MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhật Bản có thể vực dậy đồng yên khỏi đáy lịch sử?

04-05-2024 - 08:45 AM | Tài chính quốc tế

Đồng yên tăng giá trong những ngày gần đây làm dấy lên suy đoán Chính phủ Nhật Bản có thể đã chi tới 60 tỷ USD nhằm can thiệp hỗ trợ đồng nội tệ.

Nhật Bản có thể vực dậy đồng yên khỏi đáy lịch sử?- Ảnh 1.

Các nhà đầu tư rất dễ mất tiền trên thị trường tài chính. Các chính phủ còn dễ mất hơn. Vào năm 2022, Nhật Bản đã chi hơn 60 tỷ USD dự trữ ngoại hối để lần đầu tiên can thiệp đẩy giá đồng yên trong gần một phần tư thế kỷ. Lúc ấy, đồng yên giảm xuống mức 146 yên đổi 1 USD.

Và kết quả là, đồng yên hiện vẫn yếu. Các nhà hoạch định chính sách lại đang lặp lại sai lầm. Sau khi đồng tiền này giảm xuống còn 160 yên/USD vào ngày 29/4 – mức thấp nhất trong 34 năm, nó đột ngột tăng mạnh, làm dấy lên suy đoán rằng rằng chính phủ có thể đã bơm tới 60 tỷ USD để giải cứu đồng yên.

Đồng yên giảm chủ yếu bởi logic kinh tế đơn giản. Chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ đang ngày càng lớn. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã tăng lãi suất vào tháng 2 nhưng ở mức rất thấp: Lãi suất tăng từ -0,1%-0% lên 0%-0,1% Ngược lại, lãi suất ở Mỹ hiện là 5,25%-5,5%. Các nhà đầu tư kỳ vọng khoảng cách sẽ bị thu hẹp theo thời gian nhưng cũng sẽ không nhiều. Kết quả là trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm chỉ có lãi suất 0,9%, so với 4,6% của Mỹ.

Bên cạnh đó, mức chênh lệch lớn cũng đến từ khác biệt trong triển vọng lạm phát. Hiện vẫn chưa thể khẳng định Nhật Bản đã thoát khỏi bẫy lạm phát thấp – và đôi khi là giảm phát – mà nước này đã mắc kẹt kể từ những năm 1990 một cách rõ ràng như thế nào. Mặc dù lạm phát hàng năm đã cao hơn mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương trong gần hai năm, nhưng có những dấu hiệu cho thấy lạm phát đang giảm tốc.

Những người ấn định tỷ giá tại BOJ dường như quan tâm đến việc đạt được mục tiêu lạm phát hơn là sử dụng chính sách tiền tệ để hỗ trợ đồng yên. Do đó, triển vọng lãi suất của Nhật Bản nhìn chung khác xa so với Mỹ khi mà ngày càng có nhiều lo ngại rằng lạm phát ở Mỹ sẽ không giảm như dự kiến và khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trì hoãn cắt giảm lãi suất.

Tác dụng phụ không thể tránh khỏi của lãi suất thấp là đồng tiền yếu. Lãi suất cao hơn ở nước ngoài mang lại lợi nhuận cho hoạt động “carrytrade” – trong đó các nhà đầu tư vay bằng đồng yên và đầu tư bằng đô la, dẫn đến đồng yên suy yếu và đồng bạc xanh tăng giá.

Sau lần can thiệp vào năm 2022, sự khắc nghiệt của logic kinh tế tạm thời bị lu mờ bởi sự may mắn. Đến cuối năm đó, lãi suất trái phiếu của Mỹ giảm, khiến đồng yên tăng giá trong những tháng sau khi can thiệp nhưng lại trượt dốc vào năm sau. Không có gì đảm bảo rằng quy trình này sẽ lặp lại trong lần này. Thay vào đó, việc cưỡng lại sự điều chỉnh có thể sẽ nhanh chóng tạo ra cơ hội cho các nhà đầu cơ – những người sẵn sàng tiếp tục ép tỷ giá hối đoái về mức tùy chỉnh theo chênh lệch lãi suất.

Chính phủ Nhật Bản được cho là đã can thiệp bởi sự kết hợp giữa tính toán chính trị và lòng tự hào dân tộc. Đồng yên rẻ hơn khiến hàng nhập khẩu, đặc biệt là năng lượng, trở nên đắt hơn. Lần can thiệp này có thể đã khiến gần 1,3 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối của nước này giảm đáng kể. Nhưng thật lãng phí khi bơm tiền để so găng với các nhà giao dịch tiền tệ – những người dựa vào lựa chọn không chạy theo Fed của các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản để có lý do chính đáng bán đồng yên và mua đô la.

Theo The Economist, Reuters

Yến Nguyễn

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên