MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thấy gì từ việc các ngân hàng liên tiếp phát mãi bất động sản?

02-03-2021 - 08:42 AM | Bất động sản

Thấy gì từ việc các ngân hàng liên tiếp phát mãi bất động sản?

Việc ngân hàng liên tiếp phát mãi BĐS được cho là do chất lượng tín dụng còn thấp, khủng hoảng do dịch bệnh, rủi ro pháp lý cũng như việc bản thân các doanh nghiệp còn yếu kém.

Làn sóng các ngân hàng rao bán bất động sản phát mãi bắt đầu rộ lên từ giữa năm 2020 khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh. Từ các "ông lớn" như BIDV, Vietinbank đến các ngân hàng quy mô nhỏ hơn như SCB, TPB… cũng đã rao bán nhiều tài sản đảm bảo là các bất động sản để xử lý các khoản nợ quá hạn, nợ xấu.

Bước sang năm 2021, làn sóng ngân hàng phát mãi các bất động sản để xử lý các khoản nợ xấu được nhận định sẽ tiếp tục gia tăng khi dịch bệnh COVID-19 vẫn là một trở lực lớn cho thị trường và sức chịu đựng của những doanh nghiệp thiếu tiềm lực hoặc đã trót "đi sai nước cờ" khi phát triển những phân khúc sản phẩm đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như căn hộ du lịch - condotel, văn phòng kết hợp lưu trú – officetel,…

Thấy gì từ việc các ngân hàng liên tiếp phát mãi bất động sản? - Ảnh 1.

Một trong các tài sản được ngân hàng SCB rao bán

Mới đây nhất, SCB đề nghị bán đấu giá hàng trăm căn hộ và hàng chục nghìn m2 đất ở nhiều dự án bất động sản tại TP.HCM. Trong đó có thể kể đến khu đất hơn 6.300 m2 tại số 245/61b Hòa Bình, P.Hiệp Tân, quận Tân Phú; 418 căn hộ hình thành trong tương lai thuộc dự án Khu căn hộ thu nhập thấp và tái định cư Trịnh Đình Trọng phường Hòa Thạnh, Q.Tân Phú...

Hay trước đó, BIDV Chi nhánh Gia Định cũng thông báo về việc bán phát mãi 32 căn hộ tại chung cư Kỷ Nguyên (The Era Town), địa chỉ số 15B Nguyễn Lương Bằng, P.Phú Mỹ, Q.7.

Theo các chuyên gia kinh tế, tài chính, nguồn cơn của việc hiện có nhiều ngân hàng đề nghị đấu giá phát mãi tài sản là các bất động sản để xử lý nợ xấu đến từ các yếu tố như chất lượng tín dụng còn thấp, thị trường khó khăn do dịch bệnh và bản thân các doanh nghiệp yếu kém.

Thứ nhất, về chất lượng tín dụng bất động sản, thời gian qua đã có nhiều ý kiến lo ngại về việc tăng trưởng nóng, nguy cơ đến từ việc các ngân hàng có thể đã chạy theo tăng trưởng quy mô tín dụng, "giải ngân bằng mọi giá" mà hạ thấp hoặc "nhẹ tay" trong việc thẩm định các hồ sơ cho vay dẫn đến việc không đảm bảo chất lượng tín dụng.

Bên cạnh đó, cũng không thể không kể đến một số trường hợp bản thân cán bộ tín dụng của các ngân hàng móc ngoặc với các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu vay để nâng khống giá trị cho vay dẫn đến nợ xấu như trường hợp của 4 đối tượng là cán bộ 1 ngân hàng lớn tại Đắk Lắk vào tháng 8/2020 đã bị công an tỉnh này bắt tạm giam vì đã có hành vi nâng khống giá trị tài sản đảm bảo khi thẩm định.

Thấy gì từ việc các ngân hàng liên tiếp phát mãi bất động sản? - Ảnh 2.

Dự án Kenton Node (huyện Nhà Bè, TP HCM) từng bị BIDV rao bán với khoản nợ là 4.545,5 tỷ đồng.

Nguyên nhân thứ hai được cho là đến từ việc thị trường bất động sản gặp phải khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19 cộng với một số rủi ro liên quan đến pháp lý dẫn đến việc một số dự án đã được cấp tín dụng ngân hàng nhưng chậm tiến độ quá lâu hoặc không triển khai được dẫn đến việc "vỡ" kế hoạch tài chính, không thể trả nợ cho ngân hàng.

Nguyên nhân thứ ba, theo các chuyên gia là đến từ năng lực của bản thân các doanh nghiệp bất động sản trên thị trường. Việc phát triển quá nhanh trong giai đoạn thị trường bùng nổ vô tình đã khiến không ít doanh nghiệp "ảo tưởng" sức mạnh khi triển khai ồ ạt những dự án "vượt tầm" chủ yếu dựa trên nguồn vốn vay ngân hàng. Như vậy khi thị trường chỉ chớm khủng hoảng hoặc rung lắc nhẹ cũng khiến kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp này "bể vỡ" và việc mất tính thanh khoản, phải đem chính các bất động sản đi gán nợ.

TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính cho biết, để hạn chế tình trạng trên cần siết chặt hơn nữa việc cho vay kinh doanh bất động sản, thẩm định bất động sản làm tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, việc tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh tốt, hạn chế những rủi ro về pháp lý cũng như việc bản thân các doanh nghiệp BĐS cần phải tự "lớn lên" và chuyên nghiệp hóa cũng là những gợi ý tốt cho việc giảm thiểu nợ xấu liên quan đến BĐS trong thời gian tới.

Theo Lê Sáng

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên