MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

The ASEAN Post: Covid-19 đã tác động ra sao đến lao động trẻ em?

The ASEAN Post: Covid-19 đã tác động ra sao đến lao động trẻ em?

Nhiều thập kỷ qua, thế giới đã có những nỗ lực trong việc ngăn chặn lao động trẻ em và đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xảy ra đã thúc đẩy điều ngược lại.

Theo Tổ chức Lao động Quốc Tế (ILO), có khoảng 122 triệu trẻ em từ 5 đến 14 tuổi phải lao động mưu sinh trên khắp châu Á. Tuy nhiên, độ chính xác của số liệu này chỉ ở mức tương đối do sự khác nhau trong định nghĩa về lao động trẻ em ở các quốc gia, bao gồm độ tuổi làm việc và tính chất của việc làm. Ngoài ra, ILO cũng không có dữ liệu về những lao động chui để nghiên cứu và khảo sát.

Các quốc gia thành viên ASEAN đã có nhiều nỗ lực để cải thiện cuộc sống của hàng triệu trẻ em. Năm 2019, một báo cáo chung do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và ASEAN công bố với tiêu đề "Trẻ em ở ASEAN: 30 năm Công ước về Quyền trẻ em" đã nêu rõ một số kế hoạch hành động nhằm bảo vệ quyền lợi của trẻ em trên khắp Đông Nam Á. Kế hoạch bao gồm tăng độ bao phủ và chất lượng của các lĩnh vực như: y tế, giáo dục, bảo vệ trẻ em và phúc lợi xã hội cùng những lĩnh vực khác.

Vừa qua, ILO và UNICEF đã đưa ra cảnh báo rằng việc đại dịch Covid-19 bùng phát có thể tạo ra sự gia tăng lao động trẻ em đầu tiên trong hơn 20 năm trở lại đây.

Trước đại dịch, số lao động trẻ em trên toàn cầu giảm từ 246 triệu người xuống còn 152 triệu người năm vào 2000. Khi dịch bệnh phát tán, hàng triệu trẻ em rơi vào nguy cơ lao động dưới tuổi vị thành niên do đóng cửa trường học, mất việc làm dẫn đến tình trạng nghèo đói ngày càng trầm trọng. Liên Hợp Quốc đã đặt mục tiêu đến năm 2025, hoạt động này sẽ được chấm dứt.

The ASEAN Post: Covid-19 đã tác động ra sao đến lao động trẻ em? - Ảnh 1.

Nguồn: World Vision

Khủng hoảng trong đại dịch

Đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế và nền kinh tế toàn cầu. Hàng triệu người mất việc làm dẫn đến căng thẳng gia tăng và suy thoái kinh tế. Tháng 10 năm ngoái, Ngân hàng Thế giới ước tính sẽ có khoảng từ 88 đến 115 triệu người trên toàn thế giới bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch. Nhưng trong dự đoán mới nhất, con số này đã tăng lên trong khoảng từ 110 đến 124 triệu người.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam chia sẻ, ở các gia đình mà nguồn thu nhập chính bị thiếu hụt do cha mẹ mất việc làm, họ thường có xu hướng cho con cái đi làm để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Ông khẳng định, nghèo đói là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến lao động trẻ em.

Bà Lê Hồng Loan - Trưởng Ban Bảo vệ Trẻ em của UNICEF tại Việt Nam cũng có cùng quan điểm. Bà cho rằng đại dịch dẫn đến đói nghèo, từ đó mà các hộ gia đình sẽ tận dụng mọi nhân lực trong nhà để kiếm tiền làm số lượng lao động trẻ em tăng lên.

Thêm vào đó, một biện pháp để phòng ngừa Covid-19 là học trực tuyến. Nhưng không phải trẻ em nào cũng có đủ thiết bị máy tính và internet để học từ xa, khiến nhiều học sinh nghèo hơn bị tụt lại phía sau.

UNICEF đã nêu rõ những vấn đề về lao động trẻ em. Trẻ em trong độ tuổi lao động hợp pháp có thể bỏ học để đi làm, nhưng đó là những lao động với trình độ thấp và kỹ năng hạn chế. Trẻ em dưới độ tuổi hợp pháp thì chỉ có thể làm những công việc không chính thức hoặc giúp việc cho các gia đình, nơi các em phải đối mặt với rủi ro như môi trường độc hại và bị bóc lột.

Thế giới đã chống lại nạn lao động trẻ em trong nhiều thập kỷ và đạt được những thành công nhất định. Nhưng chúng có thể sẽ trở nên vô nghĩa khi đại dịch xảy đến. Vì vậy, cần phải khẩn trương thực hiện các hành động nhằm chấm dứt vấn nạn này.

Bà Henrietta Fore - Giám đốc điều hành UNICEF đã chia sẻ về những khó khăn gặp phải trong quá trình hoạt động bảo vệ quyền trẻ em. Tại nhiều quốc gia, ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, tỷ lệ đói nghèo cũng đang tăng lên. Ở đó, mức lương trả cho lao động rẻ mạt, thiếu hụt các chính sách bảo vệ xã hội, chất lượng giáo dục thấp và hệ thống pháp luật yếu kém, chưa đủ sức răn đe những đối tượng sử dụng lao động trẻ em.

Bà cho biết thêm, với những tác động tàn phá của đại dịch Covid-19, đặc biệt là ở cấp hộ gia đình, sẽ ngày càng có nhiều trẻ em bị tổn thương bởi các hình thức lao động bóc lột và độc hại.

Tiến Dũng

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên