MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế 'kẹt' của Tổng công ty Sông Đà ở Vinaconex P&C

05-06-2020 - 14:01 PM | Doanh nghiệp

Tình thế có thể đã rất khác với Tổng công ty Sông Đà nếu thành viên Bộ Xây dựng nhanh hơn một nhịp - bán toàn bộ cổ phần VCP trước khi "thế trận" tại Vinaconex P&C "an bài".

Từ một doanh nghiệp hoạt động bình thường, với cổ phiếu được đánh giá khá cao trên sàn UpCOM, mã VCP của CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Năng lượng Vinaconex (Vinaconex P&C) từ đầu quý III/2019 dậy sóng khi tăng liên tục với biên độ lên tới 70%, cùng đồn đoán về một thương vụ thâu tóm nghìn tỷ.

Tuy nhiên, những tín hiệu của một cuộc M&A đã bắt đầu từ trước đó khá lâu, ít nhất là từ giữa năm 2018, khi CTCP Đầu tư VSD (VSD Holdings) đánh dấu sự xuất hiện của mình bằng việc nhận chuyển nhượng hơn 11% cổ phần.

Để có cái nhìn toàn cảnh, cần quay lại từ thời kỳ Vinaconex P&C vẫn là cuộc chơi của các ông lớn nhà nước.

Tại thời điểm cuối năm 2014, vốn cổ phần của Vinaconex P&C là 380 tỷ đồng, trong đó 4 cổ đông sáng lập là Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) nắm 29,2%, Tổng công ty Sông Đà xếp sau với 8,82%, Tổng công ty Cơ điện Xây dựng Nông nghiệp và Thuỷ lợi có 7,8% và Tổng công ty Xây dựng Thuỷ lợi 4 sở hữu 3,8%, tổng cộng là 49,62%, các cổ đông khác nắm 50,38%.

Tháng 3/2016, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đấu giá 5,198 triệu cổ phiếu, tương đương 11,36% vốn Vinaconex P&C. Phiên đấu giá thành công hơn mong đợi khi toàn bộ cổ phần đã được mua hết với giá bình quân 20.000 đồng/CP, cao hơn 35% so với giá khởi điểm.

Nhà đầu tư đã mua trọn lô cổ phần trên là Công ty TNHH Quản lý Quỹ Vietinbank. Dù vậy, pháp nhân này chỉ đầu tư theo uỷ thác và cổ đông mới thực sự của Vinaconex P&C lộ diện ngay sau đó, là ông Nguyễn Anh Tuấn - một nhà đầu tư cá nhân đến từ Hà Nội.

Đến cuối năm 2016, cổ phiếu VCP bắt đầu giao dịch trên sàn UpCOM. Các thông tin mua bán được công khai là cơ sở quan trọng để cập nhật cơ cấu sở hữu của Vinaconex P&C.

Trong suốt một thời gian dài, cổ phiếu VCP không có nhiều giao dịch đáng chú ý, cho đến phiên trao tay 5,181 triệu đơn vị từ ông Nguyễn Anh Tuấn sang cho VSD Holdings ngày 15/5/2018. Đơn giá thoả thuận là 30.500 đồng/CP. Nhà đầu tư bí ẩn Nguyễn Anh Tuấn theo đó đã "bỏ túi" khoản lãi chừng 54 tỷ đồng chỉ sau hơn một năm nắm giữ cổ phiếu VCP.

Giá cổ phiếu VCP bắt đầu được giao dịch sôi động. Tháng 9/2018, Tổng công ty Cơ điện Xây dựng (Agrimeco) đã bán thoả thuận hơn 3,5 triệu cổ phiếu VCP ở vùng giá 30-31.000 đồng/CP. Các giao dịch thoả thuận ngày một nhiều hơn với giá trị có những phiên lên đến hàng chục tỷ đồng.

Thương vụ M&A nghìn tỷ

Có thể thấy VSD Holdings đã chọn thời điểm xuất hiện vừa đủ để đảm bảo một sự hiện diện rõ nét hơn trong HĐQT Vinaconex P&C nhiệm kỳ 2019-2024.

Tại ĐHĐCĐ thường niên vào tháng 3/2019, nhóm cổ đông Vinaconex (28%) và VSD Holdings (10,9%) đề cử 3 thành viên HĐQT là các ông Dương Văn Mậu, Nguyễn Hữu Tới và Vũ Ngọc Tú, 2 thành viên BKS là ông Trịnh Nguyên Khánh và bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang. Trong khi nhóm cổ đông do cựu Phó TGĐ Vinaconex P&C Ngô Mạnh Cường làm đại diện (chiếm 34,28%) đề cử 2 vị trí trong HĐQT là các ông Vương Hoàng Minh và Phạm Bảo Long, 1 vị trí trong BKS là bà Nghiêm Quỳnh Chi.

Với hình thức bầu dồn phiếu, cả 5 ứng viên HĐQT và 3 ứng viên BKS nêu trên đã được bầu vào nhiệm kỳ 2019-2024. Tuy nhiên Biên bản ĐHĐCĐ năm đó cho thấy sự khác biệt lớn trong quan điểm giữa các nhóm cổ đông với nhau. Trong số 16 nội dung trình ĐHĐCĐ thông qua, có 11 nội dung được thông qua. 5 nội dung khác theo phương án ban đầu đều bị phủ quyết, chỉ được chấp thuận theo phương án hai do nhóm Vinaconex - VSD Holdings đề nghị bổ sung vào hôm Đại hội.

Dù tỷ lệ thông qua ở một số nội dung mức từ trên 50%-70%, tuy nhiên đây cũng là tín hiệu rõ nét về thế thắng của nhóm Vinaconex - VSD ở Vinaconex P&C, tạo tiền đề cho một loạt diễn biến lớn tiếp theo.

Trung tuần tháng 7/2019, CTCP Đầu tư Châu Á Thống Nhất - một pháp nhân có liên hệ với VSD Holdings công bố mua thoả thuận 3,2 triệu cổ phiếu VCP để nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,39% lên 10%.

Thời gian sau đó là giai đoạn giao dịch đặc biệt sôi động của VCP. Cầu gom cổ phiếu khiến mã này trên sàn Upcom vào giữa tháng 11/2019 từng lên tới hơn 65.000 đồng/CP, tương đương biên độ 70% so với đầu tháng 10/2019.

Sau một loạt giao dịch mua qua bán lại, trong đó có việc Vinaconex bán toàn bộ 28% cổ phần vào ngày 19/2/2020, cơ cấu sở hữu của Vinaconex P&C cơ bản đã ổn định. Quỹ POF của CTCP Quản lý quỹ PVI sau 5 đợt mua thoả thuận đã trở thành cổ đông lớn nhất tại Vinaconex P&C với tỷ lệ 40,88%; chi phí POF đã bỏ ra là khoảng 814 tỷ đồng. Trong khi đó, 2 cổ đông Đầu tư Châu Á Thống Nhất (14,04%) và cá nhân Nguyễn Tuấn Anh (20,16%) đã chi tổng cộng 1.072 tỷ đồng để sở hữu gần 19,5 triệu cổ phần VCP, phần lớn từ Vinaconex, số còn lại là của CTCP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Mundus Stones.

Tổng cộng, 3 cổ đông lớn nhất là POF, Châu Á Thống Nhất và ông Nguyễn Tuấn Anh sở hữu tổng cộng 75,08% vốn VCP với tổng giá trị đầu tư là gần 1.900 tỷ đồng.

Trong đó, như đã phân tích, POF và Châu Á Thống Nhất có liên hệ mật thiết tới VSD Holdings, dù doanh nghiệp của ông Vũ Ngọc Tú không còn nắm cổ phần nào ở Vinaconex P&C. Về phần mình, ông Nguyễn Tuấn Anh cũng không loại trừ khả năng thuộc nhóm này.

Sự chi phối của nhóm VSD Holdings nhanh chóng thể hiện khi cơ cấu cổ đông của Vinaconex P&C đi vào ổn định.

