MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế cửa giữa

14-02-2019 - 09:43 AM | Tài chính quốc tế

Nhiều quốc gia đang lâm cảnh khó xử vì vừa là đồng minh của Mỹ vừa có quan hệ thân thiện với Trung Quốc.

Mỹ gây áp lực để buộc các đồng minh cứng rắn với Bắc Kinh - không chỉ về thương mại mà bao gồm cả những hợp tác về mặt tình báo và quốc phòng. Việc Mỹ thuyết phục nhiều nước khác cấm cửa tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc là một ví dụ.

Tình thế càng khó khăn thì các nước đứng giữa càng cần cư xử khéo léo. Đặc biệt, họ phải chỉ ra rằng tốt hơn cả là cùng tìm ra nền tảng chung và các hành vi ứng xử chấp nhận được.

Có thể xem Israel là một trường hợp điển hình. Năm nay kỷ niệm 27 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Israel và Trung Quốc. Hai nước kỳ vọng hoàn tất thỏa thuận tự do thương mại trong năm 2019 trong khi Israel là nước bán nhiều vũ khí hiện đại cho Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ đang không ngừng "kéo" đồng minh Trung Đông ra xa khỏi Bắc Kinh.

Thế cửa giữa - Ảnh 1.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Ảnh: EPA

Mâu thuẫn mới nhất xuất hiện ở Haifa, cảng lớn nhất của Israel đồng thời là nơi neo đậu của Hạm đội 6 (Mỹ). Hồi tháng 10 năm ngoái, một tàu chiến thuộc hạm đội này không chịu vào cảng Haifa với lý do lo ngại về an ninh và tình báo.

Đằng sau hành động đó, Mỹ muốn Israel hủy bỏ thỏa thuận cho phép Tập đoàn Cảng quốc tế Thượng Hải của Trung Quốc vận hành cảng container của Haifa trong vòng 25 năm (tính từ năm 2021).

Không chỉ với Israel, Bắc Kinh cần duy trì quan hệ tốt với Trung Đông bởi đây vẫn là nguồn cung cấp dầu và năng lượng quan trọng cho họ. Do đó, Bắc Kinh phải tìm cách trấn an Washington rằng họ không có ý định chen chân vào giữa Mỹ và các đồng minh thân cận.

Tình hình tương tự ở châu Âu và châu Á. Trung Quốc phải nhận ra rằng chiêu "đôi bên cùng thắng" không còn đắc dụng tại những châu lục này, bởi Mỹ sẽ nhúng tay vào ngay khi nhận thấy đối thủ đang tăng cường ảnh hưởng lên bất cứ đồng minh then chốt nào của mình.

Tính đa nghi của Mỹ đối với Trung Quốc càng tăng, họ càng sẵn sàng dùng lại các biện pháp bao vây và kiềm chế trước đây. Vấn đề là kinh tế Trung Quốc hiện kết nối sâu rộng trên toàn cầu và nếu kinh tế Trung Quốc gặp trục trặc, phần còn lại của thế giới cũng chẳng sung sướng gì. Đó là lý do những nước thân thiện với cả Mỹ và Trung Quốc phải đóng vai trò trung gian hòa giải. Không có gì nguy hiểm hơn khi cả thế giới bị kẹp chặt giữa 2 siêu cường.

Theo Xã luận của báo South China Morning Post (Hồng Kông)

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên