MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới ngày càng 'khát' chip và đây là vấn đề nan giải

18-04-2021 - 19:52 PM | Tài chính quốc tế

Thế giới ngày càng 'khát' chip và đây là vấn đề nan giải

Cuộc khủng hoảng nguồn cung chip đang trở thành vấn đề nhức nhối đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong bối cảnh ngành sản xuất xe hơi đã chịu nhiều tác động từ đầu năm nay.

Thời điểm Dung, nhà sáng lập kiêm CEO của một công ty khởi nghiệp phần cứng tại thành phố Đài Bắc, nhận ra rằng ngành công nghiệp công nghệ toàn cầu đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt chip nghiêm trọng, anh cũng không thể làm gì khác.

“Khi tôi nhận ra nguồn cung loại sản phẩm này đang thiếu hụt nghiêm trọng hồi tháng 1, mọi thứ dường như đã quá muộn”, Dung, đứng đầu công ty chuyên sản xuất các dòng máy tính công nghiệp giá rẻ, chia sẻ.

“Một vài nhà cung cấp nói rằng chúng tôi có thể phải đợi tới tháng 10, thậm chí lâu hơn mới nhận được chip mà tôi đặt hàng hàng tháng trước đó. Điều đó có nghĩa công ty của tôi sẽ không thể cung cấp sản phẩm ra thị trường, ngay cả khi nhận được các đơn hàng đặt trước từ phía khách hàng”.

Doanh nghiệp của Dung, với quy mô tương đối khiêm tốn, là những nạn nhân đầu tiên phải hứng chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng nguồn cung chip toàn cầu, vốn chưa từng có tiền lệ, bắt đầu xảy ra từ cuối năm 2020. Đối với các doanh nghiệp lớn hơn, ít nhất họ vẫn có “quyền lực” mua mạnh mẽ hơn rất nhiều.

4 tháng trước, tình trạng thiếu hụt chip trở nên trầm trọng và dai dẳng tới nỗi lúc này vẫn có những ảnh hưởng nhất định tới các ông lớn ngành công nghệ như Apple và Samsung Electronics, và thậm chí đã trở thành chủ đề chính trong các mối quan hệ chính trị và ngoại giao.

Ngày 12/4, Tổng thống Joe Biden chủ trì một cuộc họp tại Nhà Trắng với lãnh đạo các tập đoàn công nghệ như Intel, TSMC, và Samsung Electronics, và các hãng sản xuất xe hơi như Ford Motors, nhằm bàn về thực trạng thiếu hụt nguồn cung chip và khả năng phục hồi của các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thế giới ngày càng khát chip và đây là vấn đề nan giải - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc họp hôm 12/4. Ảnh: AP.



Cuộc khủng hoảng nguồn cung đang trở thành một vấn đề nhức nhối đối với nhiều chính phủ các quốc gia trên thế giới bởi ngành sản xuất xe hơi bị tác động từ đầu năm nay. Mỹ, Nhật Bản và Đức, các quốc gia sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới, đang có những động thái tạo áp lực lên các bên sản xuất chip lớn tại châu Á, buộc họ phải ưu tiên các dòng chip sử dụng trên xe hơi lên trên nhu cầu của các khách hàng khác, trong đó bao gồm các nhà sản xuất điện thoại thông minh và máy tính.

Chính phủ 3 quốc gia trên lo ngại ngành xe hơi sẽ phát triển chậm lại, hoặc thậm chí phải cắt giảm sản xuất do thiếu chip, de dọa tới việc làm trong nước và sự phục hồi kinh tế sau đại dịch. Các công ty như TSMC và Samsung phản hồi bằng việc gia tăng công suất sản xuất tới mức tối đa.

Áp lực chính trị nhằm “ép” các nhà sản xuất chip buộc phải ưu tiên nhu cầu tới từ các hãng sản xuất xe hơi chỉ làm trầm trọng hóa thêm tình hình thực tại của chuỗi cung ứng, theo những người trong cuộc.

