Thế khó của Tổng công ty Sông Hồng
Là đơn vị thuộc diện Bộ Xây dựng phải thoái vốn trong năm 2017, song với tình trạng thua lỗ như hiện nay, Tổng công ty Sông Hồng khó tìm được nhà đầu tư sẵn lòng rót vốn.
Nguồn thu sụt giảm nghiêm trọng, 4 năm thua lỗ liên tiếp
Tổng CTCP Sông Hồng (UPCoM: SHG) thành lập năm 1958, được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng. Công ty đưa cổ phiếu lên giao dịch tại thị trường UPCoM từ 2015, hiện nay Bộ Xây dựng vẫn còn nắm giữ 73,2% vốn.
Sông Hồng nằm trong danh mục những tổng công ty có khối tài sản lớn, diện tích đất rộng và nhiều lao động mà Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng thực hiện nghiêm túc chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn. Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn giai đoạn 2017-2020 ban hành vào tháng 8/2017, Bộ Xây dựng phải thoái toàn bộ vốn khỏi Sông Hồng trong năm 2017. Với tình cảnh thua lỗ triền miên của Sông Hồng hiện nay, công cuộc thoái vốn có lẽ còn kéo dài hơn nữa.
Từ năm 2015 đến nay, tổng công ty này liên tục báo doanh thu sụt giảm mạnh đi kèm với khoản lỗ khủng. Doanh thu giảm mạnh từ 956 tỷ đồng năm 2015 về 187,8 tỷ năm 2017; lỗ ròng lần lượt 85 tỷ, 188,7 tỷ và 55,6 tỷ giai đoạn 2015-2017.
Tính đến nửa đầu năm nay tình hình không khá hơn khi doanh thu đạt vỏn vẹn 13,3 tỷ đồng, bằng 13,2% cùng kỳ năm trước. Nguồn thu từ hoạt động tài chính và hoạt động khác không bao nhiêu trong khi chi phí lãi vay vẫn lớn (gần 14 tỷ) và chi phí quản lý (11,2 tỷ) đã khiến tổng công ty tiếp tục lỗ 21,7 tỷ đồng.
Theo kế hoạch kinh doanh đề ra cho năm 2018 vừa được thông qua tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2018 mới đây, công ty tiếp tục lỗ trước thuế 20,8 tỷ đồng. Giá trị sản xuất kinh doanh mục tiêu là 205 tỷ đồng, riêng hoạt động xây lắp mang về 157,7 tỷ đồng; doanh thu mục tiêu 132,7 tỷ đồng, giảm 29% so với năm trước.
Vốn chủ sở hữu âm gần 200 tỷ, chất lượng tài sản cùng khả năng trả nợ thấp
Nhiều năm thua lỗ khiến lợi nhuận sau thuế tổng công ty tính đến 30/6 là âm 506 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 196 tỷ đồng. Theo đó, toàn bộ khối tài sản 1.451,7 tỷ đồng được tài trợ hoàn toàn bằng nợ phải trả 1.647 tỷ đồng, riêng vay nợ là 319 tỷ đồng.
Đồng thời, tài sản tổng công ty cũng dồn hết về các khoản phải thu ngắn và dài hạn cùng hàng tồn kho (1.182 tỷ đồng, chiếm 81% tổng tài sản). Đặc biệt, khoản phải thu ngắn hạn khách hàng 219 tỷ và phải thu khác 161 tỷ đồng bị đơn vị kiểm toán cho biết không thể khẳng định tính hiện hữu đầy đủ.
Công ty có khoản phải trả người bán ngắn hạn 296 tỷ đồng tại thời điểm 30/6, đơn vị kiểm toán không thu thập được đầy đủ thư xác nhận và không đánh giá được khả năng trả nợ, khả năng thanh toán của tổng công ty. Sông Hồng cũng chưa có khoản dự phòng nào liên quan đến nghĩa vụ bảo lãnh cho CTCP Thép Sông Hồng số tiền 239 tỷ đồng mà Tòa án đã kết luận buộc tổng công ty phải thanh toán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Với tình trạng trên, đơn vị kiểm toán đưa ra kết luận nghi ngờ đáng kể khả năng hoạt động liên tục của tổng công ty.
Giải pháp vượt khó của ban lãnh đạo
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2018 diễn ra ngày 30/8 vừa qua, ông Trần Huyền Linh – Chủ tịch HĐQT chia sẻ hoạt động tổng công ty nhiều năm qua khó khăn, phát sinh nhiều vướng mắc kéo dài, nhiều khoản nợ lớn tại ngân hàng, tín dụng xếp nhóm 5 và không thể tham gia đấu thầu thi công. Qua làm việc với Bộ Xây dựng, tổng công ty thống nhất tập trung làm dự án khả thi nhất hiện nay là Tổ hợp đa chức năng Sông Hồng Tower, tổng mức đầu tư 2.160 tỷ đồng. Để làm dự án Sông Hồng bắt buộc phải tăng vốn, hiện vốn chủ sở hữu thiếu khoảng 400 tỷ đồng.
Theo đó, HĐQT đã trình và được cổ đông thông qua phương án phát hành riêng lẻ 18 triệu cp nhằm tăng vốn điều lệ từ 270 tỷ lên 450 tỷ đồng, giá phát hành ủy quyền cho HĐQT thỏa thuận nhưng không thấp hơn mệnh giá. Song, giá hiện nay trên thị trường của Sông Hồng chỉ 2.600 đồng/cp, cổ phiếu tổng công ty cũng bị hạn chế giao dịch tại UPCoM kể từ tháng 10/2017 do chậm công bố thông tin. Bởi vậy, phương án phát hành riêng lẻ giá không thấp hơn mệnh giá của tổng công ty vấp phải sự nghi ngờ về tính khả khi của cổ đông.
Mặt khác, năm 2017, HĐQT đã trình phương án tăng vốn lên 450 tỷ đồng nhưng chưa thực hiện được. Cũng trong năm này, tổng công ty đã phát hành thành công 6,5 triệu cp để bù đắp lại phần vốn hao hụt khi chuyển Trường Trung cấp Kỹ thuật Nghiệp vụ Sông Hồng về trực thuộc Bộ Xây dựng (giảm vốn từ 270 tỷ về 204,8 tỷ đồng). Hai nhà đầu tư mua cổ phần trong đợt phát hành này là Tổng giám đốc Lã Tuấn Hưng và Phó tổng giám đốc Phan Việt Anh.
Ngoài tăng vốn, HĐQT đưa ra các giải pháp khác để vượt khó như tinh gọn bộ máy, đốc thúc thu hồi công nợ, làm việc với các ngân hàng để khoanh nợ và thoái vốn loạt đơn vị thành viên đã được phê duyệt như Công ty Sông Hồng Thăng Long, Công ty TNHH MTV Sông Hồng An Dương…
Người đồng hành