MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

The Economist: Dù Taper tantrum có xảy ra, nhà đầu tư vẫn phải học cách thích nghi với mỗi động thái của Fed

21-06-2021 - 15:25 PM | Tài chính quốc tế

The Economist: Dù Taper tantrum có xảy ra, nhà đầu tư vẫn phải học cách thích nghi với mỗi động thái của Fed

Kể từ tháng 11, nhà đầu tư đã kiếm tiền trên TTCK bằng cách đặt cược vào sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tâm lý lạc quan đã thay đổi vào ngày 16/6, sau khi Fed đưa ra động thái sẽ nâng lãi suất.

Trong 7 tháng, hầu hết các nhà đầu tư đều có chung một "bài hát" về sự thăng hoa. Kể từ khi Pfizer và BioNTech công bố thử nghiệm thành công vắc-xin Covid-19 vào tháng 11, nhà đầu tư đã kiếm tiền trên TTCK bằng cách đặt cược vào sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu, bởi nhu cầu bị dồn nén sẽ sớm được giải tỏa.

Kiểu giao dịch theo kỳ vọng lạm phát (reflation trade) đã nâng giá của các loại hàng hóa được sử dụng trong xây dựng, ví dụ như đồng và gỗ xẻ, lên mức cao kỷ lục. Hơn nữa, cổ phiếu tại các thị trường toàn cầu, đặc biệt là những công ty chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, cũng thăng hoa. 

Ngoài ra, đồng tiền tệ của các thị trường mới nổi – vốn được hưởng lợi nhiều hơn từ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, cũng tăng giá so với đồng USD và đồng euro. Lợi suất trái phiếu tăng cùng kỳ vọng tăng trưởng và lạm phát.

Song, những diễn biến đó đã thay đổi vào ngày 16/6, sau khi Fed đưa ra động thái sẽ nâng lãi suất khi một thời gian dài đã giữ ở mức gần 0. Trái phiếu ngắn hạn và cổ phiếu đồng loạt rớt giá, cũng giống diễn biến của các loại hàng hóa liên quan đến hoạt động xây dựng. Sau 1 tuần căng thẳng, một số nhà đầu tư có thể bắt đầu tuần giao dịch mới với sự lo lắng.

Tâm lý hào hứng trong vài tháng qua được củng cố một phần bởi quan điểm cho rằng Fed sẽ duy trì chính sách tiền tệ được nới lỏng. Do đó, nỗi lo sợ đã xuất hiện, khi chủ tịch Fed – Jerome Powell, đưa ra tín hiệu rằng NHTW có thể sẽ cân nhắc thắt chặt chính sách "sớm hơn dự đoán trước đây".

The Economist: Dù Taper tantrum có xảy ra, nhà đầu tư vẫn phải học cách thích nghi với mỗi động thái của Fed - Ảnh 1.

Ngoài ra, ông Powell còn cho biết, Fed sẽ bắt đầu thảo luận về thời điểm giảm quy mô mua tài sản từ mức 120 tỷ USD mỗi tháng ở hiện tại. Mọi nghi ngờ về thông báo này ngay lập tức bị dập tắt sau 2 ngày, khi Chủ tịch Fed St. Louis – James Bullard, chia sẻ rằng đợt nâng lãi suất đầu tiên có thể diễn ra vào năm 2022.

Trước đó, Fed tỏ ra khá thờ ơ ngay cả khi các dấu hiệu tăng trưởng quá nóng trong nền kinh tế Mỹ ngày càng rõ ràng. Chỉ số PCE lõi – thước đo mục tiêu lạm phát của Fed, đã tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái vào cuối tháng 4. Trong khi đó, CPI tăng từ dưới 2% vào tháng 2 lên 5% vào tháng 5.

Những bằng chứng cho thấy lạm phát đang tăng nóng là rất nhiều, từ thị trường nhà đất cho đến hóa đơn hàng tạp hóa, giá xăng và phí Uber đều tăng vọt. Tuy nhiên, các quan chức Fed lại cho rằng tình trạng này chỉ là tạm thời và họ sẽ cân nhắc về những tác động từ đó. Nhà đầu tư đã tin vào lời nhận xét này.

Viễn cảnh động thái của Fed ảnh hưởng đến lạm phát và kìm hãm đà tăng trưởng đã tác động đến giá cổ phiếu và hàng hóa. S&P 500 đã giảm 2% vào tuần trước. Các cổ phiếu giá trị - vốn có hiệu suất tốt kể từ tháng 11, đã chịu ảnh hưởng nặng nề. Đồng rớt giá, giảm 8% trong tuần trước và gỗ xẻ cũng giảm 15%.

Fed còn khiến những nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở những nơi khác phản ứng không kịp. Một trong số họ đã hoặc sẽ tổ chức cuộc họp trong tuần này, sau sự kiện của NHTW Mỹ. Khi Fed lần đầu triển khai một biện pháp kích thích hậu khủng hoảng vào năm 2013, sự kiện "taper tantrum" đã nổ ra. Các đồng tiền tệ của những thị trường nổi, đặc biệt là Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm mạnh so với đồng USD.

The Economist: Dù Taper tantrum có xảy ra, nhà đầu tư vẫn phải học cách thích nghi với mỗi động thái của Fed - Ảnh 2.

Ngày 16/6, NHTW Brazil đã nâng lãi suất từ 3,5% lên 4,25%, đợt nâng thứ 3 kể từ tháng 2, bất chấp những thiệt hại mà Covid-19 đã gây ra cho nền kinh tế nước này. Đồng tiền tệ của 4 quốc gia còn lại giảm từ 1-4% so với đồng USD kể từ sau cuộc họp của Fed. Chỉ số đồng USD so với các đồng tiền của những nền kinh tế hàng đầu khác cũng tăng 1,9% trong tuần trước.

Khi tuần mới bắt đầu, nhà đầu tư sẽ đặt câu hỏi liệu sự thay đổi của Fed sẽ tạo ra những phản ứng mạnh mẽ như vậy hay không, hoặc thị trường đã phản ứng hơi thái quá. Khi nhiều nhà đầu tư nắm giữ các danh mục có cùng vị thế, họ có thể buộc phải tháo chạy nhanh chóng nếu diễn biến thị trường đang chống lại họ. Việc thanh lý vị thế có thể dẫn đến biến động mạnh. Song, "reflation trade" có thể vẫn phát huy tác dụng khi quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn ban đầu và từ nay đến cuối năm 2022 là cả một chặng đường dài.

Tuy nhiên, đối với những nhà đầu tư cắt giảm vị thế với các đồng tiền tệ của thị trường mới nổi, thì cổ phiếu giá trị và đồng sẽ thuyết phục họ rằng một giai đoạn mới cho thị trường và nền kinh tế đã bắt đầu. Giá gỗ xẻ giảm trước cuộc họp của Fed do cơn sốt cải tạo nhà hạ nhiệt. Chi tiêu bằng thẻ tín dụng tăng 20% so với 2 năm trước, nhưng tốc độ đã chậm lại trong tháng này còn 16,5%, theo Bank of America.

Ngay sau đó, nhà đầu tư sẽ nhận ra đâu là khoản đặt cược thành công tiếp theo. Tuy nhiên, đối với những người vẫn vội vã tìm kiếm dấu hiệu từ Fed, thì họ có thể mong đợi những lần xuất hiện trước công chúng của giới chức NHTW – bao gồm cả ông Bullard và Powell, trong tuần này.

Tham khảo Economist

Lục Lam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên