MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế khó của HSBC: Tai bay vạ gió vì Huawei, chao đảo trước những 'cơn gió' ngược khi bị kẹt giữa phương Tây và Trung Quốc

21-08-2019 - 12:24 PM | Tài chính quốc tế

Thái độ khó chịu của Bắc Kinh đối với HSBC khi có dính líu tới việc khiến Huawei gặp rắc rối là một trong những thách thức của ngân hàng này khi họ đang nỗ lực đi lên giữa những căng thẳng của Trung Quốc và phương Tây.

Khi Lưu Hiểu Minh, đại sứ Trung Quốc tại Anh, phát biểu tại bữa tiệc mừng năm mới của HSBC hồi tháng 2, ông đã hết lời khen ngợi ngân hàng này. Trong phòng tiệc Liên Hợp Quốc ở khách sạn Four Seasons London, ông đã ca ngợi công ty về việc "lan toả niềm tin tại Trung Quốc bằng những hành động cụ thể."

"Mầm mống" của sự việc: Vụ bắt giữ CFO của Huawei

Chỉ vài ngày trước bữa tiệc, ông Lưu đã triệu tập John Flint - vị giám đốc điều hành gần đây đã bị sa thải, đến đại sứ quán và thẩm vấn ông về vai trò của công ty trong vụ bắt giữ và truy tố bà Mạnh Vãn Chu - CFO của Huawei. Theo nguồn tin thân cận, ông Flint nói với đại sứ rằng HSBC không có lựa chọn nào khác ngoài xem xét lại những thông tin đã giúp các công tố viên Mỹ thực hiện vụ kiện chống lại bà Mạnh. 

Sự khó chịu của Bắc Kinh đối với HSBC khi có dính líu tới việc khiến Huawei gặp rắc rối là một trong những thách thức của ngân hàng này khi họ đang nỗ lực đi lên giữa những căng thẳng của Trung Quốc và phương Tây.

Ronit Ghose, một nhà phân tích ngành ngân hàng tại Citi, cho hay: "Họ đang cố gắng khắc phục vấn đề này giữa phương đông và phương tây, và trong vài thập kỷ qua thì đó là một vị thế đôi bên cùng có lợi." Thế nhưng, với dòng chảy giữa Trung Quốc và phương Tây được dự đoán sẽ giảm tốc vì chiến tranh thương mại, thì HSBC sẽ mất lợi thế. Ông nói: "Những gì đã từng là cơn gió mạnh thúc đẩy họ phát triển, giờ đây đã trở thành những cơn gió ngược chiều."

Khi Flint gặp đại sứ, ông đã giải thích rằng ngân hàng trao tài liệu của Huawei cho Bộ Tư pháp Mỹ vào năm 2017, thì hành động đó được thực hiện bởi bộ phận giám sát của công ty. Bộ phận này được thành lập năm 2012 sau khi HSBC bị phạt 1,9 tỷ USD do vi phạm lệnh trừng phạt và tiếp tay cho các băng đảng ma tuý Mexico rửa tiền. DoJ yêu cầu cung cấp thông tin liên quan, thì ngân hàng phải tuân thủ.

Thế khó của HSBC: Tai bay vạ gió vì Huawei, chao đảo trước những cơn gió ngược khi bị kẹt giữa phương Tây và Trung Quốc - Ảnh 1.

Sau đó, mới đây, ông Flint đã bị cách chức nhưng vẫn không rõ việc này có thể xoa dịu Bắc Kinh hay không. Tờ Global Times, tháng trước đưa tin rằng HSBC có thể bị đưa vào danh sách "các công ty không đáng tin cậy" của nước này, đây là một động thái "ăn miếng trả miếng" cho lệnh trừng phạt của Mỹ với các công ty Trung Quốc.

Tờ báo cho biết HSBC đã giao nộp tài liệu "một cách phi đạo đức" và trích dẫn một nguồn giấu tin cáo buộc ngân hàng đã tạo "bẫy" cho Huawei. Khi được hỏi về thông tin gần đây của Global Times, Tucker từ chối bình luận nhưng cho biết rằng ngân hàng "hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Trung Quốc về sự tăng trưởng và sự thịnh vượng của nền kinh tế."

Thế khó của HSBC ở thời điểm hiện tại

Tucker cũng chỉ ra việc ngân hàng "tích cực có mặt" trong một loạt dự án cao cấp ở nước này, bao gồm việc quốc tế hoá đồng NDT, tạo ra một khu kinh tế theo hướng công nghệ khu Greater Bay và Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI). Trong một lưu ý gửi tới các nhà đầu tư của HSBC sau thông tin của Global Times, một nhà phân tích tại Autonomous, cho biết ngân hàng có thành tích tốt trong việc đảm bảo những giấy phép cần thiết để phát triển ở đại lục. "Tuy nhiên, nếu HSBC bị hạn chế tham gia vào việc mở cửa thị trường tài chính Trung Quốc trong tương lai, thì cơ hội tăng trưởng sẽ bị hạ thấp."

