MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thầy giáo trả lời câu 15 của "Ai là triệu phú": Nhớ kiến thức tốt nhưng vợ dặn đi chợ mua gì thì quên

28-11-2024 - 12:26 PM | Sống

Người chơi xuất sắc của "Ai là triệu phú" tâm sự, ông không trả lời các câu hỏi dựa vào sự may rủi mà dùng kiến thức, suy luận để có sơ sở chọn đáp án.

Chương trình “Ai là triệu phú” phát sóng tối ngày 26/11 vừa qua đã để lại trong lòng khán giả ấn tượng mạnh mẽ nhờ phần chơi xuất sắc của ông Phạm Cao Long (61 tuổi, thầy giáo dạy Toán cấp 2 đã về hưu ở TP.Hải Dương).

Ông Long đã dừng cuộc chơi ở câu hỏi thứ 14 dù suy luận ra đáp án đúng. Kết quả này giúp ông mang về số tiền thưởng là 80 triệu đồng. Sau đó, MC Đinh Tiến Dũng và ê-kíp chương trình đưa ra tình huống giả định để ông Long thử nghiệm trả lời câu hỏi số 15. Nam giáo viên về hưu là một trong số ít ỏi người chơi được trải nghiệm điều thú vị này.

Thầy giáo trả lời câu 15 của

Người chơi hiếm hoi được trải nghiệm tình huống giả định trả lời câu hỏi thứ 15.

Ở câu hỏi số 15 trong tình huống giả định, dù không đưa ra được đáp án chính xác song phần thi của ông đã khiến nhiều người trầm trồ, ngưỡng mộ kiến thức sâu rộng và sự bình tĩnh, suy luận khéo léo của ông qua mỗi câu hỏi.

Khi chương trình phát sóng, ông Long nhận được rất nhiều cuộc gọi, tin nhắn chúc mừng từ đồng nghiệp cũ, học trò cũ cùng người thân, bạn bè.

Chia sẻ với báo Thanh Niên, người chơi xuất sắc của "Ai là triệu phú" cho biết xuyên suốt chương trình, ông không đưa ra câu trả lời dựa vào may rủi mà dùng kiến thức, suy luận để có cơ sở chọn đáp án.

Thầy giáo trả lời câu 15 của

Người đàn ông 61 tuổi cho biết kiến thức có được là nhờ đọc sách.

Từ nhỏ, ông đã được cha dạy bảo rằng, để có kiến thức thì luôn phải đề cao tinh thần tự học và đọc sách nhiều. Thầy giáo về hưu chia sẻ, đọc sách cũng phải biết chọn lọc, phải tìm sách về vấn đề mình đang quan tâm, trước khi mua phải xem mục lục, nội dung, tác giả,...

"Người thầy có thể dạy học trò về tư duy, nhưng kiến thức của mình thì phải tự học lấy”, ông Long nêu quan điểm và tiết lộ bản thân vẫn dạy học sinh của mình như thế.

Trước những lời ngưỡng mộ của nhiều người dành cho mình, ông Long khiêm tốn nói có lẽ bản thân nhớ dai và cũng gặp may mắn.

"Nhớ dai có thể là do gen, nhưng tôi cũng hay quên. Tôi không lý giải được tại sao lại có thể nhớ một chi tiết nhỏ khi đọc lướt qua trang sách nhưng lại quên béng ngay vợ dặn mua gì khi đi chợ", ông dí dỏm. 


Theo Lam Giang

Đời sống pháp luật

Trở lên trên