
Từ một công ty ít được biết đến, TSMC giờ đây trở thành cái tên xuất hiện thường trực trên các bản tin, đơn giản vì họ là công ty lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất và gia công chip. Họ đang kiểm soát 84% thị trường chip vi mạch nhỏ nhất, hiệu quả nhất là các công ty từ Apple tại Mỹ đến Alibaba tại Trung Quốc sử dụng cho các sản phẩm, dịch vụ của mình. Khi nhu cầu đối với các con chip tăng lên, TSMC đang đổ thêm một khoản tiền lớn vào việc mở rộng sản xuất.
Đây được chứng minh là mô hình kinh doanh thành công. Năm ngoái, TSMC đạt doanh thu 48 tỷ USD, trong đó lợi nhuận ở mức siêu lớn là 20 tỷ USD. Hãng phân tích VLSIresearch gọi họ là "viên kim cương hy vọng của ngành bán dẫn". Giá trị vốn hóa của công ty này hiện đạt 564 tỷ USD, cao thứ 11 thế giới. Hãng này còn được xem là một "nhà ngoại giao" xuất sắc khi làm ăn tốt với cả Mỹ và Trung Quốc. Năm 2020, 63% doanh thu của TSMC đến từ các khách hàng có trụ sở chính tại Bắc Mỹ và 17% đến từ khách hàng có trụ sở tại Trung Quốc. TSMC biến mình thành một phần không thể thiếu trong giấc mơ công nghệ của cả Mỹ và Trung Quốc.
TSMC được thành lập vào năm 1987. Trong 1/4 thế kỷ đầu tiên kể từ khi ra mắt, họ tạo ra hầu hết các bộ vi xử lý không có gì nổi bật, thua xa các công nghệ tiên tiến. Mọi thứ thay đổi từ năm 2021 khi họ đàm phán hợp đồng đầu tiên để sản xuất chip cho iPhone. Apple muốn TSMC đẩy mạnh công nghệ của mình càng xa, càng nhanh càng tốt để có được lợi thế so với các hãng di động đối thủ.
Morris Chang - người sáng lập TSMC được Apple đánh giá rất cao về khả năng giữ bí mật. Ông đã biến việc bảo vệ bí mật thương mại trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của công ty. Khách đến thăm các cơ sở sản xuất hoặc văn phòng của họ sẽ bị bịt kín cổng USB của laptop, ngay cả khi họ chỉ ở trong phòng hội nghị.
2 năm sau, chip của công ty Đài Loan xuất hiện trên iPhone 6 - mẫu điện thoại thông minh bán chạy nhất mọi thời đại. Doanh thu từ chip của 220 triệu chiếc iPhone tạo ra bước đà cho TSMC. Một số đối thủ của Apple cũng chọn TSMC làm nhà cung cấp và muốn điều tương tự như gã khổng lồ Mỹ. Tất cả đều cảm thấy hài lòng với những nỗ lực của nhà sản xuất chip này.
Nhờ những thuận lợi này, TSMC bắt đầu vượt lên. Họ vượt qua Intel - gã khổng lồ của Mỹ từng chiếm vị trí độc tôn ở ngành sản xuất chip. Đối thủ còn lại của họ là Samsung cũng hầu như không thể theo kịp. Peter Hanbury của công ty tư vấn Bain nói rằng năng lực sản xuất của TSMC đáng sợ đến nỗi sau mỗi 2 hoặc 3 năm, hiệu suất xử lý các con chip của họ lại tăng gấp đôi và điều này sẽ tiếp diễn trong ít nhất 8-10 năm nữa.
Khoảng cách giữa họ và đối thủ ngày càng lớn. TSMC đang tung cực nhiều tiền vào các nhà máy sản xuất chip tiên tiến. Tháng 1/2021, hãng cho biết sẽ tăng vốn đầu tư cho năm 2021 lên mức 25-28 tỷ USD, so với mức 17 tỷ USD năm 2020. Sang tháng 4, con số này được điều chỉnh lên 30 tỷ USD. Hãng có kế hoạch chi 100 tỷ USD trong 3 năm tới. 80% chi tiêu của năm nay TSMC sẽ dành cho các công nghệ tiên tiến.
TSMC cũng cho dừng việc giảm giá sản phẩm. Họ quan niệm, trong lĩnh vực sản xuất chip, tăng sức mạnh xử lý cho con chip cũng tương đương với giảm giá. CEO C.C Wei của TSMC cho biết họ đã gạt kế hoạch giảm giá sản phẩm vào tháng 12/221 và giữ nguyên giá bán trong vòng 1 năm.
Việc phát triển công nghệ mới nhất trước các đối thủ cho phép TSMC tính giá cao hơn, kiếm được nhiều lợi nhuận hơn. Từ đó, họ tiếp tục chu kỳ đầu tư vào công nghệ để giữ vững chắc vị trí đáng ghen tị của mình. Tuy nhiên, không phải không có thách thức cho TSMC.
Kinh nghiệm của Intel cho thấy ngay cả những nhà sản xuất bậc thầy cũng dễ dàng bị vượt qua trong thời gian ngắn. Ở 2 thế hệ chip gần đây, sai lầm về công nghệ khiến Intel phải trả giá đắt. Hoạt động kinh doanh chip cũng nổi tiếng là diễn biến theo chu kỳ. Ranh giới giữa bùng nổ và quá tải khá mong manh. Chỉ cần họ tính toán sai nhu cầu của thị trường, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Một mối nguy khác với TSMC là cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung. Những người trong ngành công nghiệp chip nói rằng Đài Loan khuyến khích tất cả nhà sản xuất chip, bao gồm cả TSMC, không đưa các dây chuyền sản xuất tiên tiến ra bên ngoài như một cách bảo vệ họ khỏi sự can thiệp của thế giới bên ngoài. Các nhà sản xuất chip theo hợp đồng của Đài Loan chiếm 2/3 doanh số bán chip toàn cầu.
Do đó, 97% tài sản dài hạn trị giá 57 tỷ USD của TSMC nằm ở Đài Loan. Khoảng 90% trong số 56.800 nhân viên của họ (một nửa có bằng tiến sĩ hoặc thạc sĩ) đều làm việc tại Đài Loan. Nhà máy sản xuất chip của họ tại Nam Kinh (Trung Quốc) sản xuất chip đi sau 2-3 thế hệ so với công nghệ tiên tiến nhất. Nhà máy tại Mỹ của họ chỉ đi vào hoạt động từ năm 2024. Theo ước tính của Economist, giá trị thiết bị và sản phẩm liên kết từ TSMC sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025 nhưng 86% doanh thu vẫn đến từ Đài Loan.
Các cường quốc như Mỹ hiện gần như không có cách nào để can thiệp trực tiếp vào TSMC. Khi tầm quan trọng của họ ngày càng tăng lên, đồng nghĩa giá trị của họ càng gắn chặt chẽ với mục tiêu công nghệ của các cường quốc này. Nói cách khác, TSMC quá quan trọng để có thể bị động đến.
Tham khảo nguồn: The Economist