MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới tổn thất nặng nề khi đồng USD mạnh

19-09-2022 - 17:39 PM | Tài chính quốc tế

Thế giới tổn thất nặng nề khi đồng USD mạnh

Vai trò của đồng USD trong vị thế đồng tiền chủ chốt sử dụng trong thương mại và tài chính toàn cầu đồng nghĩa sự biến động của đồng tiền này có nhiều ảnh hưởng trên diện rộng.

Vai trò của đồng USD trong vị thế đồng tiền chủ chốt sử dụng trong thương mại và tài chính toàn cầu đồng nghĩa sự biến động của đồng tiền này có nhiều ảnh hưởng trên diện rộng.

Đồng USD đang trải qua đợt tăng giá chỉ có một lần trong một thế hệ. Đối với phần còn lại của thế giới, đó thực sự là vấn đề.

Vai trò của đồng USD trong vị thế đồng tiền chủ chốt sử dụng trong thương mại và tài chính toàn cầu đồng nghĩa sự biến động của đồng tiền này có nhiều ảnh hưởng trên diện rộng. Sự mạnh lên của đồng USD có thể được cảm nhận rõ nét trong tình trạng thiếu nhiên liệu và năng lượng ở Sri Lanka, ở lạm phát kỷ lục tại châu Âu và thâm hụt thương mại kỷ lục tại Nhật.

Thâm hụt thương mại leo thang tại nhiều nước đe dọa khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại và làm gia tăng vấn đề lạm phát khiến các ngân hàng trung ương đau đầu. Một dấu hiệu đáng lo ngại chính là các biện pháp ngăn đồng nội tệ suy giảm của giới chức Trung Quốc, Nhật và châu Âu hiện đang thất bại khi đồng USD lên giá không ngừng.

Trong tuần trước, đồng USD tăng vọt lên trên ngưỡng quan trọng với đồng nhân dân tệ, một đồng USD mua được hơn bảy đồng nhân dân tệ lần đầu tiên tính từ năm 2020. Giới chức Nhật trước đây vốn đứng ngoài cuộc ngay cả khi đồng yên mất đến 20% giá trị trong năm nay, như vậy rõ ràng các yếu tố thị trường đã có tầm ảnh hưởng quá lớn.

Chỉ số ICE US Dollar, chỉ số đo lường biến động của đồng USD so với giỏ tiền tệ của các nước đối tác lớn nhất, đã tăng hơn 14% trong năm 2022 và như vậy đang hướng đến năm thăng giá mạnh nhất tính từ khi chỉ số được tính toán vào năm 1985.

Đồng euro, đồng yên và đồng bảng Anh đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ so với đồng USD. Đồng tiền của các nước mới nổi cũng giảm rất sâu: đồng pound của Ai Cập đã giảm 18%, đồng forint của Hungary giảm 20% còn đồng rand của Nam Phi hạ 9,4% giá trị.

Sự tăng giá của đồng USD trong năm nay có nguyên nhân trực tiếp từ việc Fed không ngừng nâng lãi suất cơ bản đồng USD. Động thái này của Fed đã khiến cho nhà đầu tư toàn cầu rút tiền khỏi các thị trường khác nhằm đầu tư vào các tài sản Mỹ có lợi suất cao. Các số liệu kinh tế gần đây lạm phát Mỹ vẫn duy trì ở ngưởng cao, như vậy Fed nhiều khả năng sẽ vẫn can thiệp và đồng USD vì vậy sẽ còn cao hơn nữa.

Triển vọng kinh tế bi quan của phần còn lại trên thế giới cũng khiến cho đồng USD tăng giá mạnh hơn. Châu Âu hiện đang tiến gần hơn đến tình trạng kinh tế chững lại mạnh nhất trong nhiều năm bởi quá trình bùng nổ mạnh nhất trong nhiều thập kỷ trên thị trường bất động sản chững lại.

Đối với Mỹ, đồng USD mạnh đồng nghĩa hàng hóa nhập khẩu sẽ rẻ hơn, điều này phần nào giúp kiểm soát lạm phát, cùng lúc đó sức mua tương đối của người Mỹ cũng tăng lên. Tuy nhiên, phần còn lại của thế giới đang vô cùng khó khăn dưới sự tăng giá của đồng USD.

“Tôi nghĩ đây mới chỉ là những ngày đầu. Chúng ta chắc chắn sẽ phải chịu đựng khoảng thời gian lãi suất cao thêm một thời gian nữa. Các yếu tố gây bất ổn sẽ ngày một nhiều hơn”, giáo sư ngành tài chính tại trường kinh doanh Booth thuộc đại học Chicago – ông Raghuram Rajan nhận định.

Vào ngày thứ Năm, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo rằng kinh tế toàn cầu đang hướng đến suy thoái, nhiều cuộc khủng hoảng tại nhóm nước mới nổi và đang phát triển sẽ gây ra tác hại trong dài hạn.

Thông điệp mới nhất không khỏi khiến thêm nhiều người lo lắng về khả năng áp lực tài chính của các thị trường mới nổi bên ngoài các khối liên kết chặt chẽ ví như Sri Lanka hay Pakistan dâng cao và họ sẽ cần phải tìm đến sự hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Serbia vào tuần trước đã phải đối thoại với IMF.

“Cho đến nay, nhiều nước chưa trải qua thời kỳ lãi suất cao đến mức độ như hiện tại, họ đã vay nợ rất nhiều bằng đồng USD, áp lực lên nhóm các nước mới nổi sẽ ngày một lớn dần và khó bị kiềm chế”, ông Rajan nhận định.

Đồng USD mạnh hơn khiến cho nợ vay bằng đồng USD của chính phủ của các nước mới nổi và doanh nghiệp trở nên đắt đỏ hơn. Chính phủ các nước mới nổi có tổng giá trị các khoản nợ bằng đồng USD ước tính khoảng 83 tỷ USD đáo hạn vào cuối năm sau, theo số liệu của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) theo dõi và tính toán với 32 nước.

Theo Trung Mến

Nhịp sống kinh doanh

Trở lên trên