Thấy gì từ việc máy in Canon gần 400 linh kiện nhưng nhà cung cấp Việt Nam chỉ dừng lại ở việc sản xuất linh kiện nhựa?
Panasonic, Canon mở cơ hội, nhà cung cấp Việt còn thiếu tự tin để đầu tư và tham gia chuỗi.
- 24-07-2020Lý gì Samsung Việt Nam không mua hàng của doanh nghiệp Việt Nam?
- 24-07-2020Giám đốc USAID Việt Nam: Hy vọng hỗ trợ của Mỹ sẽ góp phần giúp Việt Nam vực dậy sau khủng hoảng, tiếp tục lộ trình trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao
- 24-07-2020Phát hiện vụ chuyển giá hàng nghìn tỷ đồng
Bà Hoàng Thu Thủy, Phó Tổng Giám đốc Bộ phận Mua hàng Toàn cầu Panasonic Việt Nam chia sẻ: "Phía công ty chúng tôi luôn mở tất cả cơ hội cho kể cả doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp có vốn FDI. Cơ hội là chung và mở. Điều kiện của chúng tôi cũng rất rõ ràng. Chất lượng, điều kiện như thế này, các công ty có đáp ứng được không?"
Sau khi ra các điều kiện như vậy, bà Thủy nhận thấy, các doanh nghiệp FDI, khi tiếp nhận cơ hội, thái độ của họ rất tích cực.
Bà Thủy cho biết, trước tiên, doanh nghiệp nước ngoài sẽ nhìn thái độ của đối tác để xem có hợp tác tiếp hay không. Sau thái độ là kết nối nghiêm túc và liên tục cho người mua thấy là hiện tại doanh nghiệp có thể đáp ứng được yêu cầu hay không, hay sẽ đáp ứng được trong tương lai gần, hoặc kế hoạch để có thể đáp ứng được yêu cầu từ phía người mua.
Còn doanh nghiệp trong nước, bà Thủy nhận xét, không phải tất cả nhưng đa phần đều hơi rụt rè. Cho dù có khả năng làm được nhưng nếu rụt rè thì có cạnh tranh được không? Bà Thủy cho rằng, thái độ của nhà cung cấp với yêu cầu của người mua nên là sự tự tin. Khi có được sự tự tin rồi, tất cả các bước về sau không còn quá quan trọng nữa.
Ông Lê Cảnh Dương, Tổng Giám đốc Công ty VPMS, một nhà cung cấp cho Panasonic chia sẻ: "Trở thành nhà cung cấp của Panasonic cũng là may mắn thôi".
Ông Dương cho biết công ty ông chịu trách nhiệm từ lúc thiết kế khuôn cho đến lúc ra được sản phẩm, mặc dù chỉ là công ty rất nhỏ so với các công ty khác. Ông cho rằng các công ty nhỏ, khi đứng trước các tập đoàn lớn thường có tâm lý e dè, đó là tâm lý bao giờ cũng có. Nhưng với công ty ông, ngay từ ban đầu đã đưa ra giá cũng như tất cả mọi thứ minh bạch, và doanh nghiệp đối tác sẽ chỉ cho công ty những phần đã đạt, những phần chưa đạt. Phần nào chưa đạt thì công ty sẽ xem xét lại và tự cải tiến để làm thế nào đạt được giá mục tiêu của khách hàng.
Sau khi đạt được thỏa thuận về giá thì đến vấn đề mục tiêu quản lý chất lượng, quản lý sản xuất có đảm bảo được hay không khách hàng sẽ đánh giá. Khi đã đạt được tiêu chí liên quan đến chất lượng thì sẽ đến bước tiếp theo.
Điều quan trọng khi đàm phán với đối tác lớn, ông Dương cho rằng có hai yếu tố cần lưu ý. Thứ nhất là tạo ra sự tin tưởng đối với sản phẩm. Thứ hai, ngoài giá và chất lượng thì mọi khách hàng đều quan tâm đến việc truy xuất thông tin.
Bà Đào Thị Thu Huyền, Quản lý Cấp cao Canon Việt Nam cho hay: Canon Việt Nam luôn tìm kiếm nhà cung cấp và công ty bà hiện đang có 59 hạng mục linh kiện cần nội địa hóa tại Việt Nam. Công ty luôn đăng tải rộng rãi trên website.
Theo bà Huyền, vấn đề của Việt Nam hiện nay là các nhà cung cấp thuần Việt mới đang chỉ dừng lại ở các linh kiện nhựa, bao bì đóng gói, in ấn...Trong khi một chiếc máy in có tới gần 400 linh kiện, rất nhiều chủng loại khác nhau. Canon đi tìm các nhà cung cấp mới cũng vẫn chỉ là nhà cung cấp linh kiện nhựa, vì đây là linh kiện nhựa là dễ sản xuất nhất.
"Như vậy, như phía Panasonic đã nói, ý chí quyết tâm của các nhà cung cấp còn hơi thiếu. Và đúng là thiếu thật. Nếu bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì yêu cầu của các khách hàng là rất cao, vì sản phẩm của họ là sản phẩm toàn cầu, cung cấp cho cả những khách hàng khó tính nhất. Vậy nên, yêu cầu về chất lượng, giá thành cao và sự ổn định về chất lượng chắc chắn là phải có. Họ không chỉ có sứ mệnh bảo tồn cho doanh nghiệp họ mà còn có sứ mệnh duy trì chuỗi cung ứng liên tục, cạnh tranh với các hãng khác" - bà Huyền nói.
Đại diện Canon cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần quyết tâm, đồng lòng và liên tục duy trì cải tiến để trở thành bạn hàng đồng hành mãi mãi trong chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó là đổi mới, tìm tòi phát triển công nghệ.
"Nếu chỉ đổ dồn vào linh kiện đã có nhiều nhà cung cấp rồi thì cạnh tranh sẽ càng khắc nghiệt hơn" - bà Huyền nhấn mạnh. "Vẫn còn rất nhiều sân chơi nhưng doanh nghiệp lại không tập trung vào những lĩnh vực đó".