Thế giới thiếu hụt cà phê robusta trầm trọng dù xuất khẩu tăng - chuyện gì đang xảy ra?
Cà phê robusta đang ngày càng được lựa chọn nhiều hơn khi người uống cà phê trên thế giới thắt chặt chi tiêu, muốn tìm đến một loại cà phê rẻ hơn.
- 10-05-2023Ồ ạt nhổ bỏ cà phê để trồng sầu riêng ở Tây Nguyên
- 10-05-2023Giá cà phê phá kỷ lục
- 27-04-2023Xuất hiện yếu tố 'thiên thời', xuất khẩu cà phê Việt Nam có cơ hội duy trì mức 4 tỷ USD
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu đã thúc đẩy những người uống cà phê tìm đến các loại cà phê rẻ hơn. Tuy nhiên, tình trạng thiếu cà phê robusta đang khiến việc tìm kiếm một loại cà phê hợp túi tiền đang ngày càng trở nên khó khăn.
Trong khi những người yêu cà phê thường thích cà phê arabica chất lượng cao thì cà phê robusta thường rẻ hơn vì cây cứng hơn, ít cần chăm sóc nên dễ sản xuất với số lượng lớn. Loại cà phê này thường được sử dụng trong cà phê hòa toan, cà phê espresso và cà phê pha sẵn được bán tại các siêu thị.
Tuy nhiên, những người trồng cà phê đang gặp khó trong việc theo kịp nhu cầu tăng cao khi giá bán buôn cà phê robusta trong tuần trước đã đạt mức cao nhất trong 12 năm.
Đối với người tiêu dùng tại thị trường cà phê lớn nhất châu Âu là Đức, tình trạng khan hiếm đang có tác động rõ rệt đến chi phí bán lẻ khi giá các loại cà phê hòa tan đã tăng 20% so với 1 năm trước, ngay cả khi lạm phát với hạt cà phê gần như không còn.
Tình trạng thiếu hụt cà phê robusta toàn cầu có vẻ chưa sớm được giải quyết.
Việt Nam – nước sản xuất lớn nhất thế giới – đang có vụ thu hoạch với sản lượng thấp nhất trong 4 năm khi nông dân tập trung trồng các loại cây có lợi nhuận cao hơn như bơ, sầu riêng khi giá phân bón tăng cao.
Brazil, nước trồng cà phê robusta lớn thứ 2 – chứng kiến mùa màng thiệt hại do hạn hán . Đồng thời, có những lo ngại cho rằng sản lượng của Indonesia có thể bị ảnh hưởng sau những trận mưa lớn.
Bất chấp những rào cản đó, xuất khẩu cà phê robusta trên toàn cầu trong 6 tháng đầu của niên vụ hiện tại vẫn cao hơn so với 3 năm trước – chỉ là không đáp ứng đủ nhu cầu tăng cao của thế giới. Theo tổ chức Cà phê Quốc tế, các lô hàng trong giai đoạn từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023 đã tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021-2022.
“Nhu cầu chuyển hướng từ cà phê giá cao tăng mạnh đến mức thị trường thiếu hụt cà phê robusta, mặc dù lượng xuất khẩu vẫn tăng”, Judith Ganes, điều hành một công ty tư vấn tập trung vào các mặt hàng như cà phê ở New York nói.
Dấu hiệu của việc người dùng chuyển đổi sang cà phê robusta xuất hiện khi các nhà rang xay đã tăng lượng cà phê robusta dược sử dụng trong các sản phẩm thương mại để bù đắp chi phí cà phê arabica cao hơn và hóa đơn năng lượng.
Sau đó, lạm phát 2 con số ở nhiều nơi đã khiến hóa đơn tiêu dùng của người dân tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, buộc họ phải đổi sang các lựa chọn rẻ hơn.
Theo Aguinaldo Lima của Hiệp hội Công nghiệp Cà phê Hòa tan Brazil, quốc gia có nhà sản xuất cà phê hòa tan hàng đầu thế giới, cà phê hòa tan đậm đặc robusta đang tăng trưởng nhanh hơn các phân khúc khác. Các công ty như Nesle SA hay Tata Coffe của Ấn Độ cũng đã lưu ý về nhu cầu cà phê hòa tan mạnh hơn trong các báo cáo tài chính mới nhất.
Mặc dù cà phê robusta có vị đắng hơn đáng kể so với arabica – một phần do hàm lượng caffein cao hơn – Việt Nam và Indonesia đều đã cải thiện chất lượng cà phê của họ, giúp các nhà rang xay dễ dàng pha trộn mà không ảnh hưởng nhiều đến các loại cà phê bán ra thị trường, theo Ganes.
Daniel Munari, người điều hành một quán cà phê ở miền Nam Brazil, cho biết người tiêu dùng có thể khám phá ra “hương vị rất thú vị” bằng cách uống cà phê robusta, ngay cả khi hương vị khác với cà phê arabica. “Nó có vị ngọt và độ chua, là sự bổ sung tuyệt vời, mang lại sự cân bằng cho thức uống”, anh nói.
Nhịp sống thị trường