MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới nếu: Anh trở thành "Singapore bên bờ sông Thames"

05-08-2017 - 14:00 PM | Tài chính quốc tế

Sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), nước Anh thử nghiệm một mô hình kinh tế mới. Nhưng đáng buồn là kết quả không như họ mong muốn.

THE WORLD IF (tạm dịch: Thế giới nếu…) là chùm bài viết của tạp chí The Economist về những kịch bản có thể xảy ra trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học công nghệ… sẽ ảnh hưởng đến thế giới. Các giả định được đưa ra dựa trên chính những diễn biến của thế giới ở thời điểm hiện tại.

Đã hơn 1 năm trôi qua kể từ khi sự kiện Brexit xảy ra, bài viết dự báo một viễn cảnh không mấy tươi sáng cho nước Anh sau khi rời khỏi EU.

Thế giới nếu: Ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ lần 2

Thế giới nếu: Toàn bộ người dân ngồi chơi cũng được phát tiền hàng tháng​

Economist: Thế giới sẽ có thêm 78 nghìn tỷ USD nếu các nước mở cửa biên giới

Điều gì xảy ra nếu toàn bộ thế giới được vận hành bằng blockchain?

Đó là năm 2021, và Anh đã hoàn tất thủ tục rời EU dù 2 năm đàm phán Brexit chưa bao giờ thực sự xảy ra. Sau cuộc tổng tuyển cử năm 2017, đảng Bảo thủ dù là đảng lớn nhất đã không chiếm được ưu thế ở Quốc hội, dẫn đến kết quả họ phải chật vật vẽ nên 1 kế hoạch để trình lên EU. Cuối cùng, ngày 29/3/2019, Anh chính thức ra đi.

Những hậu quả đi kèm khiến nhiều người hoang mang. Các hãng hàng không của Anh bị loại khỏi khu vực bay chung của EU, vì thế không được phép cất cánh từ bất kỳ nơi nào thuộc miễn là nơi đó nằm trong lãnh thổ của 1 nước EU như trước. Ô tô – mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Anh – đối mặt với mức thuế suất 10% khi vào thị trường EU. Các nhà xuất khẩu choáng ngợp trước những thủ tục hải quan rắc rối của EU và làm hàng hóa ùn ứ. Trong khi đó đồng bảng lao dốc không phanh.

Trước tình trạng các ngân hàng ồ ạt chuyển đến Frankfurt và kinh tế Anh rơi vào trạng thái suy thoái nghiêm trọng, đảng Bảo thủ vạch ra kế hoạch để bảo tồn lợi thế cạnh tranh đang mất dần đi cho nước Anh hậu Brexit bằng cách kêu gọi cắt giảm thuế và thu hẹp quy mô Chính phủ. Đây là động thái được hậu thuẫn bởi George Osborne, người làm Bộ trưởng Tài chính Anh từ năm 2010 đến 2016 và đã cắt giảm tỷ lệ chi tiêu công/GDP từ 45% xuống còn 40% đồng thời mạnh tay giảm thuế doanh nghiệp cũng như thuế đánh vào người giàu.

Các thành viên đảng Bảo thủ phớt lờ những tiếng nói quan ngại nước Anh đang dần biến thành “Singapore bên bờ sông Thames” đang xuất hiện ngày càng nhiều trên các mặt báo. Họ cắt giảm thuế thu nhập cá nhân từ 40% xuống còn 25%, thuế thu nhập donh nghiệp giảm từ 17% xuống còn 10%.

Ban đầu, kế hoạch đem đến một vài tác động tích cực. Công ty cung cấp ứng dụng nghe nhạc trực tuyến Spotify chuyển trụ sở từ Stockholm về London. Đồng bảng yếu khiến các doanh nghiệp Anh trở thành mục tiêu thâu tóm của các doanh nghiệp nước ngoài. Unilever, một trong những công ty lớn nhất trong chỉ số FTSE, cuối cùng đã bị Kraft Heinz thâu tóm để trở thành UniKraft. Hiện UniKraft đã chuyển trụ sở sang Anh để hưởng ưu đãi thuế, còn các quyết định lớn vẫn được đưa ra ở Mỹ.

Thực tại phũ phàng

Dù tăng trưởng GDP đã khởi sắc, nền kinh tế của xứ sở sương mù vẫn không thể cải thiện. Thậm chí các dịch vụ công đã trở nên thiếu thốn.

Trước tiên hãy nhìn vào nền kinh tế. Giảm thuế doanh nghiệp và tạo ra cả những kẽ hở có thể giúp Anh thu hút các tập đoàn lớn, nhưng điều đó không giúp tạo thêm việc làm cho người Anh. Kể cả ước tính lạc quan nhất của Chính phủ Anh cũng cho rằng đầu tư tăng giúp tăng trưởng khởi sắc và doanh thu thuế tăng nhưng tất cả sẽ biến mất sau 20 năm.

Nhìn chung thì trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài Anh đã trở nên kém hấp dẫn hơn rất nhiều so với trước khi rời EU. Nó không còn nằm trong khối thị trường chung và các quy định khắt khe hơn về nhập cư khiến các doanh nghiệp không thể tìm được đủ nhân tài. UniKraft tránh được 1 khoản thuế lớn nhưng cuối cùng đã quyết định chuyển nhà máy sản xuất mù tạt Colman ở Norwich sang Ba Lan.

Đối với thuế thu nhập cá nhân cũng xảy ra tình trạng tương tự. Mức cắt giảm 15 điểm phần trăm chỉ có lợi cho 1 nhóm nhỏ, khoảng 15% số người thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Và họ có xu hướng tiết kiệm số tiền cắt giảm được thay vì chi tiêu.

Cắt giảm thuế chỉ giúp GDP tăng thêm 1 lượng nhỏ nhưng lại trở thành 1 hóa đơn quá đắt đỏ. Theo ước tính của tổ chức nghiên cứu Institute for Fiscal Studies, mỗi điểm phần trăm thuế bị cắt giảm sẽ khiến ngân sách thiệt hại khoảng 1 tỷ USD. Thêm vào đó số người có thu nhập cao đã giảm mạnh vì nhiều người giàu rời bỏ Anh.

Đối mặt với những thiệt hại từ thuế, Chính phủ Anh buộc phải cắt giảm chi tiêu. Viện trợ nước ngoài bị cắt giảm, đồng thời Bộ Chiến lược kinh doanh, năng lượng và công nghiệp phải giải thể vì bị coi là không cần thiết. Tất cả các bộ đều phải thắt lưng buộc bụng.

Điều này đặc biệt khó khăn đối với Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia (NHS). Đầu những năm 2010, 1/3 bác sĩ là người nhập cư được trả lương thấp hơn người bản xứ. Thiếu tiền, NHS khó có thể đối phó với mùa đông lạnh giá của năm 2020. Trung bình mỗi mùa đông có khoảng 30.000 người Anh qua đời, năm đó con số tăng lên 60.000.

Sự việc khiến uy tín của Chính phủ sụt giảm nghiêm trọng. Nhìn thấy cơ hội, 1 nhóm ủng hộ EU đã đứng lên thành lập đảng mới, lấy tên là Britain Up!, quy tụ gần 100 thành viên Quốc hội. Đảng này nhanh chóng thực hiện chiến dịch hứa hẹn tổ chức 1 cuộc trưng cầu dân ý về việc nộp đơn xin gia nhập lại EU. Đảng Bảo thủ thì vẫn kiên quyết Brexit là Brexit. Kết quả thăm dò cho thấy cuộc đua rất gay cấn.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên