'Thế khó' của các hãng gọi xe công nghệ
Mới đây, khoản gọi là "phụ phí thời tiết nắng nóng gay gắt" được Grab công bố áp dụng đã gây nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
- 13-08-2022Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện - Bài cuối: Cần hợp sức từ mọi nguồn lực
- 13-08-2022Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện - Bài 2: Nền tảng công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Đầu tháng 8 vừa qua, Bộ Tài chính cho biết đang trong quá trình lấy ý kiến để có hình thức quản lý giá đối với các loại phụ phí dịch vụ của doanh nghiệp gọi xe công nghệ. Chuyện đúng sai sẽ chờ cơ quan quản lý, nhưng nhìn ở góc độ thị trường, các loại phụ phí mới đang cho thấy "thế khó" của các hãng gọi xe công nghệ trong bối cảnh hiện nay.
Phí gọi xe ban đêm; Phí thay đổi hành trình hay thậm chí là phí nắng nóng... Mô hình kinh doanh phát sinh những loại phụ phí - đang phần nào cho thấy sự chật vật trong tìm kiếm lợi nhuận của các nền tảng gọi xe công nghệ.
Hiện các hãng gọi xe công nghệ đầu ngành đều có ít nhất 3 loại phụ phí, dao động từ vài nghìn cho đến 20.000 đồng mỗi cuốc xe. Theo lý giải thường thấy của các hãng, phụ phí là cách đảm bảo thu nhập, khuyến khích tài xế hoạt động trong các điều kiện bất tiện.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Phát triển Cộng đồng Đối tác, Gojek Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi có nhiều loại phí khác nhau cho các loại dịch vụ khác nhau. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là các bác tài xế có mức thu nhập xứng đáng. Chúng tôi sử dụng nhiều công nghệ AI, thuật toán để tính toán giá cước".
Có không ít tài xế lại cho rằng, với cách tính của một số loại phụ phí, các nền tảng cũng được hưởng lợi, có thêm nguồn thu.
Một tài xế công nghệ cho biết: "Chúng tôi không nhận được trực tiếp cái đó mà chỉ nhận gián tiếp. Ví dụ như phí 2.000 đồng, chúng tôi không nhận được 2.000 đồng đó mà phải nhận thông qua phí sau cùng rồi mới được chia lại".
Thực tế áp lực phải sớm chạm đến điểm sinh lời đang là vấn đề nóng với các công ty công nghệ kỳ lân trong ngành. Năm 2021 riêng tại Việt Nam, Grab lỗ thêm hơn 300 tỷ đồng. Nâng mức lỗ lũy kế lên hơn 4.300 tỷ đồng. Còn báo cáo từ tập đoàn mẹ trong quý 1 năm nay cũng cho thấy chỉ duy nhất mảng chở khách là có lãi, còn lại mảng giao hàng và dịch vụ tài chính lỗ hàng trăm triệu USD.
Theo giới phân tích, "kỷ luật chi tiêu" là cách mà các hãng lớn phải áp dụng. Bà Hoàng Thị Kim Dung, nhà đầu tư, Quỹ Genesia Ventures, cho biết: ""Chi tiêu một cách có kỷ luật", tức là sẽ thắt chặt nhiều loại chi phí. Như chi phí vận hành doanh nghiệp, chi phí marketing, chi phí ưu đãi để giữ chân đối tác, ưu đãi người dùng, đưa công ty đạt được điểm có lãi trong tương lai. Đây là áp lực rất lớn".
Không chỉ theo đuổi lợi nhuận để cải thiện kỳ vọng từ nhà đầu tư mà còn phải giữ chân tài xế, người dùng trong lúc cuộc cạnh tranh vẫn rất khốc liệt tại Việt Nam. Nhiều biến số cho một bài toán khó của nền tảng gọi xe.
VTV