“Chúng tôi phải tái đàm phán với một số khách hàng và phải đáp ứng những yêu cầu từ phía chính phủ khi ưu tiên sản xuất các dòng chip sử dụng trong ngành công nghiệp sản xuất xe hơi, vốn đóng một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu”, theo Mark Liu, chủ tịch của TSMC.

“Điều này là trái ngược so với trước kia, khi hoạt động sản xuất chip dựa trên cơ sở ai tới trước, được ưu tiên trước”,

Một hệ quả của cuộc khủng hoảng này chính là sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực công nghệ.

“Chúng tôi yêu cầu các nhà cung cấp không được bán chip cho các đối thủ nhỏ hơn, và chúng tôi sẵn sàng trả mức giá cao hơn để có thể mua được chip và nhiều linh kiện khác…Tôi chắc chắn rằng các đối thủ của chúng tôi cũng có những yêu cầu tương tự đối với các bên cung cấp”, một lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất máy tính chia sẻ với Nikkei Asia Review.

Giống như nếu như tôi không có đủ chip và linh kiện, tôi cũng không muốn bất kỳ ai, nhất là các công ty đối thủ, có đủ những sản phẩm đó. Và nếu bị ảnh hưởng, chúng tôi cũng sẽ kéo theo các công ty đối thủ xuống vũng bùn”.

Một số nhà sản xuất máy tính thậm chí đặt những đơn hàng lớn hơn và sớm hơn so với kế hoạch ban đầu nhằm gia tăng công suất sản xuất, đồng thời ngăn cản các đối thủ có thể tiếp cận với các nhà cung cấp. Số khác chỉ biết cầu mong vào những điều thần kỳ có thể xảy ra để có thể duy trì được công tác sản xuất.

“Ngay cả nguồn cung từ các nhà cung cấp linh kiện thứ 2 và thứ 3 cũng rất khan hiếm. Tôi phải đi ăn tối với ông chủ của các công ty phân phối đó tới 8 lần trong vòng 1 tuần, thậm chí còn đi đánh golf với họ rất thường xuyên, qua đó, thuyết phục họ ưu tiên đơn hàng từ phía chúng tôi, và cung cấp càng nhiều linh liện có thể càng tốt”, theo một lãnh đạo cấp cao của Compal Electronics, công ty sản xuất máy tính xách tay số 2 thế giới.

Thế giới ngày càng khát chip và đây là vấn đề nan giải - Ảnh 3.

Mỹ, Nhật Bản và Đức, các quốc gia sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới, đang có những động thái tạo áp lực lên các bên sản xuất chip lớn tại châu Á. Ảnh: AP.


Trong khi nhu cầu tăng cao đột ngột từ các nhà sản xuất xe hơi đã và đang làm trầm trọng hóa hơn cơn khủng hoảng thiếu hụt nguồn cung chip, nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng này lại bắt đầu từ trước đó.

Sự bùng nổ của dịch bệnh Covid-19 hồi đầu năm ngoái, khiến cho Trung Quốc phải áp dụng các biện pháp phong tỏa và cách ly trên quy mô toàn quốc, khiến cho chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu bị gián đoạn. Khi các đơn hàng vận chuyển được thực hiện trở lại, các nhà sản xuất đồ điện tử chạy đua để có thể đặt hàng càng nhiều càng tốt, thậm chí lớn hơn so với nhu cầu thực tế để tránh tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu, linh kiện tiếp diễn.

Dịch bệnh cũng tác động không nhỏ tới lực cầu của thị trường. Các giai đoạn phong tỏa tiếp diễn liên tục, cộng với đó là làn sóng làm việc và học tập từ xa đã tạo ra một bước chuyển đổi số lớn. Tốc độ ứng dụng công nghệ 5G và nhu cầu các thiết bị điện thoại thông minh, vốn yêu cầu sử dụng nhiều chip và linh kiện hơn, vì thế cũng tăng lên.

Một chiếc điện thoại 5G điển hình có tới 3 anten, so với chỉ một trên một chiếc điện thoại 4G, và cần  nhiều hơn 30 - 50% “linh kiện thụ động” so với dòng sản phẩm đàn em.

Cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, diễn ra trước khi đại dịch bùng phát, cũng có những tác động tiêu cực lên chuỗi cung ứng. Khi Washington áp dụng các biện pháp hạn chế lên khả năng tiếp cận của Huawei đối với các công nghệ quan trọng của Mỹ, công ty này đã gia tăng tích trữ các mặt hàng linh kiện khi còn có thể, và nhiều công ty Trung Quốc khác, vốn lo sợ sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự, cũng làm theo cách mà Huawei đã làm. Kết quả là nhu cầu đối với các loại chip và linh kiện tăng cao đột biến.

Hôm 12/4, Huawei trực tiếp đổ lỗi cho Mỹ khi gián tiếp gây ra một cuộc khủng hoảng trên quy mô toàn cầu khi cho rằng các lệnh cấm vận của Washington đối với các công ty công nghệ Trung Quốc đã gây ra tình trạng “mua sắm hoảng loạn” đối với các linh kiện và chip, gây ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.

“Rõ ràng rằng những biện pháp cấm vận phi lý từ phía Mỹ đối với Huawei và các công ty Trung Quốc khác đã hình thành nên tình trạng thiếu hụt linh kiện trên toàn ngành, và điều này hoàn toàn có thể gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu”, theo Eric Xu, chủ tịch luân phiên của Huawei.

Một vài đối thủ của Huawei tăng cường đặt hàng với hy vọng có thể lấy được thị phần từ phía công ty Trung Quốc này. Điều đó khiến cho tình hình diễn biến theo hướng xấu hơn.

“Họ nghĩ rằng họ có thể chiếm lấy miếng bánh Huawei đã mất”, một lãnh đạo trong ngành công nghiệp sản xuất chip chia sẻ. Xiaomi, Samsung, Oppo và Vivo là một số các công ty sản xuất điện thoại, đã nâng cao được vị thế trên toàn cầu nhờ vào sự sa sút của Huawei.

Sau đó, nhiều hơn các biện pháp cấm vận từ phía Mỹ được áp dụng, trong đó bao gồm việc liệt công ty sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International Co (SMIC) vào danh sách hạn chế. Công ty này có khách hàng là Qualcomm và nhiều nhà phát triển chip của Trung Quốc. Các khách hàng lo lắng về khả năng duy trì nguồn cung của SMIC trong quá trình ra quyết định liệu có chọn công ty này là phương án thay thế đối với các nhà sản xuất chip khác hay không, khi mà công suất hoạt động của họ vốn đang bị quá tải.

Sự bùng nổ các đơn hàng, bao gồm những đơn hàng dựa trên nhu cầu thực tế và cả mục đích phòng hộ, khiến cho ngành công nghiệp sản xuất chip phải hoạt động với gần 100% công suất.

Một lý do cuộc khủng hoảng này vô cùng khó vượt qua chính là để gia tăng công suất sản xuất đòi hỏi quá trình rất dài. Intel thông báo công ty này sẽ đầu tư 20 tỷ USD để xây dựng hai nhà máy sản xuất chip tại bang Arizona, nhưng cả hai nhà máy đó sẽ chỉ có thể đi vào hoạt động từ năm 2024.

Một lý do khác đó chính là tình trạng thiếu hụt chip cũng bắt đầu ảnh hưởng tới các nhà sản xuất linh kiện phục vụ cho hoạt động sản xuất chip. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi các nhà sản xuất chip muốn mở rộng quy mô sản xuất, mà không phải doanh nghiệp nào cũng chấp nhận rủi ro đó, họ sẽ phải đối mặt với tình trạng đình trệ các đơn hàng.

Các thảm họa, sự cố nghiêm trọng như mùa đông lạnh kỷ lục tại Texas và vụ hỏa hoạn tại một nhà máy Nhật Bản chỉ khiến chi tình hình trở nên phức tạp hơn.

