Thế khó của Chủ tịch Trần Đình Long: Nắm giữ gần 1,5 tỷ USD tiền mặt nhưng sẽ không mua cổ phiếu quỹ
Hiện nay vốn điều lệ của các công ty con trực thuộc Tập đoàn đang lớn hơn vốn điều lệ của Tập đoàn mẹ. Việc tích luỹ nguồn tiền là hoàn toàn phù hợp với Hoà Phát trong giai đoạn này, khi Tập đoàn đẩy mạnh đầu tư vào Dự án Hoà Phát Dung Quất 2 với tổng công suất 5,6 triệu tấn/năm.
Trong 2 năm qua, tiền mặt và tiền gửi của Tập đoàn Hoà Phát đã tăng một lượng đáng kể, từ mức 5.900 tỷ đồng vào cuối năm 2019 đến 34.800 tỷ đồng (hơn 1,5 tỷ USD) đến hết quý III/2021, cao nhất sàn chứng khoán. Lượng tiền dồi dào này là kết quả của sự phối hợp hiệu quả giữa các hoạt động kinh doanh, đầu tư và nghiệp vụ tài chính. Công ty vẫn duy trì được dòng tiền thuần dương ở mức cao cho dù đang phải đẩy mạnh đầu tư cho dự án Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất (tổng vốn đầu tư: 60.000 tỷ đồng – Giai đoạn 1 và 85.000 tỷ đồng – Giai đoạn 2).
Với lượng tiền mặt lớn như vậy, đã có một số lời đề xuất từ phía các cổ đông gửi đến Chủ tịch Hoà Phát Trần Đình Long nên mua cổ phiếu quỹ lúc này. Về ngắn hạn việc này sẽ có lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt trong thời điểm thị trường chứng khoán được nhận định còn nhiều cơ hội tốt trong giai đoạn cuối năm, giúp củng cố dòng tiền của doanh nghiệp. Hoạt động mua gom cổ phiếu quỹ trong giai đoạn này cũng được kỳ vọng làm cho mức độ hấp dẫn của cổ phiếu tăng lên, kéo theo sự gia tăng của giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, Luật chứng khoán 2019 yêu cầu Công ty đại chúng thực hiện mua cổ phiếu quỹ phải giảm vốn điều lệ với giá trị tương ứng, điều này đi ngược lại với chiến lược của Hòa Phát. Theo ý kiến của người trong cuộc, Ban lãnh đạo Hòa Phát luôn theo đuổi tầm nhìn dài hạn, đẩy mạnh phát triển công ty, mở rộng quy mô sản xuất liên tục..,do đó việc tăng vốn qua các năm là yếu tố quan trọng nhằm bổ sung nguồn lực tài chính cho các dự án trọng điểm, phục vụ mục tiêu tăng trưởng dài hạn.
Trong một lần trả lời cổ đông hồi đầu năm 2021 về việc tại sao Hoà Phát chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì trả cổ tức bằng tiền mặt, ông Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch tập đoàn khi đó đang giữ vai trò Tổng giám đốc Hoà Phát cho rằng, Hoà Phát phải tăng vốn điều lệ để đối ứng với các dự án đang thực hiện. Hiện nay vốn điều lệ của các công ty con trực thuộc Tập đoàn đang lớn hơn vốn điều lệ của Tập đoàn mẹ. Đơn cử, vốn điều lệ của công ty Thép Hoà Phát Dung Quất đang 30.000 tỷ, mới tăng thêm 9.000 tỷ lên 39.000 tỷ. Năm 2022 sẽ tăng thêm vốn cho Dung Quất để đầu tư Dung Quất 2 nên vốn điều lệ của Dung Quất sẽ lớn hơn vốn điều lệ của tập đoàn (hiện 44.000 tỷ). Do đó, việc mua cổ phiếu quỹ lúc này để giảm vốn điều lệ Tập đoàn là không thích hợp.
Sau 14 năm niêm yết trên sàn HOSE, vốn điều lệ của Hòa Phát hiện nay cao gấp 33,8 lần so với thời điểm mới lên sàn năm 2007, đặc biệt tăng mạnh trong giai đoạn 2017 – 2021, là giai đoạn triển khai Dự án Hoà Phát Dung Quất 1.
Việc tích luỹ nguồn tiền là hoàn toàn phù hợp với Hoà Phát trong giai đoạn này, khi Tập đoàn đẩy mạnh đầu tư vào Dự án Hoà Phát Dung Quất 2 với tổng công suất 5,6 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, từ quý IV, Hoà Phát đã có quyết định đầu tư lớn vào Tổng công ty Điện máy Gia dụng Hoà Phát, đón đầu làn sóng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, với mục tiêu trở thành nhà sản xuất điện lạnh – gia dụng số 1 Việt Nam vào năm 2030 và hướng ra xuất khẩu.
Trên thị trường, không ít trường hợp các công ty đã mua cổ phiếu quỹ giảm vốn điều lệ. Gần 2 năm trước, Thủy sản Mekong (AAM) gây bất ngờ khi thông báo hủy bỏ toàn bộ 2,7 triệu cổ phiếu quỹ, giảm vốn điều lệ từ 126 tỷ đồng xuống dưới 100 tỷ đồng. Điều làm cho nhà đầu tư chú ý là sau khi giảm vốn, Thủy sản Mekong đã không còn đáp ứng đủ điều kiện về vốn điều lệ tối thiểu, và đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với đó cổ phiếu AAM bị đưa vào diện bị cảnh báo. Tuy nhiên, sau hơn nửa năm, Thủy sản Mekong đã đưa ra phương án khắc phục bằng cách phát hành hơn 2,4 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, và tăng vốn điều lệ lên trên 123,4 tỷ đồng, đủ điều kiện niêm yết trên HoSE.
CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (Lideco – mã chứng khoán NTL) đã quyết định giảm vốn điều lệ từ 636 tỷ đồng xuống còn gần 610 tỷ đồng bằng cách hủy đi hơn 2,61 triệu cổ phiếu quỹ đang có.
Gang thép Thái Nguyên (TIS) giảm vốn điều lệ từ 2.840 tỷ đồng xuống 1.840 tỷ đồng. Nguyên nhân, do Tổng Công ty đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) rút toàn bộ vốn góp 1.000 tỷ đồng, tương đương 100 triệu cổ phần tại doanh nghiệp này.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị