The ASEAN Post: Tiêu dùng thực phẩm không lành mạnh có xu hướng gia tăng tại Việt Nam
Hơn nửa dân số Việt Nam, cụ thể là gần 60%, đang tiêu dùng thực phẩm nhiều muối và các đồ uống có cồn vượt ngưỡng khuyến cáo. Bên cạnh những thành tựu kinh tế đáng chú ý, đây được xem là một trong những vấn đề Việt Nam đang phải đối mặt trong giai đoạn hiện nay.
- 21-10-2019Cử tri, nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương xử lý vấn đề ô nhiễm bụi mịn, độc thủy ngân
- 21-10-2019Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Doanh nghiệp có thể đề xuất thí điểm Sandbox thông qua Bộ TT&TT”
- 21-10-2019Thủ tướng: Năm 2020 Việt Nam đặt mục tiêu GDP đạt 6,8%
Đây cũng là vấn đề được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ra tại một hội nghị do Bộ Y tế Việt Nam và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức tại Hà Nội trong tháng 10/2019. Ông Đam cho biết có tới 57% dân số Việt Nam tiêu thụ ít rau xanh và lạm dụng quá nhiều muối và đồ uống có cồn.
Đây cũng không phải là con số bất ngờ khi Việt Nam đang là thị trường tiêu thụ bia lớn nhất ASEAN và là nước tiêu thụ mì ăn liền nhiều thứ 5 thế giới.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y học nổi tiếng Lancet hồi tháng 5 cho thấy, mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người ở Việt Nam đã tăng 90% trong giai đoạn 2010 – 2017, cao thứ 5 trên thế giới. Việt Nam còn là nước tiêu thụ bia lớn thứ 3 châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản.
Báo cáo về lượng tiêu thụ rượu bia ở 189 quốc gia cũng cho thấy mức tăng chung ở Đông Nam Á là 34%. Trong khi đó, ở những quốc gia được biết đến với truyền thống tiêu thụ bia lớn ở châu Âu, con số này đang ghi nhận mức giảm khoảng 12%.
Jakob Manthey, một trong số các tác giả của bài nghiên cứu "Độ phổ biến của đồ uống có cồn trên thế giới giai đoạn 1990 – 2017 và dự báo đến năm 2030", cho biết: "Trước năm 1990, hầu hết lượng tiêu thụ rượu bia đến từ các nước có thu nhập cao, trong đó châu Âu là khu vực ghi nhận mức tiêu thụ lớn nhất. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi đáng kể."
"Hiện các nước có thu nhập trung bình như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam mới là nơi có lượng tiêu thụ lớn rượu bia. Ngược lại, con số tương ứng ở các quốc gia Đông Âu lại có sự sụt giảm mạnh."
Không chỉ là nguyên nhân lớn gây ra các bệnh về gan, tim mạch và nhiều loại ung thư, việc lạm dụng bia rượu cũng làm tăng nguy cơ tổn hại đến sức khỏe tâm thần và ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội.
Một tác giả khác của nghiên cứu trên, tiến sĩ Jurgen Rehm, phát biểu trước truyền thông Việt Nam rằng tăng trưởng kinh tế và mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người ở nước ta có mối quan hệ khá rõ với nhau. Chính sách quản lý còn nhiều thiếu sót cũng là nguyên nhân góp phần làm tăng lượng tiêu thụ rượu bia.
Với việc Nhà nước đưa ra các chính sách định hướng thị trường theo chương trình Đổi mới vào giữa những năm 1980, hơn nửa dân số Việt Nam đã thoát khỏi đói nghèo. GDP bình quân đầu người đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 1985.
Ngày 17/10, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P công bố nâng hạng mức tín nhiệm của Việt Nam lên "BB" cho dài hạn và "B" cho ngắn hạn. Tức là nền kinh tế đã có xu hướng thay đổi tích cực. Cơ quan này cũng nhận định sự ổn định của nền kinh tế sẽ tiếp tục đi đôi với cơ hội mở rộng tăng trưởng nhờ sự dịch chuyển mạnh các dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Theo Hiệp hội Phát triển đô thị Việt Nam, tốc độ đô thị hóa dự kiến sẽ đạt khoảng 40% vào đầu năm 2020. Nguyên nhân là ngày càng nhiều người tìm đến các thành phố lớn để tìm kiếm những cơ hội tốt hơn. Do đó, lối sống bận rộn ở thành phố đã ảnh hưởng không nhỏ đến thói quen ăn uống lành mạnh của người dân.
Một nghiên cứu về lượng muối có trong khẩu phần ăn của người dân ở thành phố Hồ Chí Minh cho thấy có tới 73% hộ gia đình thường xuyên ăn mì ăn liền, 37% thường xuyên tiêu thụ thực phẩm đóng hộp và 31% tiêu thụ các loại thịt chế biến sẵn.
Các loại thực phẩm trên đều có hàm lượng muối khá cao. Trong đó, sự phổ biến của mì ăn liền là con số đáng lo ngại nhất. Việt Nam đang là nước tiêu thụ mì gói nhiều thứ 5 thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ và Nhật Bản.
Cục Y tế Dự phòng thuộc Bộ Y tế năm ngoái cho biết người trưởng thành tại Việt Nam tiêu thụ trung bình 9,4 gam muối mỗi ngày. Con số này cao gần gấp đôi so với khuyến nghị của WHO (5 gam mỗi ngày).
Tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó Trưởng Cục Y tế dự Phòng, khuyến cáo rằng người Việt nên giảm lượng muối ăn hàng ngày xuống còn một nửa so với mức hiện tại. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa cao huyết áp, các bệnh tim mạch và giảm nguy cơ suy thận, loãng xương cũng như ung thư dạ dày.
Mặc dù các vấn đề về sức khỏe xung quanh thói quen lạm dụng rượu bia và đồ ăn liền đã được chứng minh từ lâu, nhiều người Việt vẫn có thái độ phớt lờ những cảnh báo này.
Nếu không được kiểm soát đúng mức, lượng tiêu thụ lớn các loại bia rượu và thực phẩm nhiều muối tại Việt Nam có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dân và có thể gây tổn hại tới nền kinh tế. Do đó, các bộ, ngành liên quan cần tính toán, thực thi các chính sách phù hợp để giải quyết những vấn đề này.