Trung Quốc bày tỏ thái độ giận dữ về vụ Huawei khi HSBC đang trong tình thế khó khăn khi chứng kiến những cuộc biểu tình ngày càng căng thẳng ở Hồng Kông. Ngân hàng này đang nỗ lực bước đi như những gì một giám đốc điều hành miêu tả là "thờ ơ với vấn đề chính trị." Tuy nhiên, Chris Patten, thống đốc người Anh cuối cùng của Hồng Kông trong khoảng thời gian từ 1992 đến 1997, cho biết HSBC nên có cách tiếp cận tích cực hơn. Ông nói: "Tôi hy vọng HSBC, như những thành viên của cộng đồng doanh nghiệp, đang cố gắng để chính phủ Hồng Kông tìm cách hoà giải."

Một số nhân viên thì phàn nàn rằng việc HSBC không lên tiếng là một biểu hiện của việc họ muốn chiều lòng Bắc Kinh hơn tất thảy. Các giám đốc điều hành của bộ phận nghiên cứu ngân hàng tại châu Á đặc biệt cảnh giác với hành vi phạm tội, theo nguồn thạo tin. Họ cho biết những tin tức tiêu cực về kinh tế Trung Quốc đáng ra nên được báo cáo thì thuờng bị che lấp hoặc công bố những thông tin tích cực để "đánh bóng".

Một bài báo của nhà kinh tế đến từ HSBC hồi năm ngoái có tựa đề "Tại sao chiến tranh thương mại sẽ thúc đẩy Trung Quốc - mối quan hệ khăng khít hơn với những quốc gia mới nổi khiến căng thẳng của Mỹ trở thành một điều kỳ diệu trong việc nguỵ trang" đã bị khách hàng bày tỏ thái độ không hài lòng vì "là chiêu marketing cho chính phủ Trung Quốc."

Từng là "ngân hàng ưa thích" của các doanh nhân đại lục và Trung Quốc

HSBC thành lập năm 1865 bởi một nhóm thương nhân người Anh ở Hong Kong. Đến những năm 1980, ngân hàng này bắt đầu nhận được ưu ái của Bắc Kinh nhờ việc cho các doanh nhân địa phương ở Trung Quốc vay tiền. Một phần nhờ những khoản đi vay từ HSBC mà những doanh nhân như Lý Gia Thành có thể trở nên cạnh tranh hơn và thậm chí thay thế vị trí của các doanh nhân ngoại kiều đến từ Anh.

Thế khó của HSBC: Tai bay vạ gió vì Huawei, chao đảo trước những cơn gió ngược khi bị kẹt giữa phương Tây và Trung Quốc - Ảnh 2.

Đầu những năm 2000, HSBC "bắt tay" vào thực hiện một thương vụ mua lại lớn để giảm bớt sự phụ thuộc vào Hồng Kông. Hai trong số những thương vụ lớn nhất của họ đều là sự thất bại. Thương vụ mua lại Household Finance ở Mỹ năm 2003 đã khiến công ty chìm trong khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn. Ngân hàng mà họ mua ở Mexico hồi năm 2002 là một ngân hàng các băng đảng ma tuý rửa tiền, HSBC chìm vào bê bối và đối mặt với sự đe doạ sống còn. 

Sau đó, HSBC đã phải thành lập một tổ giám sát vào năm 2012, chính việc này đã khiến ngân hàng này dính líu tới Huawei. Stuart Gulliver, giám đốc điều hành HSBC từ năm 2012 đến 2018, dành phần lớn thời gian đương nhiệm để dọn dẹp những rắc rối. Năm 2015, Gulliver đã công bố chiến lược "trọng tâm hướng tới châu Á". Theo đó, ông có ý định đưa ngân hàng trở lại con đường như hồi năm 1884, khi chủ tịch cho biết họ chỉ nên phát triển hoạt động kinh doanh "có tầm quan trọng trực tiếp đối với thương mại của Trung Quốc."

Khi công bố chiến lược trên, Gulliver chỉ ra ít nhất 3 tỷ USD doanh thu hàng năm mà ngân hàng có thể đạt được trong trung hạn, thường là 3 đến 5 năm. 4 năm sau đó, hiệu quả từ kế hoạch trên vẫn khó để xác định dù một số quan điểm lạc quan vẫn có thể chỉ ra những điểm tích cực. 

HSBC đã thực hiện nhiều động thái hơn để tăng mức độ "phủ sóng" ở Trung Quốc so với những đối thủ. Ngân hàng này mở nhiều chi nhanh hơn bất kỳ nhà cho vay phi nội địa nào khác và là ngân hàng đầu quốc tế đầu tiên nắm quyền kiểm soát đa số của một công ty chứng khoán ở đại lục. Giám đốc của một đối thủ cạnh tranh lớn ở Trung Quốc nhận định rằng HSBC đã "rất khôn ngoan và có tầm nhìn" khi tập trung vào khu Greater Bay.

Tuy nhiên, HSBC cũng đối mặt với tình huống khó xử về mặt ngoại giao. Khi đại sứ phát biểu tại bữa tiệc mừng năm mới, ông đã kết thúc bằng 2 câu thơ của Lý Bạch:

"Cưỡi gió phá sóng hẳn có ngày,

Treo thẳng buồm mây vượt biển cả!"

Lời trích dẫn này được coi như một thông điệp gửi tới HSBC khi họ đang đối mặt với sự lựa chọn giữa phương Đông và phương Tây: "Một doanh nghiệp tốt phải tìm ra đúng thời điểm, thì sẽ có thể treo buồm vượt qua biển lớn."

Hương Giang

FT

Trở lên trên