Ngay cả những công ty sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất trên thế giới cũng đã bắt đầu cảm thấy sức ép từ tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu.

Samsung Electronics, đồng thời cũng là nhà cung cấp chip nhớ lớn nhất thế giới, cảnh báo tình hình có thể trở nên “rắc rối” hơn rất nhiều trong khoảng thời gian từ tháng 4 cho tới tháng 6. Apple, một trong những nhà sản xuất điện thoại “quyền lực” nhất trên thế giới, phải trì hoãn hoạt động sản xuất của các dòng sản phẩm Macbook và iPad.

Thế giới ngày càng khát chip và đây là vấn đề nan giải - Ảnh 4.

Vụ cháy một cơ sở của nhà sản xuất chip Nhật Bản Renesas hồi tháng 3 càng khiến tình trạng thiếu hụt thêm nghiêm trọng. Ảnh: Kyodo.


Peter Hanbury, đối tác của Bain & Co đồng thời là một chuyên gia chuỗi cung ứng công nghệ cho biết vấn đề cốt lõi ở đây chính là thực trạng cầu vượt cung.

“Trong những lĩnh vực cụ thể và đối với những công nghệ nhất định, tổng cầu đang vượt quá tổng cung, do đó, chúng ta đang phải đối mặt một thử thách thậm chí còn lớn hơn. Đó chính là việc có nên đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, quá trình có thể mất tới từ 3 tới 4 năm và tiêu tốn hàng tỷ USD, thay vì cố gắng hoạt động với công suất hiện tại”.

Tuy nhiên, nhiều công ty lại tỏ ra không chắc chắn về điều này. Đối với họ, lực cầu lớn đến từ một loạt các đơn hàng phòng hộ, những nỗ lực tích trữ hàng hóa hoặc thậm chí là quyết tâm chiếm thị phần từ đối thủ, qua đó tạo nên một bong bóng trên thị trường. Và khi bong bóng vỡ, việc đầu tư mở rộng công suất chắc chắn sẽ là một thảm họa.

"Lực cầu mạnh như bây giờ sẽ không kéo dài mãi mãi. Nhiều người không tự nhiên mua một lúc tới 5 chiếc điện thoại hoặc 5 chiếc xe hơi”, theo một lãnh đạo trong chuỗi cung ứng chip. “Tôi lo lắng rằng sẽ có những điều chỉnh khi một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành mạnh dạn hành động và bắt đầu cắt giảm các đơn hàng.

Chủ tịch Liu của TSMC thừa nhận phần lớn khách hàng muốn đặt hàng nhiều hơn 2 lần để giảm thiểu rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra bởi những căng thẳng địa chính trị. Công ty đã cảnh báo rằng, tình trạng thiếu hụt chịp có thể sẽ kéo dài cho tới năm 2022.

Và đó mới chính là vấn đề.

“Tình trạng thiếu hụt chip nghiêm trọng này có thể gây nhiều tác động tiêu cực, nhất là đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp và các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ”, theo Wallace Gou, chủ tịch kiêm CEO của Silicon Motion. “Nhiều đơn vị kể trên có thể sẽ phải đóng cửa vì một số sản phẩm chip quan trọng phục vụ cho quá trình sản xuất sẽ không thể đến tay họ kịp thời”.

Dung, nhà sáng lập công ty khởi nghiệp phần cứng ở đầu bài báo, thừa nhận rằng: Đồng hồ đang bắt đầu đếm ngược.

“Các công ty khởi nghiệp như chúng tôi không có đủ nguồn lực cũng như quyền lực mua giống như các công ty lớn để có thể thực hiện những đơn hàng lớn nhằm mục đích gia tăng nguồn hàng dự trữ”, anh nói. “Hiện tại, chúng tôi chỉ có thể nỗ lực hết mình để thay đổi thiết kế sản phẩm, và tìm kiếm các linh kiện thay thế có sẵn khác. Chúng tôi thực sự phải chiến đấu để tồn tại”.

Theo Trọng Đại

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên