Thẻ ATM dễ mở, dễ bị lợi dụng
Vài năm gần đây, do áp lực chạy doanh số, không ít nhân viên NH đã mời gọi mở tài khoản thẻ ATM và trả phí cho chủ thẻ, thay vì khách hàng phải nộp tiền để đáp ứng số dư bắt buộc. Chưa dừng lại ở đó, gần đây còn xuất hiện thêm tình trạng mời gọi mở hàng loạt thẻ ATM với mức tiền trả công hấp dẫn, dấy lên lo ngại người dân bị lừa đảo.
- 01-11-2016Cho mướn tên làm thẻ ATM, coi chừng gánh nợ
- 31-10-2016Cho thuê tên làm thẻ ATM: Chủ thẻ gánh nhiều hệ lụy
- 26-09-2016Hai người nước ngoài dùng thẻ ATM giả rút tiền ngân hàng
Sức ép chỉ tiêu
Theo M.T, nhân viên của một NHTMCP lớn, các nhân viên làm việc tại NH đều được áp dụng chỉ tiêu doanh số theo từng cấp bậc. Chẳng hạn, một chuyên viên tín dụng doanh nghiệp kinh nghiệm 2 năm mỗi tháng phải huy động 1 tỷ đồng, dư nợ 1 tỷ đồng và số lượng thẻ cả năm phải đạt khoảng 70 thẻ, chỉ tiêu của chuyên viên tín dụng cá nhân 1 tháng huy động 800 triệu đồng, dư nợ 1,8 tỷ đồng và 10 thẻ/tháng (tức 120 thẻ/năm). Các cấp bậc cao hơn chỉ tiêu cũng cao hơn.
Mở thẻ ATM dễ dàng cũng chính là kẽ hở một số đối tượng có thể lợi dụng, sau khi thuê làm thẻ ATM với mức giá 200.000 đồng/thẻ, họ có thể dùng để nhận và rút những khoản tiền lừa đảo và chính chủ thẻ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đây là vấn đề NH cần xem xét lại để tránh thiệt hại cho người dân.
Chỉ tiêu thẻ của từng NH cũng khác nhau, có NH đưa ra chỉ tiêu khoảng 5 thẻ/tháng, có NH áp dụng chỉ tiêu lên đến 30 thẻ/tháng. Kèm theo chỉ tiêu này là biện pháp chế tài, khen thưởng, chẳng hạn nếu đạt chỉ tiêu sẽ được hưởng đủ lương, còn nếu vượt chỉ tiêu sẽ được thưởng nóng. Vì áp lực doanh số, nhiều nhân viên NH buộc phải nhờ người thân, bạn bè mở thẻ dùm cũng như nhờ giới thiệu thêm người mới để hoàn thành chỉ tiêu.
Mời gọi làm thẻ trả phí cũng thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội trong vài năm gần đây, chủ yếu là kêu gọi các bạn sinh viên đi làm thẻ ATM tại nhiều NH lớn. Trên fanpage Việc làm thêm cho sinh viên TPHCM, thành viên S.S.Đ đăng tin cần 5 người đi làm thẻ ATM tại NHTM V. ở quận 11, TPHCM. Yêu cầu đặt ra là từ 18 tuổi trở lên, chưa từng mở thẻ ATM, mang theo chứng minh nhân dân gốc và bằng lái xe hoặc thẻ sinh viên đến NH và người này sẽ trực tiếp hướng dẫn. Khi mở thẻ, người đứng tên không mất bất kỳ khoản phí nào và sẽ được hỗ trợ thêm 100.000 đồng tiền xăng, sau 15 ngày, người làm thẻ nếu muốn lấy thẻ có thể đến NH để nhận.
Trong khi đó, một số mẩu tin khác cũng mời gọi làm thẻ NH với phí nộp vào tài khoản là 50.000 đồng nhưng sẽ được nhận lại 80.000 đồng tiền mặt hoặc 100.000 đồng bằng thẻ điện thoại. Người làm thẻ phải đến NH để ký vào phiếu đăng ký mở thẻ và phải đăng ký dịch vụ internet banking. Những lời mời gọi này đã thu hút sự quan tâm của khá nhiều bạn trẻ, song cũng có một số bạn thắc mắc vừa đi mở thẻ tại NH này nhưng không nhận được khuyến mại như vậy, hay hiện đang làm việc cùng NH nhưng không biết đến chính sách này.
Chia sẻ với ĐTTC, một nhân viên tín dụng cá nhân cho biết, việc chạy doanh số của họ ngày càng áp lực hơn sau khi một số NH bị sáp nhập, bởi bộ máy của một số NH hậu sáp nhập khá cồng kềnh, chất lượng nhân sự của NH nhận sáp nhập rất cao trong khi chất lượng nhân sự phía NH bị sáp nhập thấp hơn. NH rơi vào tình trạng bỏ không được giữ không xong nên thường xuyên tổ chức thi nghiệp vụ, đưa ra chỉ tiêu cao, nếu nhân viên nào không trụ nổi sẽ tự gửi đơn xin nghỉ việc, do đó sức ép chạy chỉ tiêu của nhân viên NH rất nặng.
Cảnh giác khi mở thẻ
Hầu hết các lời chào mời làm thẻ đều khẳng định người mở thẻ sẽ không mất một khoản chi phí nào mà còn được hưởng phí. Tuy nhiên, theo giám đốc chi nhánh Bắc Sài Gòn của một NHTM, khi mở thẻ và đăng ký internet banking, chủ thẻ phải trả phí khoảng 5.500-8.800 đồng/tháng. Đối với phí internet banking, một vài NH yêu cầu thu trước khoản phí này 100.000 đồng và trừ dần hàng tháng, nhưng đa số NH chấp nhận thu sau, khi có tiền chuyển vào tài khoản khách hàng, NH sẽ tự động thu phí này. Nếu duy trì tài khoản nhưng không sử dụng, chủ thẻ sẽ “nợ” NH khoản này cộng với phí bảo quản, bảo tồn thẻ ATM khoảng 50.000 đồng/năm. Còn nếu muốn đóng tài khoản này, khách hàng sẽ trả cho NH một mức phí khoảng từ 22.000 đồng/tài khoản. Do đó, khách hàng cần phải cân nhắc trước khi mở thẻ.
Gần đây, có thông tin cho biết nhiều công nhân cũng được mời làm thẻ nhiều NH, được cấp số điện thoại để đăng ký mở thẻ và được trả công 200.000 đồng mỗi thẻ. Các chuyên gia thẻ cũng khuyến cáo cần có sự cảnh giác đối với các lời mời gọi mở thẻ. Nhân viên NH chạy chỉ tiêu thường chỉ mời làm thẻ tại một NH với mức phí khoảng 100.000 đồng vì khả năng tài chính chỉ dừng lại ở mức đó, kèm theo yêu cầu khách hàng trực tiếp đến NH, cung cấp số điện thoại và ký tên. Trong khi các đối tượng môi giới mời làm thẻ tại 5-7 NH cùng một lúc, cung cấp số điện thoại, email không chính chủ và đưa ra mức trả công cao với điều kiện chủ thẻ không nhận thẻ có thể đang lợi dụng để lừa đảo, sau khi mở thẻ sẽ thay đổi mật khẩu, thực hiện các giao dịch trái pháp luật qua mạng và chủ thẻ sẽ là người gánh trách nhiệm nếu xảy ra sai phạm.
Tính đến hết quý II-2016, toàn thị trường đã tăng khoảng 9,8 triệu thẻ so với cuối năm 2015, đạt 106,03 triệu thẻ. Trong đó, thẻ ATM chiếm khoảng 90% tổng lượng thẻ phát hành vì đây là loại thẻ dễ mở nhất, chỉ cần cung cấp chứng minh nhân dân là có thể sở hữu ngay. Các NH cũng muốn phát hành thật nhiều thẻ để mở rộng thị phần nên liên tục đưa các ưu đãi, khuyến mại và giao chỉ tiêu phát hành thẻ cho nhân viên dù biết rõ tỷ lệ thẻ hoạt động trên thị trường chỉ khoảng 60-70%. Do đó, nhân viên NH buộc phải đi mời chào để mở thẻ ATM cho khách hàng một cách dễ dàng, không giới hạn về số lượng, không quan tâm chiếc thẻ đó có được sử dụng hay không.
Sài gòn đầu tư