The Diplomat: Đâu là yếu tố chính giúp Việt Nam có cơ hội lớn hơn trong phục hồi hậu Covid-19?
Điểm mấu chốt trong thành công của Việt Nam chính là việc cơ cấu nền kinh tế đang dần chuyển dịch khỏi sở hữu nhà nước, đặc biệt trong các lĩnh vực cạnh tranh như dệt may và bán lẻ.
- 13-02-2021Shark Bình: Khi làm startup kiểu ‘con gián’, tôi thanh thản và sung sướng hơn rất nhiều!
- 12-02-2021Từ tháng 3/2021, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với DN khoa học và công nghệ
- 12-02-2021Chuyện ít biết về vợ chồng doanh nhân đưa nhà máy in 3D sợi carbon lớn nhất thế giới về Việt Nam
Theo The Diplomat (Hoa Kỳ), Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng Covid-19 tốt hơn hầu hết các quốc gia khác trên thế giới. Bên cạnh đó, bất chấp những xáo trộn trên thị trường toàn cầu, nền kinh tế đã tăng trưởng gần 3% trong năm 2020, thặng dư thương mại khoảng 19 tỷ USD. Đồng thời, dòng vốn đầu tư vẫn liên tục đổ vào mạnh mẽ, giúp đất nước tăng vị thế để phục hồi sau đại dịch.
Làm thế nào mà Việt Nam lại có kết quả tốt như vậy?
Câu trả lời ngắn là do nền kinh tế đã trải qua nhiều thay đổi lớn về cơ cấu trong những thập kỷ vừa qua, lấy đầu tư tư nhân và thương mại làm động cơ tăng trưởng. Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng đáng kể, với dòng vốn ròng đạt 15,6 tỷ USD vào năm 2019.
Tuy nhiên, thành công của Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư và thương mại quốc tế chỉ là một phần nhỏ, mà trọng tâm là những thay đổi đáng kể trong mối quan hệ giữa nhà nước và nền kinh tế. Trong nhiều năm, nhà nước đã cố gắng rút bớt quyền sở hữu trực tiếp đối với các lĩnh vực then chốt. Nhìn chung, nỗ lực tư nhân hóa đã đóng vai trò quan trọng đối với mô hình phát triển thân thiện của thị trường Việt Nam.
Trong khi tại Indonesia, nhiều tài sản thuộc sở hữu nhà nước bị bán tháo nhằm huy động vốn trong giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á, Việt Nam lại tiến hành một cách bài bản và từ từ, điển hình như chuyển các công ty nhà nước thành công ty cổ phần mà nhà nước vẫn là cổ đông đa số. Như vậy, đây không thể là một quá trình diễn ra một cách nhanh chóng.
Trong quá khứ, The Diplomat cũng đưa tin, năm 2017 được coi là một bước ngoặt đối với nỗ lực thoái vốn của nhà nước, khi Việt Nam lên kế hoạch 375 công ty sẽ được hoàn thiện để cổ phần hóa vào năm 2020. Kế hoạch này được đưa ra vào thời điểm "gã khổng lồ" đồ uống ThaiBev mua lại 54% cổ phần của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Trước đó, Nhà nước vẫn nắm gần 90% vốn điều lệ của Sabeco và Bộ Công thương đóng vai trò là người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này.
Mặc dù tốc độ cổ phần hoá không đạt như dự kiến đối với một số lĩnh vực cụ thể, nhưng tổng thể, các doanh nghiệp tư nhân ngày càng đóng vai trò chủ chốt trong nền kinh tế. Điển hình, năm 2019, ThaiBev đã đầu tư thêm 3,85 tỷ USD vào Vietnam Beverage, một công ty con kiểm soát 54% cổ phần của tập đoàn Thái Lan tại Sabeco.
Điểm thú vị là hầu hết doanh thu của Sabeco không phải từ xuất khẩu, mà 99% doanh thu năm 2019 lại từ bán hàng nội địa. Trong khi FDI thường gắn liền với sản xuất và xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài thì nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam lại nhằm mục đích tận dụng thị trường nội địa đang phát triển mạnh mẽ.
Như vậy, nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng tự do, hấp dẫn các nhà đầu tư. Điểm mấu chốt là cơ cấu nền kinh tế đang dần chuyển dịch khỏi sở hữu nhà nước, đặc biệt trong các lĩnh vực thực sự cạnh tranh như dệt may và bán lẻ.
Đầu tư nước ngoài và xuất khẩu ổn định đang thúc đẩy thặng dư thương mại cũng như tạo công ăn việc làm, đóng vai trò quan trọng trong thành công của Việt Nam tính đến nay. Cuối cùng, chính sự tổng thể của những yếu tố trên kết hợp với nhau đã mang lại cho Việt Nam cơ hội lớn hơn khi đối phó với đại dịch và sẽ giúp phục hồi nhanh chóng khi dịch bệnh chấm dứt.