The Economist: Người thắng, kẻ thua sau Covid-19
Suy thoái kinh tế là một cơ chế phân loại của thị trường: Các doanh nghiệp yếu kém hoặc sẽ thu hẹp quy mô, hoặc thất bại lập tức. Trong khi đó, các doanh nghiệp mạnh lại ngày càng mạnh hơn. Nhưng năm 2020, quá trình này lại không diễn ra theo cách "điển hình" như vậy.
- 18-02-2021Thủ tướng: 'Cần đảm bảo cân đối vĩ mô năm sau tốt hơn năm trước'
- 17-02-2021Ngân hàng Thế giới lý giải nguyên nhân sản xuất công nghiệp Việt Nam tháng 1 tăng cao hơn trước đại dịch
- 17-02-2021Hàng hóa, dịch vụ nào được phép hoạt động ở Hải Dương từ ngày 16/2?
Bởi vậy mà trên thị trường mới có những doanh nghiệp thực sự bùng nổ như các doanh nghiệp thương mại điện tử, và những doanh nghiệp suy sụp bất ngờ, mà điển hình ở đây là doanh nghiệp trong ngành du lịch. Do vậy, chính phủ nhiều quốc gia đã nhanh chóng tìm cách hỗ trợ các doanh nghiệp, "cứu sống" họ cũng như nền kinh tế.
Bước sang năm 2021, bức tranh nền kinh tế sẽ trở nên rõ hơn khi các hỗ trợ từ chính phủ giảm dần và nhiều công ty không đủ tiềm lực để trụ vững. Đồng thời, các doanh nghiệp bền vững sẽ tăng cường đầu tư nhằm dành lợi thế trong dài hạn. Tuy nhiên, những gã khổng lồ dẫn đầu thị trường này sẽ phải đối mặt với môi trường mới, trong đó 3 nguyên lý chính: quyền lợi của các cổ đông, yếu tố về toàn cầu hóa và hạn chế sự can thiệp của chính phủ - đang dần thay đổi.
Suy thoái kinh tế hiếm khi xảy ra, nhưng một khi xảy ra sẽ rất nhanh chóng. Tính từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, tỷ lệ thời gian Mỹ rơi vào suy thoái đến nay chỉ 14%. Song, tác động của các suy thoái đến cấu trúc doanh nghiệp thì lại vô cùng sâu sắc. Trong 3 cuộc suy thoái trước đó, giá cổ phiếu các doanh nghiệp hàng đầu trong 10 ngành của Mỹ tăng trung bình 6%, trong khi giá cổ phiếu các doanh nghiệp nhóm dưới cùng giảm tới 44%.
Trong cuộc suy thoái lần này, bức tranh các doanh nghiệp thắng lợi lại càng rõ hơn. Triển vọng tại Thung lũng Silicon tăng đáng kể khi ngày càng nhiều người dùng chuyển sang sử dụng các dịch vụ số. Trung Quốc cũng đã đạt những thành tựu vượt bậc khác, đặc biệt khi năm ngoái, hãng nước đóng chai Nongfu Spring lần đầu niêm yết trên sàn chứng khoán (IPO) đã chứng minh sức mạnh và chiều sâu của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc.
Hiện nay, vốn hóa thị trường của nhóm doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán thế giới (bao gồm cả Hồng Kông) đạt 17%. Trước giai đoạn đại dịch Covid-19, con số này là 15%, và một thập kỷ trước là 13%.
Người thắng, kẻ thua
Còn nhiều câu chuyện kinh doanh thành công đáng ngạc nhiên hơn. Gia đình Poonawalla ở Ấn Độ, những người cho đến gần đây vẫn nổi tiếng với các trang trại nuôi ngựa giống cũng như kinh doanh vaccine, đã chứng kiến tài sản tăng 62% lên 14 tỷ USD, theo Bloomberg. Hay như vận tải container - lĩnh vực đã mất nhiều năm để tìm ra cấu trúc hoạt động hiệu quả, nay có triển vọng vô cùng lớn mà điển hình là Maersk - hãng tàu container lớn nhất thế giới.
SoftBank, một tập đoàn Nhật Bản nổi tiếng đã biến khủng hoảng thành cơ hội bằng cách công bố bán tài sản trị giá 80 tỷ USD. Các công ty khai thác vàng, từ lâu được coi là "tiền chết", đang trở lại thị trường do nhiều nhà đầu tư tin rằng lạm phát sẽ xảy ra trong tương lai, do đó vàng là lựa chọn an toàn bởi đây là một trong số ít tài sản giữ được giá trị của nó.
Vậy còn những doanh nghiệp đang suy sụp? Nhìn tổng thể, hoạt động kinh doanh đang ở tình trạng tồi tệ hơn so với thời kỳ khủng hoảng nợ dưới chuẩn: Trong nửa đầu năm 2020, hơn 40% trong số 3.000 công ty niêm yết hàng đầu của Mỹ làm ăn thua lỗ, so với chỉ hơn 1/3 năm 2009. Song, tỷ lệ vỡ nợ tại Mỹ vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 5% trái phiếu rủi ro cao không trả được nợ và khoảng 4% thẻ tín dụng doanh nghiệp bị nợ đọng.
Bước sang năm 2021, "hiện thực" này sẽ không còn tồn tại lâu nữa. Chính phủ các nước sẽ cắt giảm các khoản viện trợ mới, thay vì tập trung "cứu" các doanh nghiệp riêng lẻ, họ sẽ hướng tới việc đảm bảo người lao động được hỗ trợ khi mất việc làm.
Khoảng cách giữa các doanh nghiệp sẽ ngày càng lớn bởi các doanh nghiệp mạnh sẽ tiếp tục đầu tư, trong khi các doanh nghiệp khác lại thu hẹp quy mô. Đến giữa năm 2020, chi phí tài sản cố định tại 10 doanh nghiệp Mỹ lớn nhất vẫn tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đã giảm 82% ở 1.000 doanh nghiệp nhỏ nhất.
Các doanh nghiệp đột phá trong cuộc suy thoái 2020-2021 sẽ có xu hướng trở thành các doanh nghiệp lớn được hưởng lợi từ sự bùng nổ công nghệ, đặc biệt ở châu Á và châu Mỹ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng sẽ phải đối mặt với một môi trường phức tạp hơn sau đại dịch, khi các quy tắc giữa doanh nghiệp và xã hội thay đổi.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ chịu áp lực từ việc cần quan tâm ít hơn đến cổ đông và nhiều hơn đến người lao động. Tốc độ mua lại cổ phiếu toàn cầu gần như giảm một nửa vào giữa năm 2020 và sẽ không phục hồi hoàn toàn, ngay cả khi lợi nhuận phục hồi. Gián đoạn trong hội nhập toàn cầu dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp đa quốc gia phải thu hẹp quy mô hoạt động trong một quốc gia, từ đó hiệu quả kinh doanh giảm mạnh.
Chính phủ các nước cũng sẽ can thiệp sâu hơn, điển hình như tăng thuế và mức độ điều tiết. Trước đó, mức thuế hiệu dụng trung bình phải trả của 3.000 doanh nghiệp hàng đầu trên toàn cầu đã giảm từ 33% hai thập kỷ trước xuống chỉ còn 22% hiện nay. Nhưng chắc chắn mức thuế này sẽ sớm tăng trở lại. Cuối cùng, khi cuộc suy thoái qua đi, doanh nghiệp sẽ chấn động, cũng như các quy tắc trên thị trường.