Ồ ạt nhổ bỏ cà phê để trồng sầu riêng ở Tây Nguyên
Ở các tỉnh Tây Nguyên, diện tích sầu riêng đang tăng phi mã khiến cho các con số thống kê cũng không theo kịp, nông dân bỏ hẳn cà phê để theo đuổi sầu riêng tiềm ẩn những nguy cơ từ biến động của thị trường.
- 10-05-2023Trung Quốc kiếm được bao nhiêu tiền từ 1 chiếc iPhone? Con số thấp đến ngỡ ngàng
- 08-05-2023Hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc sẽ sản xuất ô tô điện tại Việt Nam
- 07-05-2023Xuất hiện thêm một quốc gia tăng cường nhập khẩu gạo của Việt Nam, sản lượng xuất khẩu bất ngờ tăng vọt hơn 3.000% trong quý 1
Thị xã Buôn Hồ là một trong những vùng sản xuất trong chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột. Cà phê ở vùng đất này nổi tiếng từ trước 1975 do được trồng trên đất bazan màu mỡ, độ cao từ 600 - 700 m so mực nước biển. Nhưng nay, cà phê ở đây đã lép vế rất nhiều trước sầu riêng. Tại một số phường của thị xã, sầu riêng đã dần lấn át cà phê.
Ông Nguyễn Hồng Thanh, một tỷ phú sầu riêng ở phường An Bình cho biết, ban đầu ông trồng xen để lấy cà phê che nắng che gió cho sầu riêng những năm còn nhỏ yếu; lấy thu nhập từ cà phê để nuôi sầu riêng. Nhưng khi sầu riêng được thu hoạch, ông đã phá hết cà phê. Người thân của ông Thanh cũng học theo mô hình này, chặt bỏ hết cà phê để trồng thuần sầu riêng.
“Ban đầu tôi trồng sầu riêng xen trong cà phê. Những năm đầu, tôi thu cà phê để lấy ngắn nuôi dài. Nhưng đến năm thứ 5, sầu riêng được thu hoạch thì tôi phá hết cà phê. Bên nhà ông nội thấy làm như vậy cũng tốt cho nên phá hết cà phê ngay từ đầu để trồng sầu riêng” - ông Thanh chia sẻ.
So với Buôn Hồ, cây cà phê ở huyện Krông Păc càng có vị thế đặc biệt: là cội nguồn của cà phê Robusta Việt Nam. Thế nhưng hiện nay, cây cà phê trên vùng “đất tổ” cũng mất vị thế. Từ cây trồng chính, giờ cà phê ở đây hầu như đã thành cây trồng phụ. Nhiều diện tích đã bị sầu riêng thay thế hoàn toàn.
Việc trồng xen sầu riêng rồi phá hết cà phê đã lan rộng từ xã Ea Yông sang các xã Ea Kênh, Ea Knuêch và Hòa Đông. Vừa trồng thêm 200 cây sầu riêng vào 1,2 ha cà phê, ông Nguyễn Xuân Quang, thôn Tân Hòa 2, xã Ea Knuếc cho biết, mật độ sầu riêng như vậy dày gấp hơn 3 lần so với mật độ trồng xen truyền thống. Do vậy, khi sầu riêng đủ lớn, đương nhiên cà phê sẽ bị chặt bỏ hoàn toàn. Ông Quang không cho đó là bất cập vì mọi người bây giờ chỉ nghĩ đến sầu riêng.
“Giờ chủ yếu chỉ có cây cà phê với cây sầu riêng, mà cà phê thì mình thu nhập không bao nhiêu. Trước mắt giờ sầu riêng có giá thì mình cứ trồng đã” - ông Quang nói.
Với tỉnh Lâm Đồng, dù mô hình trồng xen sầu riêng xuất hiện muộn hơn Đăk Lăk, nhưng cây này cũng đang lật đổ cà phê ở những vùng thế mạnh, như Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà.
Nông dân Nguyễn Văn Trung, ở xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh cho biết: “Bây giờ bà con ai cũng thế thôi, nông dân mình thấy người nọ trồng sầu riêng, người kia trồng sầu riêng có hiệu quả thì đổ xô trồng, đi chỗ nào cũng thấy trồng sầu riêng”.
Theo Quyết định 1987 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (phê duyệt Quy hoạch phát triển cà phê Việt Nam) đến năm 2020, Tây Nguyên chỉ còn 447.000 ha cà phê và tiếp tục giảm còn 433.000 ha vào năm 2030. Thế nhưng thực tế hoàn toàn khác với quy hoạch, diện tích cà phê ở 5 tỉnh đang ở mức gần 640 nghìn ha, cao gấp rưỡi mục tiêu, dôi dư gần 200.000 ha.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam, việc hơn 40.000 ha sầu riêng đang mọc lên trên đất cà phê, bề ngoài là một tín hiệu mừng vì giúp mục tiêu giảm diện tích cà phê của Tây Nguyên dần trở thành hiện thực. Nhưng việc cà phê bị đánh bật ở những vùng sản xuất danh tiếng nhất đang gây nỗi lo “giảm chất” của ngành hàng. Dẫn đến tình trạng năng suất cà phê tăng nhưng sản lượng lại giảm mạnh trong niên vụ vừa qua.
Ông Nguyễn Nam Hải cho rằng, cây ăn trái, nhất là sầu riêng đã lấn chỗ của cà phê nhiều hơn con số mà các tỉnh thống kê. Việc này nếu không được khắc phục, chính sách của Nhà nước và toan tính của các doanh nghiệp cho cả 2 ngành hàng sẽ khó đạt được tính thiết thực.
“Bây giờ các địa phương phải rõ ràng là diện tích chuyển sang cây ăn trái là bao nhiêu. Số liệu thống kê là phải cụ thể chứ không thể dựa vào như trước đây, cà phê thì cứ ghi nhận là cà phê, nhưng thực chất thì nông dân đã chuyển đổi sang cây khác rồi” - ông Hải nói.
Ở Tây Nguyên, sầu riêng trồng xen đang cho giá trị kinh tế trên dưới 1 tỷ đồng/ha/năm, trong khi cà phê trồng xen chỉ cho tối đa 100 triệu đồng/ha/năm. 1 quả sầu riêng bằng 1 cây cà phê, 1 cây sầu riêng bằng cả vườn cà phê. Thêm vào đó, nông dân cho rằng, chỉ sầu riêng độc canh mới được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu, nên càng đẩy nhanh xu thế phá bỏ cà phê.
Từ “tiến có sầu riêng, lui có cà phê” một cách chắc chắn, việc bỏ cà phê theo sầu riêng đang trở thành xu thế khó cưỡng và đầy rủi ro, nhất là khi các yếu tố kỹ thuật công nghệ, tổ chức ngành hàng và công tác thị trường của sầu riêng còn sơ sài, thiếu đồng bộ./.
VOV