MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thay vì đầu tắt mặt tối, nhân viên ngân hàng này được tận hưởng cuộc sống khiến nhiều đồng nghiệp phải ghen tị

14-06-2017 - 11:50 AM | Tài chính quốc tế

Khác với đồng nghiệp, Kristel Cabuling, nhân viên Ngân hàng Trung ương Philippines, dành thời gian rảnh để theo đuổi các đam mê cá nhân như leo núi, hát hay học nhảy.

Kristel Cabuling là kiểm toán viên của Ngân hàng Trung ương Philippines. Tuy nhiên, cuộc sống của cô gái 29 tuổi khác biệt nhiều so với những đồng nghiệp. “Các bạn tôi thường hỏi vì sao tôi có thời gian rảnh để theo đuổi những đam mê cá nhân trong khi nhiều người trong số họ phải ngủ lại văn phòng để hoàn thành công việc đúng hạn”, Cabuling nói.

Những thách thức từ thị trường lao động trẻ nhất thế giới

Philippines là quốc gia có dân số và lực lượng lao động trẻ nhất thế giới, đồng nghĩa với những thách thức đặc biệt mà Bangko Sentral ng Pilipinas, ngân hàng trung ương của quốc gia vạn đảo, phải đối đầu. Khoảng 44% nhân viên của họ thuộc về thế hệ Millennial, được định nghĩa là những người dưới 37 tuổi.

Millennial là thế hệ tìm kiếm sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc nên cũng là những người sẵn sàng chuyển việc đến các ngân hàng thương mại toàn cầu và địa phương, vốn đang dùng nhiều cách thức để chiêu mộ nhân tài.


Trụ sở Ngân hàng Trung ương Philippines.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Philippines.

Cyd Amador, quan chức cấp cao của Ngân hàng Trung ương Philippines, nhấn mạnh: “Chúng ta cần thích nghi với thái độ này của thế hệ trẻ. Họ là những người không quá tập trung vào lợi ích tiền tệ mà còn quan tâm đến sự lành mạnh, sở thích cá nhân, phát triển kỹ năng và khả năng phát triển cá nhân của bản thân họ”.

Theo ước tính, gần một nửa lực lượng lao động Philippines ở dưới tuổi 34, một lợi thế to lớn của nền kinh tế. Đi cùng với đó là chi tiêu ngày càng tăng của lực lượng lao động trẻ, lý do khiến Unilever và Toyota đẩy mạnh các hoạt động mở rộng ở Philippines, góp phần thúc đẩy bùng nổ kinh tế của quốc gia vạn đảo trong thập kỷ này.

Dân số trong độ tuổi lao động ở thủ đô Manila là khoảng 8,5 triệu người, có thể tăng thêm 2,5 triệu người vào năm 2030. Chi tiêu của những người trong độ tuổi lao động ở thủ đô Manila cũng sẽ tăng lên tới 74 tỷ USD trong gia đoạn này. Tuy nhiên, ngoài những lợi thế, người tuyển dụng lao động cũng gặp vô vàn thách thức trong việc tuyển dụng, giữ chân nhân tài hay đáp ứng những đòi hỏi về lợi ích và cơ hội việc trong ngành tài chính ở châu Á.

Ngân hàng Trung ương Philippines đau đầu giữ người

Từ câu lạc bộ nghệ thuật tới câu cá hay phòng tập thể hình và những lớp học múa, Ngân hàng Trung ương Philippines đang phải nỗ lực sáng tạo để tìm cách giữ chân người lao động. Một thập kỷ trước, ngân hàng này đã bắt đầu mở những lớp học yoga, hiphop hay zumba miễn phí cho các nhân viên với những huấn luyện viên chuyên nghiệp, sẵn sàng hỗ trợ lộ trình giảm cân của bất cứ ai.

Kiel Cortez, 26 tuổi, suốt ngày phải vùi đầu trong núi tài liệu của JPMorgan Chase & Co, công việc anh ta làm suốt từ năm 2011. Tuy nhiên, 4 tháng trước, Cortez quyết định nghỉ việc và chuyển sang bộ phận Kho bạc của Ngân hàng Trung ương Philippines. Hiện tại, công việc chính của Cortez là nghiên cứu chính sách phân bổ tài sản và đầu tư của người vay. Thời gian rảnh, Cortez tập thể dục và giành giải "Biggest Loser" trong cuộc thi giảm cân của ngân hàng.

“Tôi chắc chắn đây là nơi mình muốn. Với JP Morgan, tôi còn chẳng có thời gian tới các buổi hẹn tối thứ 6 vì quá nhiều việc. Thế nhưng ở đây, tôi có thể làm bất cứ việc gì mình thích ngay sau khi xong việc”, Cortez nói.


Đường chạy trên mái tòa nhà trụ sở của Ngân hàng Trung ương Philippines.

Đường chạy trên mái tòa nhà trụ sở của Ngân hàng Trung ương Philippines.

Ngân hàng Trung ương Philippines có phòng tập thể hình rộng 400 m vuông cùng một đường chạy trên mái nhà, nơi nhân viên có thể tập luyện sau giờ làm việc. Thậm chí, các nhà hoạch định chính sách đang nghiên cứu thời gian biểu linh hoạt, cho phép nhân viên lựa chọn làm việc ở nhà. Nếu tới văn phòng, họ sẽ được cung cấp túi ngủ để nghỉ ngơi sau lúc làm việc.

Amador, người chịu trách nhiệm về quản lý nguồn nhân lực, cũng thúc đẩy việc trả lương cạnh tranh để giữ chân nhân viên trung thành. Theo công ty tư vấn Willis Towers Watson, một sinh viên đại học với làm việc trong lĩnh vực tài chính ở Philippines có thể kiếm được tới 5.300 USD/năm, cao hơn mức lương trung bình của một người có bằng thạc sĩ.

Trở lại với câu chuyện của Cabuling đã được đề cập ở đầu bài viết, cô đang chuẩn bị cho đợt chinh phục ngọn núi ở vùng Cordillera phía bắc Manila vào tháng 7. Hành trình kéo dài 2 ngày để lên tới đỉnh núi cao 2.000 m là thử thách khó khăn nhất mà cô gái 29 tuổi từng làm. "Thành thật mà nói, tôi không biết cuộc sống sẽ đưa mình đến đâu nhưng phải thừa nhận rằng tôi rất vui khi ở đây”, Cabuling chia sẻ.

Linh Anh

Bloomberg

Trở lên trên