MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới nợ Mark Zuckerberg 1 lời xin lỗi: Meta thành công chưa từng có, cổ phiếu tăng 200%, hơn 3 tỷ người vẫn mê mệt Facebook, Instagram...

02-02-2024 - 13:57 PM | Tài chính quốc tế

Thế giới nợ Mark Zuckerberg 1 lời xin lỗi: Meta thành công chưa từng có, cổ phiếu tăng 200%, hơn 3 tỷ người vẫn mê mệt Facebook, Instagram...

Mark Zuckerberg lại biến Meta trở thành công ty ‘chân ái’.

Các nhà đầu tư trước đây vô cùng lo lắng khi thấy Mark Zuckerberg ‘đốt’ tiền vào Metaverse. Vào năm ngoái, Meta mất 16,1 tỷ USD cho bộ phận Reality Lab. Con số này tăng từ mức 13,7 tỷ USD trong năm 2022.

“Đối với Reality Labs, chúng tôi dự kiến khoản lỗ sẽ tăng đáng kể qua từng năm do nỗ lực phát triển sản phẩm không ngừng nghỉ cũng như các khoản đầu tư nhằm mở rộng hơn nữa hệ sinh thái”, Zuckerberg đang hứa hẹn với các nhà đầu tư.

Tuy nhiên hiện tại, giới đầu tư có vẻ bình tĩnh hơn với khoản đầu tư đắt đỏ. Cổ phiếu Meta, vốn đã ở mức cao nhất mọi thời đại, đã tăng khoảng 12% sau thông tin tập đoàn tiếp tục mua lại cổ phiếu của chính mình. Meta cũng sẽ bắt đầu thưởng cổ tức cho các cổ đông - điều trước nay chưa từng có.

Năm ngoái, Meta đã chi 3,5 tỷ USD để ‘thu hẹp’ chính mình, trong đó 2,5 tỷ USD đến từ việc hợp nhất cơ sở vật chất và 1 tỷ USD cho một số chi phí liên quan đến việc sa thải nhân viên. Công ty hiện hoạt động với 67.300 nhân sự, giảm 22% so với năm ngoái.

Phía Mark Zuckerberg giải thích rằng việc sa thải nhằm tăng hiệu quả kinh doanh trong bối cảnh doanh thu liên tục đi xuống, cạnh tranh tăng lên còn lo ngại về tăng trưởng người dùng vẫn luôn hiện hữu. Zuckerberg cũng nhận trách nhiệm vì đã tuyển dụng ồ ạt trong đại dịch, khi nhu cầu sản phẩm và quảng cáo trực tuyến lên cao.

Theo WSJ, trong một ghi chú dài 2.200 từ được nhấn mạnh bằng các tiêu đề như “càng phẳng càng nhanh” và “càng gọn càng tốt”, Zuckerberg chủ đích phác thảo kế hoạch “Năm hiệu quả”, đồng thời vạch ra một số chiến lược giúp Meta chống lại điều kiện bất ổn kinh tế như hiện nay.

“Năm 2022 là hồi chuông cảnh tỉnh”, Zuckerberg viết. “Nền kinh tế thế giới thay đổi, áp lực cạnh tranh tăng lên và tốc độ tăng trưởng của chúng tôi chậm lại đáng kể”.

Để đẩy nhanh tốc độ vận hành, Meta yêu cầu nhiều quản lý và Giám đốc chuyển sang làm các công việc cá nhân nhiều hơn hoặc chấp nhận bị sa thải như một cách giúp tập đoàn này vận hành hiệu quả. Động thái nằm trong chiến dịch “làm phẳng nội bộ”, khiến các quản lý cấp cao chia sẻ quyền lực với cấp dưới và tập trung vào các nhiệm vụ chuyên môn hơn như nghiên cứu, thiết kế, viết code… Những ai không chấp nhận yêu cầu này sẽ phải rời công ty.

“Một tổ chức tinh gọn sẽ vận hành nhanh hơn. Mọi người sẽ làm việc hiệu quả, vui vẻ và thỏa mãn hơn”, Zuckerberg viết.

Kết quả, tỷ suất lợi nhuận của Meta cao hơn rất nhiều: Doanh thu tăng 16% và lợi nhuận cũng tăng 69%. Có vẻ như Meta muốn cho Phố Wall thấy rằng họ vẫn có thể phát triển, ngay cả khi rót tiền đầu tư tiền vào những thứ mới mẻ hơn.

Ước tính hơn 3 tỷ người đang sử dụng ít nhất một ứng dụng của Meta mỗi tháng, chẳng hạn như Facebook, Instagram, Threads..

Hiện tại, vốn hoá Meta đã vượt mốc 1 nghìn tỷ USD sau khi giá cổ phiếu tăng tới 200% vào năm 2023. Điều này đồng nghĩa với việc tập đoàn một lần nữa gia nhập hàng ngũ các Big Tech như Microsoft, Apple, Alphabet, Amazon và Nvidia, tất cả hiện đều được định giá từ 1 nghìn tỷ USD trở lên.

Thế giới nợ Mark Zuckerberg 1 lời xin lỗi: Meta thành công chưa từng có, cổ phiếu tăng 200%, hơn 3 tỷ người vẫn mê mệt Facebook, Instagram... - Ảnh 1.

Được biết trong quý vừa qua, Meta ghi nhận doanh thu quý lớn tích cực nhờ nhu cầu quảng cáo tăng tốc, chính sách cắt giảm chi phí và công nghệ AI mới.

Giám đốc tài chính Meta Susan Li cho biết trong một tuyên bố, rằng tập đoàn được hưởng lợi rất nhiều từ các nhà quảng cáo Trung Quốc. Meta không trực tiếp nêu tên Temu và Shein, song ai cũng ngầm hiểu hai thương hiệu này đóng vai trò chính trong việc gia tăng doanh số bán hàng.

“Trọng tâm là thu hút khách hàng bằng mọi giá. Họ cần một lượng lớn dữ liệu khách hàng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh trở nên cạnh tranh hơn”, Sky Canaves, nhà phân tích cấp cao của Insider Intelligence nói và cho biết chính điều này đã phản ánh cách công ty mẹ PDD giành thị phần từ các gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc.

Các nhà phân tích của JMP ước tính Temu và Shein đã chi lần lượt khoảng 600 triệu USD và 200 triệu USD cho quảng cáo trên Facebook và Instagram trong quý III. Điều này đồng nghĩa với việc Temu và Shein chiếm khoảng 3% tổng mức tăng trưởng của Meta trong kỳ, theo JMP.

Theo Chris Mack, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Harding Loevner, sự nổi lên của Temu và Shein minh họa cho “sức mạnh Facebook như một nền tảng để tiếp cận”. Sáng kiến cắt giảm chi phí khổng lồ (sa thải 20.000 việc làm vào năm ngoái), đầu tư vào trí tuệ nhân tạo và các hoạt động kỷ luật đang thúc đẩy câu chuyện ở Phố Wall. Mọi tăng trưởng đều có ý nghĩa đối với một công ty từng trải qua ba quý liên tiếp sụt giảm doanh thu vào năm 2022.

Trước đây, quá trình sa thải trước đây khiến nhân viên Meta phải sống trong lo sợ. Năng suất tụt giảm vì không ai biết mình nên làm gì, nhất là sau khi phải chứng kiến quá nhiều bạn bè thân thiết mất việc. Phần lớn đều đồng ý rằng các đãi ngộ khiến công việc trở nên thú vị hơn đều bị lãnh đạo bãi bỏ để thắt lưng buộc bụng.

Giờ đây, mọi thứ đã khác. Nhân viên Meta bắt đầu đặt hàng áo phông in logo công ty và coi đây như một chỉ dấu tích cực báo hiệu ‘cơn bão tố’ kết thúc. Bản thân Mark Zuckerberg cũng bắt đầu cho tuyển dụng lại một số nhân viên bị sa thải trước đây để tái khởi động bộ máy tỷ USD.

Tại trụ sở chính, hầu hết các nhà hàng đều mở cửa trở lại. Thời gian ăn tối được đẩy sớm lên 18:00 để nhân viên cảm thấy thoải mái; trong khi các dịch vụ cơ bản như giặt là và cắt tóc cũng được triển khai. Việc tới văn phòng làm việc theo đó trở nên thú vị hơn bao giờ hết.

Theo Vũ Anh

An ninh tiền tệ

Trở lên trên