MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới nói gì về các Think tank của Việt Nam?

Việt Nam có 5 tổ chức nghiên cứu, phân tích và vận động chính sách được xếp hạng trong nhóm các Think tank hàng đầu khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương.

Đây là thông tin được đưa ra trong Global go to Think Tank Index 2017, sáng nay 2/1/2018.

Think tank được hiểu là các tổ chức nghiên cứu, phân tích và vận động chính sách, cung cấp các phân tích và tư vấn chính sách cho các vấn đề trong nước và quốc tế, hỗ trợ cho quá trình ra quyết định của các nhà hoạch định chính sách cũng như công chúng.

Think tank có thể là các tổ chức gắn liền với các đảng chính trị, các cơ quan thuộc chính phủ, các nhóm lợi ích, các tập đoàn kinh tế hoặc tồn tại như một tổ chức phi chính phủ (NGOs).

Các tổ chức này hoạt động như cầu nối giữa giới hàn lâm và giới hoạch định chính sách, là tiếng nói độc lập chuyển tải các các kết quả nghiên cứu thành ngôn ngữ dễ hiểu, đáng tin cậy và dễ tiếp cận với mọi đối tượng.

Các Think tank tập trung nguồn lực vào việc xây dựng và công bố các nghiên cứu và phân tích chính sách trong nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, chính sách công, quan hệ quốc tế, v.v… Sản phẩm của các Think tank là sách, báo cáo, tóm lược chính sách, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, các đề xuất – kiến nghị chính sách chính thức hoặc các thảo luận không chính thức với các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan, quan điểm trên blogs, mạng xã hội.

Để xếp hạng các Think tank, đơn vị đánh giá đã căn cứ vào một số tiêu chí như: Khả năng và mức độ cam kết của bộ máy lãnh đạo; Khả năng và uy tín của các thành viên; Chất lượng và uy tín của các nghiên cứu và phân tích; Uy tín trong học thuật; Số lượng, chất lượng của các ấn phẩm, xuất bản phẩm; Khả năng ảnh hưởng tới các nhà hoạch định chính sách và các tác nhân khác trong quy trình xây dựng và hoạch định chính sách…

Theo đó, ở xếp loại Think tank hàng đầu khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Việt Nam có 5 đơn vị được xếp hạng, gồm:

-(30) Viện Kinh tế và Chính trị Thế Giới (IWEP)

-(40) Học viện Ngoại Giao Việt Nam (DAV)

-(42) Viện Kinh tế Việt Nam (VIE)

-(56) Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

-(97) Viện Nghiên cứu châu Mỹ (VIAS)

Các vị trí top đầu thuộc về Think tank đến từ Singapore, Australia và New Zealand.

Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng được xếp hạng thứ 69 trong số các Think tank hàng đầu về Chính sách kinh tế Trong nước. Vị trí đầu bảng thuộc về Brookings Institution của Mỹ.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng được đánh giá thứ 123 trong bảng xếp hạng các Think tank hàng đầu về phát triển Quốc tế.  

Viện Kinh tế và Chính trị Thế Giới (IWEP) và Học viện Ngoại Giao Việt Nam (DAV) cũng được xếp hạng lần lượt là 24 và 40 trong bảng xếp hạng các Think tank thuộc Chính phủ tốt nhất.

Trung tâm Nghiên cứu Hệ thống Y tế - Đại học Y Hà Nội (CHSR) cũng được xếp hạng là Think tank hàng đầu về Chính sách y tế quốc gia (thứ 24) và Think tank hàng đầu về Chính sách y tế quốc tế (thứ 23).

Như vậy, trong năm 2017, Việt Nam đã có 7 Think tank được thế giới công nhận, nhiều hơn năm 2016 1 tổ chức. Còn nếu nhìn lại quá khứ, gần 10 năm trước năm 2018, Việt Nam không hề có một Think tank nào được đề cử.  

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên