MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế hệ Z tại Việt Nam và việc định nghĩa lại đào tạo đại học

12-12-2019 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

Thế hệ Z – Những bạn trẻ được ra đời sau năm 1996 tương lai sẽ là những người quyết định sự phát triển của cả dân tộc. TS Hoàng Việt Hà, Giám đốc Swinburne Việt Nam đã có chia sẻ những kinh nghiệm liên quan tới đào tạo thế hệ này ở bậc đại học.

Theo Ông thế hệ Z họ có đặc điểm gì?

Tôi có cơ hội được tiếp xúc khá nhiều với học sinh tại các trường trung học phổ thông và đang học đại học, các em là thế hệ Z, là những người hằng ngày được tiếp xúc với internet, tiếp xúc với những nền văn hóa, kiến thức tối tân trên thế giới ngay từ khi còn rất nhỏ.

Một đặc điểm dễ nhận ra là trong thế hệ Z đang hình thành một nhóm có tỷ trọng khoảng 20%-30% được gia đình rất quan tâm đầu tư vào giáo dục và học tập tốt, tiếng Anh khá và rất tốt. Họ như đã là các công dân toàn cầu do các trải nghiệm ngay từ nhỏ đã liên quan tới quốc tế qua phim ảnh, trò chơi, mạng xã hội, ca nhạc, học tập, ẩm thực văn hoá tới thời trang.

Thế hệ Z ra đời với những đồ chơi cầm nắm đầu tiên đã là smart phone và lớn lên trong một thế giới ngày càng phẳng. Việc đào tạo cho thế hệ dẫn dắt tương lai này chắc chắn cần phải có nhiều sự thay đổi khác biệt.

Những sự thay đổi này là như thế nào?

Đầu tiên là với ngoại ngữ tốt và ngay từ nhỏ đã làm quen với Google và các trang mạng xã hội, thế hệ Z cần được tạo điều kiện để tiếp cận kiến thức và kỹ năng toàn cầu với chi phí hợp lý. Tuy nhiên thực tế là Việt Nam vẫn chưa có các trường đại học học nào đứng ở TOP1000 của thế giới. Đây là sự thiệt thòi về cơ hội lựa chọn cho các sinh viên tại Việt Nam.

Tôi có phỏng vấn một số sinh viên tiếng Anh rất tốt, từ 7.5 trở lên nhận học bổng "Change Makers" của Swinburne Việt Nam. Họ đã có suy nghĩ rất khác về du học. Tại sao phải sang một quốc gia có chi phí đắt đỏ trong khi thế giới đã phẳng và có thể học chương trình quốc tế tương đương ngay từ Việt Nam. Ngoài ra có thể có trải nghiệm qua các học kỳ trao đổi tại nhiều quốc gia khác nhau nếu muốn khám phá các nền văn hóa khác. Du học giờ mang ý nghĩa trải nghiệm quốc tế nhiều hơn.

Thế hệ Z tại Việt Nam và việc định nghĩa lại đào tạo đại học - Ảnh 1.

Sinh viên có nhiều người thầy trong đó là các chuyên gia trong ngành và người truyền cảm hứng

Bên cạnh đó, công nghệ đã giúp phát triển các mô hình đào tạo mới, các bạn trẻ tiếp cận những chương trình học hàng đầu thế giới qua các nền tảng trực tuyến như Cousera, Udemy…Tiếng Anh tốt và học theo các chương trình chuẩn quốc tế chính là cơ hội để thế hệ Z thực sự trở thành công dân toàn cầu.

Cơ hội lớn thứ hai đó chính là sự thay đổi của công nghệ. Cả thế giới đang chuyển đổi số và tạo ra một nhu cầu rất lớn về việc làm và thế thệ Z tại Việt Nam chính là người hưởng lợi từ cơ hội duy nhất này. Thế hệ Z hiện nay lại có trình độ đào tạo về khoa học ở bậc THPT được đánh giá là đứng thứ 20 trên thế giới (PISA). Do vậy, trong một thế giới phẳng, các bạn hoàn toàn có cơ hội tiếp cận công nghệ 4.0 nhanh như thế hệ Z tại các quốc gia phát triển.

Họ cũng sẽ là thế hệ đào mồ chôn các mô hình hoặc nghề nghiệp kinh doanh truyền thống. Ví dụ thế hệ Z sẽ không bao giờ muốn tới các ngân hàng để giao dịch và họ sẵn sàng đến thử nghiệm chuyển sang dùng các dịch vụ mới sản sinh từ công nghệ 4.0, điều này chắc chắn sẽ làm các ngân hàng phải sa thải cán bộ giao dịch và đóng bớt cửa các chi nhánh.

Chính vì những nhu cầu này, vai trò của trường học là cần phải cho sinh viên tiếp cận, chạm vào công nghệ và ứng dụng công nghệ càng sớm càng tốt. Tuy nhiên chúng ta cũng biết là các trường đại học đa số là còn rất hàn lâm và ít trường thực sự có kết nối với các diễn biến của công nghệ và ứng dụng công nghệ 4.0. Điều này đặt thách thức rất lớn về đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực 4.0 để làm việc không chỉ cho thị trường Việt Nam mà chủ yếu là cho thị trường toàn cầu.

Về phương pháp, môi trường đào tạo có gì cần thay đổi?

Trường học cần phải thay đổi để đem lại các giá trị mới cho sinh viên. Các bạn trẻ hiện nay có thể tiếp nhận kiến thức mọi lúc mọi nơi ngoài trường học. Vì vậy trường, môi trường để hướng dẫn về kỹ năng tự học, học suốt đời, học lại, học thêm, biết lựa chọn và biết quên để học cái mới. Với cách tiếp cận trên thì việc học đại học không nên kéo dài quá 3 năm là có thể bắt đầu đi làm và khi đi làm sẽ tiếp tục học tập kỹ năng mới.

Thế hệ Z tại Việt Nam và việc định nghĩa lại đào tạo đại học - Ảnh 2.

Sinh viên cần tiếp xúc sớm với công nghệ 4.0

Ngoài ra việc sinh viên đến trường để truyền dạy kiến thức theo kiểu thầy giảng trò nghe đã trở nên lạc hậu, các em có thể ở nhà tra google để được kết quả tương tự. Trường cần cung cấp một hệ sinh thái để sinh viên tương tác, kết nối giữa học sinh, giáo viên và các đối tác bên ngoài như doanh nghiệp, nghiên cứu, Lab, chuyên gia ngành và ngay cả các nhu cầu thể thao, sinh hoạt giải trí cho sinh viên.

Như vậy mô hình lớp học cũ không còn phù hợp và cần chuyển thành mô hình như hoạt động tại các doanh nghiệp. Sinh viên sẽ không chỉ học với sinh viên trong trường mà còn mở rộng ra sinh viên từ cộng đồng quốc tế qua hình thức trao đổi, online. Dịch vụ trong trường chuyển thành một "dịch vụ resort" với sinh viên là trung tâm. Ngoài ra học sinh sẽ cần có nhiều "người thầy" từ các chuyên gia ngành (mentor), học tại doanh nghiệp, học từ những người có ảnh hưởng, học từ những người có kinh nghiệm và kỹ năng sống.

Ánh Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên