Thế giới Di động (MWG): LNST 6 tháng giảm 4% xuống 2.027 tỷ, dừng chuỗi Điện thoại Siêu rẻ do không hiệu quả
Theo MWG, kết thúc mùa cao điểm máy lạnh, doanh thu riêng tháng 6/2020 của MWG giảm 8% so với cùng kỳ do sức cầu tiêu thụ các sản phẩm điện tử tiêu dùng bắt đầu bị ảnh hưởng rõ rệt.
CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) vừa công bố tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm với doanh thu thuần hợp nhất đạt 55.639 tỷ đồng, tăng 8% và lợi nhuận sau thuế đạt 2.027 tỷ đồng, giảm hơn 4% so với cùng kỳ năm 2019. Với kết quả này, MWG đã thực hiện được 51% kế hoạch doanh thu và 59% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Doanh thu online chiếm hơn 9% tổng doanh thu 6 tháng đầu năm của MWG. Nếu chỉ tính riêng chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, tỷ trọng doanh thu online của hai chuỗi này đạt khoảng 11% (tương đương giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 12/2019).
Được biết, kết thúc mùa cao điểm máy lạnh, doanh thu riêng tháng 6/2020 của MWG giảm 8% so với cùng kỳ do sức cầu tiêu thụ các sản phẩm điện tử tiêu dùng bắt đầu bị ảnh hưởng rõ rệt.
Trong bối cảnh khách hàng đang thắt chặt chi tiêu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, MWG cho biết đã đa dạng hóa danh mục sản phẩm với nhiều lựa chọn và mức giá hợp lý; đồng thời đẩy mạnh nhóm sản phẩm có biên lợi nhuận gộp tốt như gia dụng, phụ kiện, đồng hồ, thực phẩm và hàng tiêu dùng. Theo đó, biên lợi nhuận gộp bán niên vẫn đạt trên 21%, tăng so với mức 17,8% cùng kỳ 2019. Điều này giúp công ty bù đắp được tỷ lệ chi phí vận hành đang tăng lên do tỷ trọng đóng góp doanh thu của Bách Hóa Xanh ngày càng lớn và duy trì biên lợi nhuận ròng lũy kế 6 tháng ở mức 3,6%.
Một số ngành hàng có kết quả tốt như nhóm sản phẩm gia dụng và điện lạnh tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ, doanh số máy tính xách tay tăng mạnh 95%, nhóm đồng hồ bán hơn 400.000 chiếc với doanh thu 620 tỷ đồng, doanh số từ thực phẩm và hàng FMCGs gấp 2,3 lần so với bán niên 2019.
Về quy mô, trong 6 tháng đầu năm, MWG đã tăng thêm 26 cửa hàng Điện Máy Xanh, phần lớn do chuyển đổi từ cửa hàng Thế Giới Di Động. Đến cuối tháng 6, Công ty quyết định đóng toàn bộ các cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ do chưa đạt được hiệu quả kinh doanh như kỳ vọng.
Tuy nhiên, MWG cho biết thử nghiệm Điện Thoại Siêu Rẻ cũng giúp công ty có nhiều cải tiến trong quy trình vận hành cửa hàng, hoàn thiện các công cụ/ứng dụng để tăng năng suất lao động của nhân viên, tiết giảm chi phí nhân sự đáng kể để triển khai cho toàn hệ thống Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh.
Đồng thời, thử nghiệm cũng là tiền đề cho mô hình Supermini Điện Máy Xanh với diện tích nhỏ (120-150m2), cung cấp khoảng 60% danh mục các sản phẩm điện thoại – điện máy cơ bản, với đầy đủ các dịch vụ hậu mãi, hướng đến phục vụ khách hàng ở khu vực nông thôn, đi sâu vào những tuyến huyện - xã chưa có sự xuất hiện cửa các cửa hàng điện máy hiện đại.
Riêng với chuỗi Bách Hóa Xanh, Công ty mở thêm 121 cửa hàng trong tháng 6 (trung bình 4 cửa hàng mới mỗi ngày). Với mục tiêu mở rộng để độ phủ dày đặc nhằm nhanh chóng cải thiện công suất phục vụ của các kho/ trung tâm phân phối ở khu vực tỉnh, doanh thu bình quân tính cho mỗi cửa hàng ở mức 1,1 tỷ đồng.
MWG cho biết việc tập trung phát triển thị trường tỉnh dẫn đến doanh thu bình quân giảm. Con số này của tháng 3 đạt đỉnh đến 1,6 tỷ đồng/cửa hàng và giảm dần xuống 1,2 tỷ đồng trong tháng 5. Ngoài ra Bách Hóa Xanh cũng đang chịu ảnh hưởng nhất định từ yếu tố mùa vụ (mùa mưa từ tháng 6), tác động tới nguồn cung thực phẩm cũng như tình hình tiêu thụ hàng hóa vào các khung giờ cao điểm buổi chiều tối.
Với các cửa hàng kinh doanh trên 18 tháng, doanh thu bình quân là 1,4 tỷ đồng/cửa hàng và cửa hàng mở 12-18 tháng có doanh thu 1,3 tỷ đồng/cửa hàng. Với các cửa hàng dưới 12 tháng (chiếm 60% tổng cửa hàng Bách Hóa Xanh và chủ yếu đặt ở các tỉnh mới, đi sâu vào tuyến huyện-xã), doanh thu gần 1 tỷ đồng/cửa hàng nhưng chi phí vận hành cũng thấp hơn cửa hàng ở tỉnh thành lớn.
Tại cuối tháng 6, MWG có 1.486 cửa hàng Bách Hóa Xanh; trong đó chuỗi có 999 cửa hàng ở khu vực tỉnh, chiếm 67% tổng số cửa hàng (so với mức 36% cùng kỳ năm trước).
Trí Thức Trẻ