"Thế hệ Đông Âu" lừng lẫy trên thương trường: 4/6 tỷ phú đô la, 5/10 công ty lớn nhất sàn chứng cùng loạt doanh nghiệp chủ chốt từ ngân hàng tới địa ốc
Rất nhiều doanh nhân khởi nghiệp từ Đông Âu đều từng kinh doanh mì gói. Nhóm này đang là lãnh đạo/cổ đông chủ chốt tại 6 ngân hàng tư nhân lớn.
Trong danh sách của Forbes, Việt Nam hiện có 6 tỷ phú đô la thì có đến 4 người đã từng học tập rồi gây dựng sự nghiệp tại các nước Đông Âu là chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang và chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh.
Với nguồn vốn tích lũy được khi ở nước ngoài cộng với việc sớm về nước đầu tư khi kinh tế mới cửa, hiện tại "nhóm Đông Âu" đang là những doanh nghiệp chủ chốt trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế như bất động sản (Vingroup, Masterise, Sungroup, Eurowindow, MIK Group, TNR Holdings, Phú Long …), ngân hàng (VPBank, OCB, VIB, MSB, Techcombank), hàng tiêu dùng (Masan Consumer) hay hàng không (Vietjet).
Một số doanh nghiệp có người sáng lập gây dựng sự nghiệp từ Đông Âu
Loạt tỷ phú giàu lên từ mì gói
Một chi tiết thú vị là rất nhiều tỷ phú Đông Âu đều đã và đang kinh doanh mì gói. Technocom – tiền thân của Vingroup ngày nay từng là nhà sản xuất mì ăn liền hàng đầu tại Ukraine. Khi quyết định rút về nước, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã bán lại nhà máy cho Nestle.
Trong khi tỷ phú Vượng tập trung phát triển bất động sản thì bộ đôi Nguyễn Đăng Quang & Hồ Hùng Anh tiếp tục duy trì mảng kinh doanh gia vị, mì gói và đã gây dựng nên Masan Consumer – công ty sản xuất hàng tiêu dùng hiện có trị giá hơn 4 tỷ USD.
Ông Ngô Chí Dũng (Chủ tịch VPBank) và ông Đặng Khắc Vỹ (Chủ tịch VIB) cùng nhau khởi nghiệp với thương hiệu mì Rollton nổi tiếng nước Nga. Sau đó về Việt Nam, cả hai là những người sáng lập Ngân hàng VIB.
Tiếp tục theo đuổi và thống trị ngành mì gói Đông Âu khi nhiều người rút về nước, Mareven Food - công ty liên quan chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ đã được định giá gần 1 tỷ USD từ năm 2008, chiếm ½ thị phần tại Nga. Tại Việt Nam, công ty có mối liên hệ với ông Vỹ là Uniben (thương hiệu Reeva, 3 miền) hiện cũng đứng trong Top4 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất.
"Đông Âu tứ hùng" trong giới ngân hàng
Những ông chủ nhà băng lừng lẫy hiện nay đều khởi nghiệp từ Đông Âu gồm Hồ Hùng Anh (Chủ tịch HĐQT Techcombank), Trịnh Văn Tuấn (Chủ tịch HĐQT OCB), Đặng Khắc Vỹ (Chủ tịch HĐQT VIB), Ngô Chí Dũng (Chủ tịch HĐQT VPBank), được mệnh danh là "Đông Âu tứ hùng" trong giới ngân hàng.
Bên cạnh đó cũng không thể không kể đến chủ tịch MSB Trần Anh Tuấn hay Phó Chủ tịch HDBank Nguyễn Thị Phương Thảo.
Nếu như tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo xây dựng được tập đoàn Sovico hoạt động đa ngành từ bất động sản (Địa ốc Phú Long), hàng không (Vietjet), dầu khí, du lịch nghỉ dưỡng thì ông Trần Anh Tuấn cũng xây dựng hệ thống TNH Holdings hoạt động mạnh trong mảng bất động sản.
Cũng tham gia vào lĩnh vực ngân hàng còn chủ tịch Eurowindow Nguyễn Cảnh Sơn, hiện sở hữu một lượng nhỏ cổ phần và giữ vị trí Phó chủ tịch Ngân hàng Techcombank.
5/10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán
Hiện tại phần lớn các doanh nhân tiêu biểu trong nhóm lập nghiệp từ Đông Âu đều đã đưa các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của mình lên sàn, chỉ còn lại một số ít cái tên như Sun Group của doanh nhân Lê Viết Lam hay BIM Group của doanh nhân Đoàn Quốc Việt.
Thống kê của chúng tôi cho thấy, trong số 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán, có 6 doanh nghiệp tư nhân thì 5 trong số này thuộc nhóm Đông Âu gồm VinHomes, Vingroup, Masan Group, Techcombank và VPBank.
Tổng cộng có 15 doanh nghiệp liên quan đến các ông chủ khởi nghiệp từ Đông Âu đang có vốn hóa trên 1 tỷ USD, trong đó Masan/TCB có tới 5 đại diện và Vingroup có 4 đại điện thuộc nhóm này.