MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

The Diplomat: Việt Nam vẫn là điểm đến hàng đầu với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc

The Diplomat: Việt Nam vẫn là điểm đến hàng đầu với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc

Khi đa dạng hóa chuỗi cung ứng trở thành một xu hướng trong dài hạn, một số nước châu Á đang tìm cách để trở thành một lựa chọn thay thế hấp dẫn cho Trung Quốc.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 đã dẫn đến thực trạng các doanh nghiệp phải tìm kiếm các đối tác bên ngoài Trung Quốc nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp của mình. Trong bối cảnh như vậy, chiến lược "Trung Quốc +1" đã ra đời.

Cụ thể, các công ty đa quốc gia đang tìm cách chuyển hướng các trung tâm sản xuất và phân phối sang một vài quốc gia lân cận bên ngoài Trung Quốc. Trên cơ sở đó, một số các quốc gia châu Á như Thái Lan, Malaysia và Việt Nam đã vạch ra những kế hoạch nhằm thu hút vốn đầu tư từ những doanh nghiệp này.

Thái Lan đã đạt được những bước tiến về đơn giản hóa việc giao thương, cải cách các quy trình xin giấy phép xây dựng và đưa ra các chính sách nhằm bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Kết quả là, ngay trong quý 1/2021, dòng vốn FDI kế hoạch đổ vào Thái Lan đã tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Y tế là lĩnh vực thu hút nhiều dự án FDI nhất, tiếp theo đó là các ngành sản xuất như kim loại và chế tạo máy móc. Các đơn đăng kí dự án FDI chủ yếu đến từ khu vực hành lang kinh tế phía Đông của Thái Lan, bao gồm các tỉnh Chonburi, Rayong và Chachoengsao, với số lượng đơn đăng ký đầu tư nhiều hơn 39% trên tổng số đơn đăng ký trong quý 1/2020.

Malaysia cũng là quốc gia nhận được ngày càng nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Một phần là nhờ hệ thống luật pháp mạnh, cũng như mạng lưới viễn thông và internet phát triển. Lượng vốn FDI chảy vào nước này đã tăng 383,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.

Phần lớn khoản đầu tư tập trung ở Penang – khu vực tập trung các hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Trong tương lai, Chương trình Kế hoạch chi tiết Kỹ thuật số của Malaysia dự kiến ​​sẽ cải thiện hơn nữa dòng vốn FDI vào phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số phần mềm và phần cứng.

Đáng chú ý nhất phải kể đến Việt Nam, quốc gia láng giềng với Trung Quốc và là một phần quan trọng của chiến lược "Trung Quốc +1" không chỉ đối với các doanh nghiệp phương Tây, mà còn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc. Trong khi cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn còn hạn chế, nhưng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra lộ trình phát triển quy hoạch tổng thể về cơ sở hạ tầng giao thông tầm nhìn đến năm 2030.

Cụ thể, Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng 5.000 km đường cao tốc, cảng nước sâu, các tuyến đường sắt cao tốc và hoàn thành Sân bay Quốc tế Long Thành gần TP. Hồ Chí Minh. Đây đều là những dự án trọng điểm của quốc gia, bởi các cảng quốc tế của Việt Nam hiện nay đều đang ở trong tình trạng quá tải - khó bắt kịp nhu cầu ngày càng tăng về sản xuất và xuất khẩu.

Một số doanh nghiệp Trung Quốc đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu trong suốt giai đoạn diễn ra thương chiến. Những doanh nghiệp này bao gồm HL Corp, một nhà sản xuất phụ tùng xe đạp; Thâm Quyến H&T Intelligent Controls, một công ty chuyên về các bộ điều khiển thông minh; và TCL Technology, một nhà sản xuất thiết bị điện tử.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đang thu hút một lượng đáng kể vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và không ngừng xây dựng các khu kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng liên tục. FDI vào Trung Quốc trong quý 1/2021 lên tới 46,38 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 24,8% so với năm 2019. Phần lớn FDI tập trung vào dịch vụ và các ngành công nghiệp công nghệ.

Dòng vốn FDI vào Trung Quốc có thể tăng hơn nữa. Một số nhà phân tích dự đoán rằng các doanh nghiệp có khả năng chuyển hoạt động sản xuất quay trở lại Trung Quốc hoặc tạm dừng kế hoạch rời khỏi Trung Quốc do dịch Covid-19 ở Việt Nam và Ấn Độ bùng phát trở lại. Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết: "Hiện tại, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 30% so với tháng 5/2021. Nếu chuỗi cung ứng ở Ấn Độ và Việt Nam bị gián đoạn trong một thời gian dài, tốc độ này có thể sẽ tiếp tục tăng trong năm tới".

Chiến lược "Trung Quốc + 1" đang có hiệu quả đối với một số doanh nghiệp. Một yếu tố cốt lõi quyết định đến tính bền vững của chiến lược này đó là tốc độ hoàn thiện quá trình xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng của các nền kinh tế ngoài Trung Quốc.

Các doanh nghiệp lựa chọn đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở các nước Đông Nam Á có thể sẽ tiếp tục tận dụng lợi thế từ chiến dịch để tiếp cận các quốc gia châu Á khác. Hơn nữa, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết vào tháng 11/2020 sẽ cho phép các doanh nghiệp có chuỗi cung ứng tập trung ở các nước châu Á sử dụng các quy tắc xuất xứ chung cho toàn khối. Điều này đồng nghĩa với việc hiệp định này sẽ cho phép các nước RCEP chỉ sử dụng một chứng chỉ xuất xứ duy nhất.

Có thể nói, chiến lược "Trung Quốc+1" đã trở thúc đẩy các công ty có ý định đầu tư vào các quốc gia châu Á và có khả năng tiếp tục trong dài hạn. Ngay cả khi một số công ty tập trung sản xuất nhiều hơn ở Trung Quốc trong ngắn hạn thì những quốc gia như Thái Lan, Malaysia và Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục là một sự lựa chọn thu hút các nhà đầu tư. Đặc biệt là khi các quốc gia Đông Nam Á này đang tiếp tục đẩy nhanh quá trình xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực sản xuất.

Quỳnh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên