MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Thế giới cần sẵn sàng cho một cuộc bầu cử Mỹ đầy tranh cãi'

01-11-2020 - 09:39 AM | Tài chính quốc tế

Các nền dân chủ trên khắp thế giới nên chuẩn bị tâm lý chờ đón kết quả đầy tranh cãi của một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất lịch sử Mỹ, giáo sư Timothy Garton Ash bình luận.

Timothy Garton Ash là giáo sư Đại học Oxford, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hoover. Dưới đây là bài viết "Thế giới cần sẵn sàng cho một cuộc bầu cử Mỹ gây tranh cãi" của ông trên Financial Times.

Rút kinh nghiệm từ những xáo trộn trong cuộc bầu cử gây tranh cãi năm 2000, họ cần chuẩn bị một phương án phối hợp không chính thức. Theo chia sẻ từ các nhà quan sát bầu cử quốc tế, ủy ban bầu cử Mỹ nên bình tĩnh chờ đợi thời điểm hệ thống phi tập trung và phức tạp của Mỹ đưa ra một kết quả rõ ràng.

Năm 2000, các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới rơi vào tình trạng bối rối. Trong đó phải kể đến tổng thống Đức, ban đầu chúc mừng George W. Bush thắng cử nhưng sau đó phải rút lại. Mất tới 5 tuần sau, Tòa án Tối cao Mỹ mới đưa ra kết quả rõ ràng trong cuộc tranh cử của Bush và Al Gore.

Cuộc đua năm nay còn “rối ren” hơn nhiều so với năm 2000. Do Covid-19, hơn một nửa số cử tri dự định bỏ phiếu qua đường bưu điện. Điều này khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn ngay cả khi tình hình tại Mỹ bình lặng. Nhưng bối cảnh chính trị và truyền thông của Mỹ hiện đã phân cực trái chiều đến mức mỗi bên đều có những lý lẽ riêng, không được bên còn lại công nhận.

 Thế giới cần sẵn sàng cho một cuộc bầu cử Mỹ đầy tranh cãi  - Ảnh 1.

Một sự kiện vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang bức xúc và nghi ngờ về tính hợp pháp của quy trình bầu cử, đặc biệt là các phiếu bầu gửi qua đường bưu điện. Ông đã đăng trên Twitter cá nhân rằng "Đây sẽ là cuộc bầu cử gian lận nhất lịch sử Mỹ!".

Bối cảnh quốc tế hiện nay cũng kém thuận lợi hơn.

Nếu kết quả các cuộc thăm dò dư luận hiện tại chuyển thành phiếu bầu tại các bang chiến địa, có thể không cần phải dùng đến các kế hoạch dự phòng. Nếu ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden chiến thắng tại các bang then chốt trong đêm bầu cử, các thành viên đảng Cộng hòa nên nhanh chóng khuyên Tổng thống Trump chấp nhận kết quả.

Nhưng khi các cử tri đảng Cộng hòa yêu cầu bỏ phiếu qua thư, có nhiều khả năng ông Trump sẽ dẫn đầu trong đêm bầu cử và sau đó ông Biden sẽ “chiếm lợi thế” khi các phiếu bầu qua bưu điện được kiểm tra. Kịch bản "chuyển xanh" này có nghĩa là sẽ có rất nhiều ngày thậm chí nhiều tuần tranh cãi, từ các điểm bỏ phiếu, cơ quan quản lý bầu cử quận, thành phố và tiểu bang, đến các tòa án tiểu bang và liên bang.

 Thế giới cần sẵn sàng cho một cuộc bầu cử Mỹ đầy tranh cãi  - Ảnh 2.

Tỷ lệ ủng hộ Trump và Biden trong các kết quả thăm dò tại Mỹ.

Một kịch bản tồi tệ hơn nữa là kết quả cuối cùng có thể dựa vào phán quyết của Tòa án Tối cao, và ngay cả nội bộ Tòa án cũng tồn tại nhiều bất đồng đảng phái sâu sắc. Điều này gợi nhớ tới cuộc đối đầu giữa Bush và Gore trước đây. Trong trường hợp xấu nhất, cuộc tranh cãi có thể kéo dài đến tháng 1/2021 giữa bối cảnh tiềm ẩn bạo lực, thị trường chao đảo và bất ổn toàn cầu.

Do đó, phản ứng bình tĩnh và thận trọng từ các nền dân chủ khác trên thế giới sẽ phù hợp nhất trong kịch bản “chuyển xanh” này. Họ sẽ có hàng nghìn nhà ngoại giao và nhà báo vào cuộc. Truyền thông Mỹ và quốc tế sẽ đưa tin rộng rãi về sự kiện này, cùng với đó, Facebook và Twitter sẽ cố gắng ngăn chặn thông tin sai lệch bằng mọi giá. Mặc dù kết quả gây tranh cãi đi chăng nữa nhưng không có nghĩa là không có kết quả nào. Một nhiệm vụ quan trọng của các nền dân chủ tự do là ủng hộ và bảo vệ chúng.

Để làm được điều này, họ có thể dựa vào phái đoàn giám sát bầu cử của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) gồm có 57 thành viên trong đó có Mỹ. Tổ chức này đã dẫn đầu khoảng 370 cơ quan quan sát bầu cử trong 30 năm qua và phát triển, với sự giúp đỡ của Mỹ, đưa ra các phương pháp kiểm phiếu nghiêm ngặt và không thiên vị. OSCE đưa ra một báo cáo sơ bộ và sẽ tổ chức một cuộc họp báo tại Washington một ngày sau ngày bầu cử.

Nếu, giống như năm 2000, tranh chấp bầu cử được phân giải bởi Tòa án Tối cao, các nền dân chủ trên thế giới chắc chắn phải chấp nhận phán quyết đó. Tuy nhiên, ông Nathaniel Persily của Đại học Stanford cho rằng trước khi kịch bản trên xảy ra, điều mang tính quyết định là hành động của rất nhiều quan chức địa phương và tiểu bang trong hơn 10.000 khu vực pháp lý liên quan và các thẩm phán tòa án cấp dưới. Một số họ sẽ có thiên kiến nhưng phần lớn người dân Mỹ sẽ quyết tâm giúp cho hình thức bỏ phiếu rất lâu đời này trở nên công bằng và minh bạch nhất có thể trong thời đại Covid-19, chủ nghĩa dân túy. Họ xứng đáng nhận được ủng hộ thầm lặng.

Nhìn chung, ván cược lần này khá lớn. Kịch bản tệ nhất, đây là sự kiện này đánh dấu một bước thụt lùi nữa trong cuộc suy thoái dân chủ toàn cầu. Kịch bản tốt nhất, đây lại là cơ hội để tạo nên sự khởi đầu cho một cuộc đổi mới dân chủ toàn cầu, bao quát hơn.

Theo Hoa Nguyễn

NDH

Trở lên trên