Ngày 20/2/2020, ông Vũ Ngọc Tú được bầu làm Chủ tịch HĐQT Vinaconex P&C thay cho ông Dương Văn Mậu. Hơn một tháng sau, vị trí Tổng giám đốc ngày 26/3 được chuyển giao từ ông Vương Hoàng Minh sang cho ông Phạm Văn Minh - người đang là Giám đốc CTCP Thống Nhất - nơi ông Vũ Ngọc Tú làm Chủ tịch HĐQT. Ngoài ra, cần đề cập đến trường hợp Trưởng BKS Vinaconex P&C là ông Trịnh Nguyên Khánh - Phó TGĐ VSD Holdings.

Cú bước sai nhịp của Sông Đà

Theo nguồn tin của Nhadautu.vn , Tổng công ty Sông Đà, cổ đông nắm khoảng 7% Vinaconex P&C đã phủ quyết 5/9 nội dung trình thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên giữa tháng 5 vừa qua. Dù không có nhiều ý nghĩa, song diễn biến này cho thấy thành viên Bộ Xây dựng không cùng quan điểm với nhóm VSD Holdings đang cầm quyền.

Tại ĐHĐCĐ bất thường đầu năm 2020 (thông qua cho phép POF không cần chào mua công khai) và ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, Tổng công ty Sông Đà cũng đã phủ quyết nhiều nội dung - điều gần như chưa diễn ra trong những năm trước.

Diễn biến này, trên thực tế không quá bất ngờ bởi mâu thuẫn lợi ích giữa Tổng công ty Sông Đà và nhóm cổ đông lớn tại Vinaconex P&C là thấy rõ.

Ngày 23/3/2020, Tổng công ty Sông Đà đã tổ chức đấu giá toàn bộ cổ phần VCP với giá khởi điểm 55.100 đồng/CP, tuy nhiên không thành công do không có nhà đầu tư đăng ký tham gia.

Ngoài mức giá cao hơn từ 10-12% thị giá, thì một nguyên nhân quan trọng là với tỷ lệ sở hữu chi phối, nhóm cổ đông VSD Holdings không cần thiết phải chi thêm hơn hai trăm tỷ đồng để tiếp tục gia tăng tỷ lệ sở hữu. Ngược lại, họ có nhiều "đáp án" để giải "bài toán" Tổng công ty Sông Đà (cùng các cổ đông nhỏ lẻ khác), chẳng hạn tăng mạnh vốn để pha loãng tỷ lệ sở hữu.

Hay nói cách khác, thành viên Bộ Xây dựng đang bị "kẹt cứng" tại Vinaconex P&C, mà họ chỉ có thể trách mình đã quá chậm chân khi chọn thời điểm bán cổ phần VCP. Tình thế của Tổng công ty Sông Đà có phần tương đồng với Công ty Tài chính CP Bưu điện tại đất vàng Khách sạn Kim Liên mà Nhadautu.vn đã đề cập cách đây không lâu.

Biết rằng chủ trương thoái vốn khỏi Vinaconex P&C đã được Bộ Xây dựng chấp thuận cho Tổng công ty Sông Đà theo Văn bản số 2523 ngày 10/10/2018. Dù vậy, phải tới hơn một năm sau, HĐQT Tổng công ty Sông Đà ngày 20/11/2019 mới có Nghị quyết số 48 về việc thông qua phương án thoái vốn tại Vinaconex P&C. Và như đã biết, việc thoái vốn phải cuối tháng 3/2020 mới tiến hành, khi "thế trận" tại Vinaconex P&C đã "an bài".

Nếu "bước" đúng nhịp, giới đầu tư nhìn nhận Tổng công ty Sông Đà đã có thể thu về hơn 200 tỷ đồng trong đợt "sốt" cuối năm ngoái. Còn ở thời điểm hiện tại, không rõ số cổ phần VCP có thị giá bằng 2/3 lãi sau thuế cả năm của tổng công ty này sẽ đi về đâu. Lưu ý là với tỷ lệ sở hữu 99,79% thông qua Bộ Xây dựng, Tổng công ty Sông Đà về bản chất vẫn là một doanh nghiệp nhà nước.

Theo Lâm Tín

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên